DẤU ẤN RẤT RIÊNG
HLV Miura không thuộc nhóm giàu thành tích trong các chiến lược gia ngoại từng làm việc tại VN. Trong 2 năm ông thầy người Nhật ngồi ghế huấn luyện, dấu mốc đáng kể nhất là tấm HCĐ SEA Games 29 (năm 2015) cùng U.23 VN, chấm dứt 6 năm bóng đá VN trắng huy chương tại sân chơi này. Tại AFF Cup 2014, đội tuyển VN của HLV Miura lọt vào bán kết. Dù thắng Malaysia 2-1 ở lượt đi, nhưng thất bại choáng váng 2-4 trong trận lượt về khiến đội tuyển lỡ hẹn với chung kết. Ở sân chơi U.23 châu Á 2016, U.23 VN lần đầu giành vé đến vòng chung kết, nhưng sau đó bị loại ở vòng bảng với 3 trận toàn thua. Còn ở vòng loại thứ 2 World Cup 2018, đội tuyển VN thắng 1, hòa 1, thua 2 sau 4 trận nắm quyền.
So với những HLV kỳ cựu như Park Hang-seo, Henrique Calisto hay Alfred Riedl, thành tích ông Miura hiển nhiên không bằng. Những yếu tố dạng thông số như tỷ lệ thắng, số bàn thắng, hay dạng trừu tượng như lối chơi đẹp mắt, nhà cầm quân Nhật Bản cũng chẳng nổi bật. Tuy nhiên trên dòng chảy bóng đá VN, HLV Miura vẫn có những dấu ấn rất riêng.
Cần nhìn nhận bối cảnh HLV Miura bén duyên với bóng đá VN, vào tháng 5.2014. Đó là thời điểm đội tuyển VN và lứa U.23 thi đấu bết bát ở mọi đấu trường, từ AFF Cup 2012, vòng loại World Cup 2014 đến SEA Games 28 (năm 2013) đều thất bại toàn diện. Ông Miura đã đến giữa lúc bóng đá VN ở tâm bão. Trước tiên, phải đánh giá đó là quyết định dũng cảm khi cựu HLV đội Mito Hollyhock ngồi vào chiếc ghế nóng, hiếm ai dám ngồi. Sự quyết đoán và kiên định của ông Miura được thể hiện rất nhanh sau đó, khi ông siết lại kỷ cương, vốn bị buông lỏng ở các đội tuyển, rồi gò cầu thủ vào khuôn khổ thể lực khốc liệt.
XÂY DỰNG LỐI CHƠI KHÔNG 'THÊU HOA DỆT GẤM'
"Chúng ta hay nói về kỹ thuật, nhưng bao nhiêu người hiểu đúng về khái niệm kỹ thuật? Đó không chỉ là chuyện đảo chân, rê dắt qua người. Kỹ thuật bóng đá bắt đầu từ những thứ hết sức cơ bản, như chạm một, chuyền bóng và sút bóng. Tôi nói chuyện kỹ thuật vì thực ra, kỹ thuật hay chiến thuật bóng đá đều bắt nguồn từ nền tảng thể lực. Bạn phải đủ khỏe thì mới có thể tỉnh táo tới những giây cuối cùng", HLV Miura từng trả lời báo chí khi được hỏi về quan điểm cầm quân của mình.
Điểm đáng nói nhất về ông Miura, là triết lý xây dựng nền tảng thể lực cho cầu thủ. Chuyện các tuyển thủ VN phải "bò ra tập", hay thở không ra hơi sau mỗi bài huấn luyện rất nặng của HLV người Nhật diễn ra như cơm bữa. HLV Miura khẳng định, cầu thủ phải tập thật khỏe để tranh chấp tốt, chạy tốt trong 90 phút, mới có thể nghĩ đến việc vận hành bất cứ guồng máy chiến thuật nào.
Những bài tập chạy, di chuyển không bóng, tập thể lực cực nặng trong phòng gym của ông Miura lập tức phát huy tác dụng, khi Olympic VN đè bẹp Olympic Iran với tỷ số 4-1 ở trận ra quân ASIAD 17 (năm 2014). Dù ở giải này, Olympic VN dừng bước ở vòng 16 đội, nhưng 90 phút "chấn động" trước đội Iran đã mang lại niềm tin vào sự khởi sắc. Giữa một miền đất khô cằn niềm tin, HLV Miura đem đến cơn mưa mát lạnh. Lối chơi không "thêu hoa dệt gấm", thiên về cơ bắp mà ông áp dụng đã thách thức những thiên kiến cho rằng cầu thủ VN chỉ có thể đá ngắn, đá kỹ thuật trước đây.
Để cách tân đội tuyển, đồng nghĩa HLV Miura phải đập bỏ những "rào cản" đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người làm bóng đá. Đó là suy nghĩ đội tuyển VN (hay U.23 VN) phải chơi kỹ thuật thì mới phù hợp với cơ địa, thể chất, không thể cứ đá hùng hục cậy sức. HLV Miura trọng dụng những "đấu sĩ", gồm các cầu thủ mạnh về tranh chấp và có thể chất tốt, trong khi những cầu thủ giàu kỹ thuật (nhưng tranh chấp yếu) ít được sử dụng hơn. Ông chấp nhận đương đầu với số đông để bảo vệ quan điểm, song đáng tiếc, đó mãi là cuộc cách mạng dang dở.
MỐI LƯƠNG DUYÊN ĐỨT GÁNH GIỮA ĐƯỜNG
Ở giai đoạn đầu, thành tích khả quan của các cấp độ đội tuyển, trong đó có đội tuyển VN chơi khá tốt tại AFF Cup, U.23 VN giành HCĐ SEA Games và lấy vé dự vòng chung kết U.23 châu Á giúp ông Miura được ủng hộ cả về triết lý lẫn cách lựa chọn nhân sự. Dù vậy cũng rất nhanh, bóng đá là cuộc chơi được định hình bởi kết quả. Đội tuyển VN tụt dốc ở vòng loại World Cup 2018 với 2 thất bại toàn diện trước Thái Lan khiến triết lý của HLV Miura bị nghi ngờ. Sau đó, U.23 VN bị loại khỏi giải châu Á 2016 với 3 trận thua ở vòng bảng. Sau đó không lâu, chiến lược gia người Nhật Bản bị sa thải.
HLV Miura kiên định và dũng cảm, hay chỉ thuần túy là… bảo thủ, chẳng dễ để kết luận. Dù vậy nhìn trên cả khía cạnh thành tích lẫn tư duy, có thể tin ông đã thành công. Ông giúp bóng đá VN đi những bước tiến dẫu nhỏ, nhưng là cần thiết sau rất nhiều năm đi lùi; đồng thời, ông giúp những người làm bóng đá nhận ra tầm quan trọng của rèn thể lực.
Trong mắt những người ở lại, ông Miura vẫn được yêu quý bởi sự bình dân và gần gũi. Trên sân, HLV Miura dứt khoát và cương nghị. Về chiến thuật, ông Miura có thể gây tranh cãi. Nhưng về tinh thần làm việc tận tâm, chuyên nghiệp cùng kỷ luật "sắt đá" đã gắn kết tập thể hỗn loạn thành một khối thống nhất, khó ai có thể chê HLV người Nhật Bản.
Cuộc hành trình của HLV Miura chẳng đi đến cái đích cuối cùng, nhưng hãy trân trọng và đánh giá thật công tâm những tâm huyết của ông trong những năm tháng đầy biến động của bóng đá VN. (còn tiếp)
Bình luận (0)