HIMARS 'vô dụng' trước công nghệ gây nhiễu vượt trội của Nga ở Ukraine?

HIMARS 'vô dụng' trước công nghệ gây nhiễu vượt trội của Nga ở Ukraine?

03/06/2024 14:39 GMT+7

Một báo cáo mới cho thấy các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt (HIMARS) do Mỹ cung cấp cho Ukraine đã “mất tác dụng” trước hệ thống gây nhiễu điện tử của Nga.

Báo The Washington Post đã được tham khảo một đánh giá bí mật về vũ khí của Ukraine, theo đó lực lượng Kyiv đã phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô sử dụng nhiều loại vũ khí do Mỹ cung cấp vì tỷ lệ bắn trật mục tiêu tăng cao. Báo cáo đề cập đến các loại vũ khí như đạn pháo dẫn đường bằng GPS Excalibur và hệ thống HIMARS.

Đánh giá cho thấy: “Công nghệ Excalibur ở các phiên bản hiện tại đã mất đi tiềm năng”. Việc sử dụng loại đạn này trên chiến trường ở Ukraine đã làm mất đi danh tiếng “bách phát bách trúng” của loại đạn này.

Một nguồn tin quân sự Ukraine nói với The Washington Post rằng tổ hợp HIMARS, có thể phóng tên lửa đến mục tiêu cách xa 80km, ban đầu được ca ngợi là vũ khí thần kỳ giúp cho Ukraine nhưng giờ đây đã trở nên ít nguy hiểm hơn trên chiến trường.

Nguồn tin cho biết: “Người Nga đã triển khai chiến tranh điện tử, vô hiệu hóa tín hiệu vệ tinh và HIMARS trở nên hoàn toàn vô dụng”. Theo đánh giá, việc gây nhiễu của Nga có thể khiến tên lửa trượt mục tiêu từ 15m trở lên.

Đầu tuần này, một báo cáo tiết lộ rằng bom lượn do Mỹ cung cấp cũng liên tục trượt mục tiêu do Nga gây nhiễu.

HIMARS 'vô dụng' trước công nghệ gây nhiễu vượt trội của Nga ở Ukraine?- Ảnh 1.

Một hệ thống HIMARS phóng tên lửa về phía Bakhmut (Ukraine), ngày 18.5.2023

GETTY IMAGES

Các hệ thống khác, bao gồm tên lửa Storm Shadow của Anh và Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân của quân đội Mỹ (hay ATACMS) ít bị ảnh hưởng bởi hoạt động gây nhiễu của Nga hơn. ATACMS cũng được bắn từ bệ phóng HIMARS.

Tờ Defense One đưa tin, gây nhiễu là một chiến thuật phòng không hiệu quả, vì sử dụng phần mềm không quá tốn kém nhưng vẫn có thể tiêu diệt các loại đạn dược có giá ít nhất cũng là hàng vạn USD.

Các loại đạn và tên lửa chính xác sẽ dựa vào hệ thống vệ tinh để dẫn đường đến mục tiêu. Hệ thống gây nhiễu của Nga hoạt động từ mặt đất, phóng ra một “hình nón” ngăn vũ khí liên lạc với vệ tinh.

Một quan chức cấp cao của Mỹ giấu tên nói với The Washington Post rằng Nga “tiếp tục mở rộng việc sử dụng tác chiến điện tử”. Ông cho biết Mỹ “tiếp tục phát triển cũng như đảm bảo rằng Ukraine có những năng lực cần thiết để hoạt động hiệu quả”.

Tuy nhiên, đầu tháng này, ông Mike Nagata, trung tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, người chỉ huy các hoạt động đặc biệt ở Trung Đông, nói rằng Mỹ “vẫn đang tụt hậu” về khả năng tác chiến điện tử của mình.

Ông kêu gọi chính quyền Washington nên sáng tạo hơn nữa để giành lại ưu thế trong chiến tranh điện tử.

Công nghệ gây nhiễu của Nga thậm chí còn nhắm tới dịch vụ kết nối vệ tinh Starlink của tỉ phú Elon Musk, hiện đang được cung cấp ở Ukraine.

Kể từ khi bắt đầu xung đột, quân đội Ukraine đã dùng dịch vụ internet vệ tinh Starlink của công ty SpaceX cho các công việc liên lạc và phối hợp tấn công. Nhưng theo báo The New York Times, hồi đầu tháng 5, quân đội Nga đã thành công trong việc phá vỡ Starlink, gây ra vấn đề nghiêm trọng cho quân đội Ukraine trên tiền tuyến.

Các thành viên của Lữ đoàn xung kích số 92 của Ukraine cho biết mạng Starlink hoạt động rất chậm khi lực lượng Nga triển khai các chiến dịch tấn công lớn vượt biên giới phía bắc về phía tỉnh Kharkiv.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.