‘Hiu hiu gió bấc’ giữa Sài Gòn

04/12/2016 06:54 GMT+7

Soạn giả Hoàng Song Việt quả không hổ danh là cây bút cừ khôi của cải lương. Anh chuyển thể nhiều tác phẩm văn học hoặc kịch nói sang cải lương cứ là ngọt lịm.

Hiu hiu gió bấc cũng vậy. Ngôn từ dịu dàng, đẹp đẽ, cấu trúc chặt chẽ, nhân vật rõ nét, cảm thương. Một vở diễn đúng cái tình, cái nghĩa của người miền Nam, đúng cái chất tự sự nhẹ nhàng sâu lắng của cải lương. Hiu hiu gió bấc rơi đúng vào mùa gió bấc của Sài Gòn, khiến người ta chợt thấy bồi hồi, muốn ôm ấp những tình yêu chân chất trong thời buổi xô bồ…
Tình yêu của anh Hết nhà nghèo với cô Hoài đành phải rứt ruột chia xa chỉ vì một chữ “nghĩa”. Rồi đến lượt tình yêu của cô Hảo với anh Hết cũng thăm thẳm đợi chờ, mà không chừng nó chảy xuôi mất biệt như con nước lớn ròng, vô vọng. Và nỗi đau của dì Lan mất chồng mất con mà hóa điên hóa dại. Nhìn đâu cũng thấy thân phận bọt bèo của người dân miền Tây ngày xưa với cái nghèo đeo đẳng không thôi. Nhưng thủy chung là có thật. Lay động lòng người cũng chỉ vì hai chữ thủy chung.
Thực sự đây là vở diễn cho 6 nghệ sĩ thi thố tài năng: Lê Tứ, Tú Sương, Lê Hồng Thắm, Mỹ Hằng, Quỳnh Hương, Lam Tuyền. Họ vừa được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 2016, đều đoạt giải Trần Hữu Trang từ rất lâu, là đào kép giỏi của Nhà hát Trần Hữu Trang và được khán giả rất ái mộ. Những cái tên không hề xa lạ, nhưng có lẽ đây là lần đầu họ đứng chung với nhau trong cùng một vở, mỗi người đều có khả năng tung hứng cho bạn diễn, thật nhịp nhàng ăn ý. Người xem thích nét diễn và giọng ca của các nghệ sĩ trẻ này, không ồn ào, lấn lướt, phô trương, mà chuẩn mực, tinh tế, xứng đáng với danh hiệu vừa mang.
Vở cải lương Hiu hiu gió bấc, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, sẽ được diễn tại rạp Hưng Đạo (TP.HCM) vào dịp Tết dương lịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.