HLV Philippe Troussier cùng U.23 Việt Nam đang nỗ lực tập luyện để hướng tới SEA Games 32. Dù U.23 Việt Nam đã vô địch SEA Games 30 và 31 cùng với thành tích bất bại, nhưng đặc thù của bóng đá trẻ nằm ở chỗ, mỗi lứa cầu thủ lại có một đặc trưng, cá tính, phong cách thi đấu cũng như mặt bằng chất lượng riêng. Tại SEA Games 32, khó khăn với thầy trò ông Troussier còn lớn hơn do không được sử dụng cầu thủ quá tuổi.
Ở 2 kỳ SEA Games trước, HLV Park Hang-seo đều được gọi lần lượt từ 2 đến 3 cầu thủ quá tuổi. Đó đều là bổ sung cho hàng tấn công, cho thấy lớp trẻ của thầy Park trước đây đều được xây dựng theo hướng củng cố hàng thủ vững chắc, rồi để những cầu thủ giàu kinh nghiệm hơn giải quyết khâu ghi bàn.
Minh chứng là tại SEA Games 30, 2 cầu thủ quá tuổi được HLV Park Hang-seo gọi lên đội U.22 là Hùng Dũng (tiền vệ trung tâm) và Trọng Hoàng (tiền vệ cánh) để tăng cường hàng công, dù ông Park thời điểm ấy đã có bộ đôi Đức Chinh và Tiến Linh có kinh nghiệm khoác áo đội tuyển Việt Nam.
U.23 Việt Nam thắng trận đầu tiên dưới thời HLV Troussier
3 năm sau, U.23 Việt Nam vô địch SEA Games với Hùng Dũng, Hoàng Đức và Tiến Linh là những suất cầu thủ quá tuổi. Dấu ấn của các đàn anh rất rõ rệt, khi khâu tổ chức tấn công và ghi bàn được "khoán" cho những cái tên này.
Câu hỏi đặt ra là HLV Troussier sẽ giải quyết khâu ghi bàn ra sau với một hàng tiền đạo thuần trẻ trung, không có tuyển thủ quốc gia nào như đội U.23 Việt Nam ở 2 kỳ SEA Games trước? Ông thầy người Pháp nhận định: "Điểm yếu của U.23 nằm ở trên hàng công, bởi chúng ta đang không có các cầu thủ xử lý cá nhân, hoạt động tấn công tốt".
Nếu không tính 3 cầu thủ U.20 mới hội quân cùng đội, trong tay ông Troussier chỉ có vỏn vẹn 2 tiền đạo là Đình Duy và Văn Tùng. Đình Duy chơi nổi bật mùa trước với 4 bàn trong màu áo CLB Đà Nẵng và được HLV Park Hang-seo gọi lên tuyển hồi tháng 9.2022, nhưng so với Tiến Linh hay Đức Chinh năm nào mà ông Park có ở SEA Games, tiền đạo sinh năm 2002 khó sánh bằng ở kinh nghiệm và đẳng cấp. Văn Tùng cũng dự SEA Games 31 và vòng chung kết U.23 châu Á 2022, nhưng mới đá 9 trận ở V-League (chưa ghi bàn).
Tính cả nhóm cầu thủ tấn công đôn lên từ đội U.20 như Văn Khang, Văn Trường và Quốc Việt, hay những nhân tố nổi bật ở hàng tiền vệ như Mạnh Quỳnh, Văn Hữu (ghi bàn ở trận giao hữu gặp đội Phú Thọ) hàng công U.23 Việt Nam vẫn có khoảng trống lớn về kinh nghiệm và sẽ phải tự lực cánh sinh, không còn đàn anh nào ở đội tuyển quốc gia xuống trợ giúp.
Có lẽ, đó là lý do nhà cầm quân có biệt danh "Phù thủy trắng" muốn xây dựng hệ thống chơi bóng chặt chẽ, kỷ luật trước để tận dụng sức mạnh tập thể, khỏa lấp đi thiếu sót cá nhân. Ông Troussier từng thành công khi huấn luyện U.19, U.23 và đội tuyển Nhật Bản trở thành tập thể đồng đều, bản lĩnh, không phụ thuộc vào ngôi sao.
Chìa khóa nằm ở sự khoa học và đồng đều trong lối chơi. 2 tuần qua, U.23 Việt Nam chưa đá đối kháng hay tập luyện chuyên sâu chiến thuật, mà chỉ học chuyền, chạy chỗ, nhận bóng, mở ra không gian để tấn công vào khoảng trống của đối thủ,...
Những đường chuyền ngắn là vũ khí tối thượng ông Troussier muốn trang bị cho học trò. U.23 Việt Nam cần học cách luân chuyển bóng nhịp nhàng, kiểm soát thế trận, đứng đúng vị trí và tuân thủ chặt chẽ kỷ luật để đảm bảo cự ly đội hình.
Sức mạnh tập thể là khía cạnh HLV Troussier muốn học trò đề cao. Nếu chưa có những cá nhân sáng tạo, cứ chơi cần cù và kỷ luật, rồi chờ đợi tính đột biến nảy sinh trong quá trình tập luyện và thi đấu. U.23 Việt Nam có những thiệt thòi, nhưng thiếu sót ấy sẽ thúc đẩy thầy trò ông Troussier tự hoàn thiện bản thân và đương đầu với khó khăn tốt hơn.
Vì sao đội tuyển Việt Nam chỉ được tập luyện 4 ngày cùng HLV Troussier?
Bình luận (0)