Hình hài cây rõi 500 tuổi với 'giai thoại' biết né bom đạn

03/08/2022 07:22 GMT+7

Cạnh di tích lịch sử quốc gia địa đạo Kỳ Anh (làng Thạch Tân, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam ) có một cây rõi đã tồn tại suốt 500 năm qua. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, dù ác liệt là vậy nhưng cây vẫn hiên ngang đứng vững…

Địa đạo Kỳ Anh là 1 trong 3 địa đạo lớn nhất VN, sau địa đạo Củ Chi và Vịnh Mốc. Nơi đây gắn liền với những chiến tích oanh liệt của quân và dân Quảng Nam trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Cùng với hệ thống địa đạo dẫn đến đình làng, ụ rơm, vườn nhà dân…, cây rõi là thực thể được xem như một di tích lịch sử.

Đời cây chuyện làng - Kỳ 2: Ly kỳ chuyện cây rỏi 500 tuổi biết "né" bom đạn

Cây rõi đi qua mưa bom, bão đạn của quân thù vẫn đứng thẳng tắp

hoàng sơn

Ông Huỳnh Kim Ta, người quản lý khu di tích khi đón khách đến tham quan khu di tích luôn nhắc đến cây rõi với niềm tự hào tha thiết. Bởi gốc cây như là chứng nhân của làng Thạch Tân suốt tiến trình hình thành và phát triển.

Di tích lịch sử quốc gia địa đạo Kỳ Anh là nơi ghi dấu nhiều chiến công của quân và dân Quảng Nam trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ

hoàng sơn

"Làng Thạch Tân đã có khoảng 22 đời. Và cây rõi gắn liền với buổi đầu Quảng Nam mở cõi từ thời phong kiến. Ngày xưa, khi làng hình thành, người ta đặt xóm này là xóm trong và trồng cây rõi. Xóm giữa có cây trâm lăng và xóm ngoài trồng cây sơn mã", ông Ta kể.

Thân cây xù xì, gai góc vì đã sinh trưởng suốt chiều dài lịch sử 500 năm qua

hoàng sơn

Dẫn chúng tôi đến tham quan cây rõi (cách đình làng Thạch Tân khoảng 200 m về hướng bắc), ông Huỳnh Kim Ta cho biết thêm, nếu ngày xưa, gốc rõi là nơi các cụ nghỉ ngơi sau giờ làm đồng, sinh hoạt văn nghệ… thì đến thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, cây là địa điểm để thực hành phong trào "diệt giặc dốt".

Còn trong kháng chiến chống Mỹ, cây rõi là đài quan sát, cảnh giới để quân ta chuẩn bị chiến đấu hoặc chống càn rất hiệu quả.

Đây từng là nơi cảnh giới của quân ta trong kháng chiến chống Mỹ

hoàng sơn

Theo quan sát của PV Thanh Niên, cây rõi có chiều cao khoảng 25 m. Cây thẳng tắp từ thân đến ngọn. Nhiều nhánh cây vươn ra các hướng, trong đó nhánh lớn nhất vươn về hướng tây. Theo ông Ta, cây rõi tồn tại suốt 500 năm qua nên thân và nhánh cây đều rất chắc.

"Cây đã thấp đi nhiều so với trong chiến tranh do bị gãy phần ngọn. Ngày trước, cây cao chừng 30 m trở thành nơi lý tưởng để du kích địa phương trèo lên quan sát quân địch hành quân. Khi thấy địch động binh, du kích sẽ nổ 2 phát súng để báo hiệu, rồi tụt xuống bằng thang dây. Sau đó, họ nhanh chóng lặn vào một con lạch rồi từ đó xuống địa đạo ẩn nấp", ông Ta nói thêm.

Nhờ những khối u, sần trên thân cây mà du kích có thể bám vào để leo lên ngọn cây để quan sát động thái của địch

hoàng sơn

Nếu phía ta sử dụng ngọn cây để làm đài quan sát thì quân địch lại dùng cây rõi như một điểm tọa độ để đánh bom, nã pháo từ các hướng vào làng Thạch Tân. Bởi chiều cao của cây rõi mà ở từ xa, quân địch có thể quan sát thấy để dùng hỏa lực hạng nặng đánh vào làng. Mặc dù trong làng không còn nỗi một cây nguyên vẹn thì riêng cây rõi vẫn đứng đó. "Giai thoại" cây rõi biết "né" bom đạn cũng được lưu truyền từ đó trong dân gian.

Cụ Lê Khắc Phiến (82 tuổi, người từng trèo lên ngọn cây rõi để quan sát), cho biết thêm, ở phía ta đã sử dụng ngọn cây rõi làm đài cảnh giới rất hiệu quả. Từ thông tin đài quan sát, công binh sẽ đặt mìn kìm chân địch hoặc du kích mai phục đánh bộ từ hướng địch đến…

Nhiều năm qua, cây rõi trở thành điểm tham quan của nhiều người dân và du khách khi đến địa đạo Kỳ Anh

hoàng sơn

Chiến tranh đã lùi xa, giờ đây khi đến dưới gốc rõi 500 tuổi, du khách sẽ được nghe người dân địa phương kể về những chiến công hào hùng của quân ta, trong đó có phần góp sức của gốc cây. Gốc rõi cũng trở thành "địa chỉ đỏ" để giáo dục thế hệ trẻ, nhất là sự sáng tạo trong chiến đấu của cha ông ta.

Thanh Niên xin giới thiệu đến quý độc giả những hình ảnh về cây rõi 500 tuổi độc đáo này.

Cành lớn nhất của cây rõi đổ về hướng tây

hoàng sơn

Gốc cây rõi phải 4 người ôm mới xuể

hoàng sơn

Đế quốc Mỹ không nhằm cây rõi để triệt hạ nên bom đạn chiến tranh không đụng trực tiếp vào thân cây. Tuy nhiên, nằm ở "tọa độ lửa" với những trận càn quét, nã pháo ác liệt, thân cây rõi chi chít vết thương

hoàng sơn

Cụ Lê Khắc Phiến - một cựu binh từng trèo lên ngọn cây rõi để canh gác nhớ như in từng vết thương trên thân cây rõi. Theo thời gian, thân cây dần liền sẹo nhưng dấu tích của một thời bom đạn vẫn tạc vào trí nhớ của cụ ông

hoàng sơn

Gốc cây rõi già cỗi như hóa thạch khiến nhiều người mê mẩn vì lạ mắt

hoàng sơn

Những u, lồi trên thân cây càng tăng vẻ uy nghiêm cho cây rõi

hoàng sơn

Về cách thức buộc và thu dây khi từ ngọn rõi xuống, các chiến sĩ cách mạng cũng phải được học bài bản để tránh bị lộ. Điểm đặc biệt ở chỗ, khi dùng dây để tụt xuống, người cảnh giới có thể tháo và thu dây một cách gọn gàng

hoàng sơn

Dấu thời gian như khắc tạc lên thân cây rõi để rồi những cựu binh đi qua cuộc chiến khốc liệt khi đứng dưới gốc cây khắc khoải nhớ về một thời đau thương mà oanh liệt

hoàng sơn

Mầm xanh nhú lên mang đến những niềm vui cho người dân địa phương về sự sinh tồn mạnh mẽ của cây rõi, như biểu thị sự kế tục, trường tồn của dân tộc

hoàng sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.