Chỉ 3 ngày sau khi đội tuyển Nhật Bản bị Iran đánh bại 2-1 ở tứ kết (3.2), phóng viên Shuichi Tamura đã gọi điện phỏng vấn HLV Troussier. Theo tờ Bunshun, khi đó HLV của đội tuyển Việt Nam đang có kỳ nghỉ ngắn hạn tại nhà riêng ở Ma Rốc nhưng ông đã dành ra hơn 60 phút để nói về quan điểm của mình.
Ông thẳng thắn khi nói về nguyên nhân thất bại của đội tuyển Nhật Bản: “Có hai chiến lược trong các trận đấu. Một là dựa vào khả năng cá nhân của các cầu thủ, họ sẽ đóng vai trò riêng biệt ở các trận đấu. Mỗi người được giao một vị trí, nhưng mục đích là để các cầu thủ thể hiện bản thân. Chiến lược thứ hai là yêu cầu các cầu thủ phải tuân theo lối đá tập thể. Đó là một công việc có tổ chức bao gồm sự phối hợp nhuần nhuyễn cả về tấn công lẫn phòng thủ.
HLV Moriyasu (Nhật Bản) và Klinsmann (cựu HLV đội tuyển Hàn Quốc) thường dựa nhiều vào chiến lược thứ nhất. Tại Asian Cup 2023, cả HLV Moriyasu và Klinsmann đều bỏ quên chiến lược thứ 2. Điều này là do Nhật Bản và Hàn Quốc là đội được đánh giá quá mạnh ở châu Á. Họ có phần chủ quan vì sở hữu nhiều cầu thủ xuất sắc và cảm thấy khó khăn khi yêu cầu những ngôi sao này hy sinh vì tập thể. Chính vì thế, khi chiến lược thứ nhất thất bại, tức các ngôi sao không thể lên tiếng khi đội gặp bế tắc sẽ dẫn đến thất bại”.
Ông Troussier cũng bất ngờ nói về đội tuyển Việt Nam như một ví dụ: “Đối với tôi, một chiến lược dựa vào khả năng cá nhân là không đủ. Nếu một đội bóng đủ tốt, tỷ lệ giữa hai chiến lược tôi nhắc đến ở trên là 50 - 50. Tuy nhiên, ở đội tuyển Việt Nam tôi đánh giá có 80% lối đá tập thể và 20% khả năng tỏa sáng cá nhân. Nguyên nhân là do cầu thủ Việt Nam ở trình độ thấp hơn so với Nhật Bản, Hàn Quốc do thiếu năng lực, kinh nghiệm và thể lực. Vì vậy, tôi bắt buộc phải thực hiện một chiến lược tập thể và yêu cầu các cầu thủ cũng hành động vì mục tiêu chung”.
Ở trận ra quân vòng bảng Asian Cup 2023, đội tuyển Việt Nam đã mang đến nhiều bất ngờ cho Nhật Bản. HLV Troussier tiết lộ nguyên nhân: “Vấn đề khác biệt giữa 2 đội là động lực thi đấu. Nếu trong đội không có xích mích thì sẽ có động lực, có sự cạnh tranh. Những cầu thủ giỏi nhất trong đội sẽ thi đấu với 100% khả năng.
Đặc biệt, ở đội tuyển mạnh như Nhật Bản việc tạo động lực là rất cần thiết. Khi đấu Việt Nam, liệu các cầu thủ Nhật Bản có thực sự cống hiến 100% sức lực trong trận đấu? Còn đối với đội tuyển Việt Nam, màn trình diễn ở trận đấu đầu tiên đã trả lời cho câu hỏi tương tự ấy”.
Cuối phần trả lời với tờ Bunshun, HLV Troussier nhắc lại 3 tiêu chí của mình ở mỗi trận đấu: “Một lần nữa, tôi vẫn nói rằng 11 cầu thủ trên sân phải tạo nên một lối đá tập thể, thống nhất. Trong đó, có ba tiêu chí để giải quyết một trận đấu. Tiêu chí đầu tiên là mỗi cầu thủ cần hiểu rõ mình nên chơi như thế nào. Đó là khả năng đọc trận đấu và biết đội bóng đang ở trong tình huống nào. Tiêu chí thứ hai là phải dứt khoát, quyết đoán. Tiêu chí này liên quan đến các việc như: chuyền bóng ở đâu, nhìn vào vị trí nào, thực hiện quả tạt ra sao! Và tiêu chí thứ ba và cũng là tiêu chí quan trọng nhất là khả năng chơi bóng chính xác”.
Bình luận (0)