Hình thành liên minh 4 bên Mỹ - Nhật - Úc - Philippines?

06/06/2023 07:00 GMT+7

Sau nhiều hợp tác song phương lẫn đa phương, Mỹ cùng Nhật Bản, Úc và Philippines dường như đang tiến đến hình thành một liên minh 4 bên nhằm đối phó các nguy cơ, bao gồm tại Biển Đông.

Vừa qua, ngay bên lề Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cùng Phó thủ tướng - Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hamada Yasukazu và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez đã có cuộc hội đàm. Theo tờ Nikkei Asia, tại cuộc hội đàm, 4 bộ trưởng nhất trí tăng cường hợp tác an ninh để thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Hình thành liên minh 4 bên Mỹ - Nhật - Úc - Philippines? - Ảnh 1.

Tàu tuần duyên của Mỹ và Nhật tại cảng ở Manila để tham gia tập trận tuần duyên lần đầu tiên giữa 3 nước

Tuần duyên Philippines

Là lần đầu tiên 4 nước trên có cuộc hội đàm cấp bộ trưởng quốc phòng 4 bên, sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Mỹ - Nhật Bản - Úc - Philippines gần đây tăng cường hợp tác quân sự cả đa phương và song phương lẫn nhau. Từ ngày 1 - 7.6, Mỹ cùng với Nhật Bản và Philippines lần đầu tổ chức tập trận tuần duyên chung ở Biển Đông. Úc tham gia cuộc tập trận dưới vai trò quan sát viên. Hồi đầu tháng 2, Mỹ và Philippines còn tiết lộ đang xem xét điều lực lượng tuần duyên để tuần tra chung ở Biển Đông - một động thái được xem là đáp trả chiến lược vùng xám của Trung Quốc ở vùng biển này. Cũng trong tháng 2, trả lời tờ Nikkei Asia khi công du Nhật Bản, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. khẳng định "bảo vệ lãnh hải" của Philippines ở Biển Đông là trọng tâm trong nỗ lực tăng cường các thỏa thuận an ninh với Mỹ và Nhật Bản. Nói về các thỏa thuận quân sự với Mỹ và Nhật, ông tuyên bố: "Chúng tôi không muốn khiêu khích, nhưng... chúng tôi cảm thấy rằng các hợp tác sẽ giúp đảm bảo tuyến hàng hải an toàn ở Biển Đông. Và hơn nữa, chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để bảo vệ chủ quyền trên biển của chúng tôi".

Các động thái trên đặt ra câu hỏi liệu Mỹ - Nhật Bản - Úc - Philippines đang hình thành một liên minh dưới hình thức như "Bộ tứ" (Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ)? Để làm rõ vấn đề này, các chuyên gia quốc tế đã đưa ra một số nhận định khi trả lời Thanh Niên ngày 5.6.

Hình thành liên minh 4 bên Mỹ - Nhật - Úc - Philippines? - Ảnh 2.

Có thể hình thành nhanh hơn "Bộ tứ"

Có khả năng cao cuộc họp cấp Bộ trưởng quốc phòng 4 nước lần đầu sẽ mở đường hình thành nên "Bộ tứ" (vốn bao gồm Mỹ - Nhật - Úc - Ấn Độ) phiên bản Đông Á, vì quá trình hình thành khá giống "Bộ tứ" ban đầu, cũng bắt đầu từ một cuộc họp không chính thức và dần dần được thể chế hóa.

Không những vậy, quá trình thể chế hóa của liên minh mới có thể nhanh hơn so với quá trình hình thành "Bộ tứ" vì những lý do sau: Nhật Bản, Úc và Philippines đều là đồng minh của Mỹ; Philippines hiện cân bằng hơn và sẵn sàng tăng cường quan hệ với Mỹ; Nhật Bản, Úc và Mỹ có khả năng và sẵn sàng cung cấp các hỗ trợ để Philippines nâng cao khả năng thực thi pháp luật hàng hải, hỗ trợ nhân đạo/cứu trợ thiên tai…

Vì thế, nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, khuôn khổ 4 bên Mỹ - Nhật - Úc - Philippines có thể sẽ phát triển nhanh hơn nhiều so với "Bộ tứ".

PGS Kei Koga (Chương trình các vấn đề toàn cầu và chính sách công - Trường Khoa học xã hội - Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore)

Hình thành liên minh 4 bên Mỹ - Nhật - Úc - Philippines? - Ảnh 4.

Chia sẻ chung nguyện vọng

Cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng 4 bên Mỹ, Nhật Bản, Úc, Philippines lần đầu khẳng định tầm quan trọng về địa lý của Manila cũng như mạng lưới ngoại giao và quốc phòng đang mở rộng của Manila ở khu vực. Cả 4 nước đều có nguyện vọng về một chuẩn mực hàng hải dựa trên luật lệ ở Biển Đông và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ở góc độ nào đó, có thể kỳ vọng một "Bộ tứ" thứ hai, và dù không thể so sánh với Ấn Độ, nhưng Philippines có chỗ đứng riêng trong các liên kết ngoại giao và hiện đại hóa quân sự ngày càng rộng lớn hơn. Washington, Tokyo và Canberra đều đang hỗ trợ Manila về bảo vệ lãnh hải, hiện đại hóa quân sự để chuyển hướng sang phòng thủ bên ngoài. Có nhiều tiềm năng để hình thành một liên minh 4 bên như vậy vì 4 quốc gia đều thống nhất các chính sách đối ngoại và an ninh chung. Trong đó, Philippines đại diện cho Đông Nam Á, và sẽ có vị thế bình đẳng trong các chương trình nghị sự an ninh khác nhau trong khu vực.

TS Chester B.Cabalza (Chủ tịch Tổ chức nghiên cứu phát triển quốc tế và hợp tác an ninh, Philippines)

Hình thành liên minh 4 bên Mỹ - Nhật - Úc - Philippines? - Ảnh 6.

Nỗ lực của chính phủ Tổng thống Marcos Jr.

Bốn quốc gia này đã hợp tác song phương với nhau trong một thời gian. Gần đây, chính quyền của Tổng thống Marcos Jr. nỗ lực tăng cường quan hệ an ninh và đầu tư với Nhật Bản, Mỹ và Úc. Đó chính là yếu tố quan trọng để khiến cho khả năng liên minh 4 bên trở nên khả thi. Và tất nhiên tác động không nhỏ là do chính hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như trong khu vực.

So với "Bộ tứ" thì liên minh này nếu hình thành sẽ khác cả về địa lý lẫn mô hình. "Bộ tứ" không phải chỉ bao gồm các đồng minh theo hiệp ước như giữa 4 nước Mỹ, Úc, Nhật Bản và Philippines. Và tầm hoạt động của liên minh 4 nước nếu có sẽ chủ yếu xoay quanh vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Tất nhiên, ngoài các khác biệt trên, cả "Bộ tứ" lẫn liên minh 4 nước trên nếu có thì đều được thúc đẩy từ mối quan tâm chung.

GS John Blaxland (Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược, Đại học Quốc gia Úc)

Hình thành liên minh 4 bên Mỹ - Nhật - Úc - Philippines? - Ảnh 8.

Củng cố khả năng răn đe

Hiện đã có một liên minh giữa Mỹ và Philippines, nhưng tôi nghĩ Nhật Bản sẽ khó tham gia một liên minh chính thức khác bởi vì người dân Nhật Bản khó đồng ý. Tuy nhiên, thực tế là Mỹ - Nhật Bản - Philippines đang mở rộng hợp tác và hợp tác quân sự nhằm củng cố khả năng răn đe trước hành vi hung hăng của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông. Hợp tác 3 bên này gửi đi thông điệp Bắc Kinh phải đối mặt với sự kháng cự ngày càng tăng.

Các cuộc tập trận quân sự trên biển với sự tham gia của Mỹ - Nhật - Úc - Philippines có thể sẽ sớm diễn ra. Việc Lực lượng phòng vệ trên không và Lực lượng phòng vệ trên bộ Nhật Bản tham gia tập trận ở Philippines sẽ phức tạp hơn về mặt chính trị, nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục gây căng thẳng thì có thể Tokyo sẽ điều động Lực lượng phòng vệ trên không tập trận với lực lượng không quân của Mỹ, Philippines và Úc ở Philippines trong thời gian tới. Và Tokyo cũng có thể điều động Lực lượng phòng vệ trên bộ tham gia tập trận quy mô nhỏ nếu dư luận Nhật Bản đồng thuận.

Bắc Kinh không thể đổ lỗi cho những diễn biến trên. Cả Philippines và Úc ngày càng lo ngại Trung Quốc. Một nguyên tắc chung là các quốc gia thường có xu hướng phối hợp với nhau để chống lại mối đe dọa chung.

Cựu đại tá hải quân Mỹ Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii Thái Bình Dương)

Hình thành liên minh 4 bên Mỹ - Nhật - Úc - Philippines? - Ảnh 10.

Philippines muốn có thêm "đòn bẩy"

Việc Philippines tham gia hợp tác quốc phòng 3 bên Mỹ - Nhật - Úc dưới thời Tổng thống Marcos Jr. phản ánh những lo ngại ngày càng tăng của Manila về hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ông Marcos Jr. đã thay đổi cách tiếp cận so với người tiền nhiệm, không còn nhân nhượng với Bắc Kinh mà chuyển sang thân cận với Washington. Theo quan điểm của Mỹ và Nhật Bản, việc tiếp cận các căn cứ ở Philippines nhằm thúc đẩy các hoạt động ở xa còn nhằm đề phòng rủi ro nổ ra xung đột trong khu vực, đặc biệt ở eo biển Đài Loan.

Manila nhiều khả năng sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự từ Washington, Tokyo và Canberra để nâng cấp khả năng quân sự của Philippines, muốn hướng tới ngăn chặn Bắc Kinh trong các tranh chấp chủ quyền, nhưng không muốn kích động Bắc Kinh. Điển hình, chính quyền của Tổng thống Marcos Jr. đã khẳng định quyền tiếp cận mới của Mỹ đối với các căn cứ của Philippines không thể được sử dụng cho mục đích tấn công, điển hình như nếu xung đột ở eo biển Đài Loan nổ ra. Sử dụng các mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn như một đòn bẩy, Tổng thống Marcos Jr. đang cố gắng đàm phán một thỏa thuận thăm dò chung với Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ở Biển Đông với điều khoản thuận lợi hơn cho Philippines.

GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản; Học giả cao cấp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.