Nguyễn Anh Tú phát hiện ra mình bị ung thư đại trực tràng khi căn bệnh đang đến giai đoạn 2, đó là đầu tháng 6.2016. Có triệu chứng lạ, không yên tâm với kết quả khám bệnh tại Hải Phòng, anh đến Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội xét nghiệm thì hay tin dữ: Ung thư.
Chúng tôi đến thăm Tú khi anh vừa nhập viện Ung bướu K3, Hà Đông, Hà Nội. Sau khi phẫu thuật tại Việt Đức, Tú được chuyển sang bệnh viện này, chuẩn bị cho giai đoạn truyền hóa chất.
Người đàn ông rắn rỏi, gắn bó với bắn súng đến nay đã tròn 20 năm vẫn còn nguyên sự xúc động khi kể lại ngày nhận hung tin: “Tôi cầm kết quả trên tay, bước ra xe khách mà đầu óc hoàn toàn trống rỗng. Tôi cứ khóc rưng rức như một đứa trẻ, mặc kệ những người xung quanh nhìn tôi khó hiểu. Tôi đã nói mình phải thật mạnh mẽ trước người thân, nhưng vào đến nhà, nhìn bố mẹ già, nhìn vợ và các con thơ, tôi cứ thế nức nở”.
tin liên quan
Ước mơ giản dị của hoa khôi đá cầu Việt Nam trước căn bệnh ung thư giai đoạn cuối(TNO) Ở tuổi 30, Nguyễn Huyền Trang, nhà vô địch đá cầu thế giới của Việt Nam đang đối mặt với bệnh ung thư vú giai đoạn cuối và không có đủ khả năng chi trả viện phí.
Nguyễn Anh Tú là chỗ dựa duy nhất trong một gia đình có 3 chị em tại Hải Phòng. Bố anh 63 tuổi, không có lương hưu, mẹ anh 65 tuổi, bệnh tật, tiền lương chưa đầy 2 triệu đồng mỗi tháng. Vợ chồng chị gái đều làm công nhân. Anh trai Tú sinh năm 1974, bị câm điếc từ năm lên 3, cũng kết hôn cùng một người cùng hoàn cảnh.
|
Căn nhà chưa đầy 30 mét vuông với một tầng trệt và một gác xép trên phố Đà Nẵng, Hải Phòng là nơi sinh sống của bố mẹ và vợ chồng Tú. Ngày ngày, mẹ Tú bán ít rau dưa cà muối qua ngày, bố anh thi thoảng chạy cuốc xe ôm. Vợ Tú, chị Thùy Dung 28 tuổi làm việc tự do, đang nghỉ ở nhà chăm cậu con trai thứ 2 mới sinh chưa tròn 10 tháng tuổi. Cậu cả của anh, cậu bé Tít sang năm sẽ vào lớp 1.
“Nhiều lúc tôi không hiểu vì sao số phận lại đưa tôi vào hoàn cảnh này. Cả nhà chỉ trông chờ vào tôi. Tôi nhớ Tôm, con trai út, ngày nó mới hơn 8 tháng, tôi vừa mổ xong, người gầy rộc, nó vẫn nhận ra bố và nằng nặc đòi tôi bồng bằng được. Tôi nhớ Tít, mỗi lần con nghe thấy tiếng tôi trong điện thoại lại hỏi bố ơi, bao giờ bố về với con”, HLV Nguyễn Anh Tú chầm chậm kể.
|
Trong căn phòng trắng xóa ở Bệnh viện K3, anh ngồi một góc chiếc giường. Chúng tôi không nhận ra người đàn ông cao lớn trên 70 kg điển trai nhất nhì đội bắn súng Hải Phòng. Sau phẫu thuật, Tú sụt mất 18 kg, mắt trũng sâu, da đen sạm.
Những ngày gần đây, nhiều hơn những lời thăm hỏi, động viên đến với Tú, anh nhận ra rằng mình phải khỏe nên tăng cân thêm chút ít. “Tôi muốn khỏe, để quay trở lại công việc mình yêu thích, để có thể đưa vợ đi mua một món đồ, đưa các con ăn một cây kem”, mắt Tú loang loáng nước.
“Có những đêm khi cả nhà đã ngủ, hai vợ chồng tôi ôm nhau khóc. Vợ tôi nói, tôi phải mạnh mẽ vì nếu tôi làm sao, cô ấy và các con không chịu nổi. Tôi biết rằng mình phải sống”, Nguyễn Anh Tú nói.
“Hôm nay các VĐV tập luyện ra sao?”
Tháng 6, theo kế hoạch Nguyễn Anh Tú sẽ là trưởng đoàn đưa các VĐV Hải Phòng dự giải bắn súng thanh thiếu niên toàn quốc diễn ra tại Đăk Lăk, vé máy bay đã đặt xong xuôi, tuy nhiên, Tú nhận tin dữ bất ngờ, những dự định đành dang dở.
|
Ngày Tú lên bàn mổ, các học trò gửi những tin nhắn chúc anh bình an lên trang cá nhân facebook. Các đồng nghiệp ở nhà, nín thở chờ kết quả. Phẫu thuật xong xuôi, vết thương chưa lành, Tú đã hỏi thăm ở nhà xem các VĐV tập luyện ra sao. Chuyển giao công việc cho một học trò cứng cáp nhất trong đội, Tú vẫn nôn nóng ngày quay lại trường bắn.
“Theo kế hoạch của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hải Phòng, tôi vừa kiêm HLV, kiêm VĐV thi đấu hết năm 2018 cơ. Tôi nằm đây, thấy như nằm trên đống lửa khi việc nhà, việc cơ quan còn bề bộn”, HLV còn rất trẻ của Hải Phòng bộc bạch.
Gia cảnh của HLV bắn súng kiêm thợ lắp đặt điều hòa
Vợ nghỉ đẻ không có thu nhập, cha mẹ già yếu, đồng lương hơn 6 triệu đồng mỗi tháng của Tú không đủ để trang trải cho cả nhà 6 người, trong đó có 2 con nhỏ, HLV Nguyễn Anh Tú kiêm thêm công việc lắp đặt, sửa chữa điều hòa cùng anh trai vào các buổi chiều muộn và các ngày cuối tuần.
Những ngày Tú nằm trị bệnh, anh trai Tú cũng phải nghỉ việc theo vì câm điếc, giao tiếp với khách hàng là điều không thể, khó khăn chồng chất khó khăn. Tú có bảo hiểm y tế, tuy nhiên để lo các khoản thuốc men và chi phí phẫu thuật, đến nay gia đình anh đã phải tiêu tốn gần 70 triệu đồng, số tiền khổng lồ với gia đình anh.
|
Những tấm lòng với HLV trẻ mắc bệnh hiểm nghèo
Nguyễn Anh Tú sinh năm 1980 tại thành phố Hải Phòng, theo học bắn súng từ năm 16 tuổi. Anh có 7 năm trong đội tuyển bắn súng quốc gia, tập luyện và thi đấu tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao quốc gia Nhổn, sau đó trở về địa phương thi đấu, anh được biên chế tại Trung tâm đào tạo thể dục thể thao Hải Phòng, phụ trách huấn luyện bộ môn súng trường di động.
Ngay từ khi biết câu chuyện của Tú, Liên đoàn bắn súng Việt Nam, Đội tuyển bắn súng quốc gia, bộ môn bắn súng Hải Phòng, VĐV bắn súng các địa phương, Trung tâm đào tạo thể dục thể thao Hải Phòng đã quyên góp được khoảng 50 triệu đồng giúp Tú.
Ngày Tú phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức, mỗi buổi tối đều có các VĐV bắn súng tại Hà Nội, Hải Phòng thay phiên nhau đến săn sóc anh. “Tôi còn nợ tấm lòng của nhiều anh em, bạn bè, tôi sớm ra viện thôi...”, HLV trẻ miệng cười mà mắt rưng rưng quá.
|
Bình luận (0)