Thể thao là một nghề mang tính đặc thù của xã hội nhưng nhìn chung các huấn luyện viên, vận động viên vẫn chưa được hưởng chế độ đãi ngộ cao như công sức mà họ đã cống hiến cho đất nước. Tuy nhiên, gió bắt đầu đổi chiều khi mức lương cho những tài năng thể thao đang được điều chỉnh để không còn “lẹt đẹt” như trước.
Trong suốt thời gian dài, lương VĐV được nhiều cơ quan chủ quản ở địa phương chi trả thấp đến mức mà theo như lời kể một cựu tuyển thủ quốc gia môn điền kinh: “Có hôm lên phố, thèm ăn phở mà không dám vì tiền một bát phở tốn nguyên nửa ngày lương”. Khi lên tập trung đội tuyển, mức lương (tiền công, tiền ăn) cũng chả khá hơn gì, rất khiêm tốn, chỉ chưa đầy
4 triệu đồng/tháng. Có một câu chuyện vui là tại SEA Games 27 năm 2017, trong khu nhà ăn dành cho các đoàn, một VĐV bơi lội của Singapore đã hỏi thăm tiền lương của đồng nghiệp phía VN và khi được tiết lộ thì VĐV này đã thốt lên: “Thế các bạn sống và nuôi gia đình bằng gì?”.
Ngành thể thao đã rất nhiều lần “cầu cứu” lên các cấp lãnh đạo, bằng văn bản có, bằng gặp gỡ trao đổi có, lần nào cũng kêu xin tăng tiền. Cách đây 2 năm, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện thậm chí từng cho biết, ông sẽ xin với lãnh đạo Chính phủ được có mặt trong cuộc họp bàn đầu năm về phân bổ ngân sách cho từng ngành để đề nghị nhiều vấn đề mang tính hệ trọng với thể thao, trong đó có việc nâng lương cho HLV, VĐV.
Việc trả lương cho vận động viên đỉnh cao ở mỗi đơn vị, mỗi địa phương không có mẫu số chung, nơi thấp nơi cao mà trong số đó, nhiều tuyển thủ quốc gia đang phải nhờ cậy vào chế độ đầu tư của ngành hoặc tiền tài trợ.
Tháng 5 năm ngoái, tại cuộc làm việc về chế độ chính sách cho HLV, VĐV, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã than thở với Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng rằng, không ai nghèo như tuyển thủ quốc gia VN, tiền lương không đủ lo cho bản thân, nói gì đến việc làm giàu từ lương.
Và đúng là “con có khóc, mẹ mới cho bú”, nhà nước đã bắt đầu có sự thay đổi chế độ lương bổng và đây thực sự như một làn gió mát thổi vào đời sống vật chất của đội ngũ HLV, VĐV.
HLV Trương Minh Sang của đội tuyển thể dục dụng cụ chia sẻ: “Thu nhập từ lương và các khoản hỗ trợ khác của tôi mỗi tháng vào khoảng 23 triệu đồng. Trong đó, tiền ăn khoảng gần 10 triệu đồng; tiền công cũng khoảng 10 triệu đồng. Vì tôi là viên chức của Sở VH-TT TP.HCM nên tôi được nhận thêm 3 triệu đồng hỗ trợ từ đơn vị trong suốt thời gian tôi lên tuyển”. HLV Nguyễn Thu Hà, bà xã của HLV Trương Minh Sang đang dẫn dắt đội tuyển thể dục nghệ thuật cũng nhận khoảng gần 20 triệu đồng/tháng gồm cả tiền ăn và tiền công.
HLV Vũ Ngọc Lợi, thầy của nhà vô địch châu Á 400 m rào nữ Quách Thị Lan, cho hay: “Tôi được Nam Định xếp vào danh sách HLV cấp cao nên lương của tôi được tỉnh trả 9 triệu đồng/tháng. Tiền công trên tuyển vào khoảng 10 triệu đồng”.
Tiền công của VĐV đang khoác áo tuyển quốc gia từ mức cũ là 150.000 đồng/ngày thì nay nâng lên 270.000 đồng/ngày (VĐV trọng điểm còn cao hơn). So với mức tiền công trước đây là 3,6 triệu đồng/tháng thì nay là hơn 8 triệu đồng/tháng. Tuy chưa phải là mức cao như mong đợi nhưng dù sao các VĐV đỉnh cao VN cũng đỡ thấy tủi thân hơn. Nhưng ngành thể thao cũng nên khẩn trương làm việc với Bộ Tài chính và cơ quan bảo hiểm để làm rõ, khoản tiền bảo hiểm xã hội của VĐV sẽ bị tính vào khoản lương này hay như thế nào. Vì theo chia sẻ của nhiều VĐV đang tập huấn tại Hà Nội, nếu trừ tiền bảo hiểm vào lương thì số tiền thực nhận của họ sẽ lại thấp.
Nhiều HLV, VĐV bày tỏ quan điểm, đã đến lúc, ngành thể thao phải thực sự đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi nguồn lực từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đầu tư cho các môn ngoài bóng đá.
Bóng đá: Ngốn phần lớn quỹ lương cho ngoại binh
Đối với môn bóng đá, việc chi trả lương cho HLV, cầu thủ ở các CLB cũng nên được xem xét lại. Vẫn biết không thể cào bằng mức lương nhưng sự chênh lệch đến mức thái quá giữa các tuyến cầu thủ trong cùng một đội cũng gây ra nhiều suy nghĩ. Một số đội bóng đại gia, xếp lương cầu thủ trẻ ở mức thấp đến ngỡ ngàng: chưa đầy 2 triệu đồng/tháng.
Một cầu thủ cho hay: “Tôi mà không có chi viện từ gia đình thì chết đói từ lâu. Sống giữa một thành phố lớn mà nhận vỏn vẹn từng đó lương thì xoay xở thế nào. Mà ngoài nghề đá bóng, tôi không còn nghề gì khác cả. Vẫn được lãnh đạo đội hứa tăng lương nhưng hai năm rồi chả thấy động tĩnh gì. Quả tình, nếu so sánh số tiền lương của tôi với con số hơn 100 triệu đồng/tháng cho một ngoại binh, không thể không chạnh lòng”.
Cùng một đội bóng, cùng một ông chủ nhưng mức lương của các cầu thủ
đang thi đấu tại V-League rất khác nhau vì được chia theo từng cấp độ
hoặc tùy thuộc vào số năm cống hiến.
Lời tâm sự của cầu thủ này đã mô tả chính xác thực trạng, quỹ lương của nhiều đội, ngốn phần lớn cho ngoại binh. Lương cầu thủ ngoại ở VN phải nói là rất cao, dao động từ 4.000 - 7.000 USD/tháng, tùy vào từng vị trí.
Một đội bóng khác ở miền Bắc, đầu mùa được nhận gói tài trợ vỏn vẹn 20 tỉ đồng thì chi cho ngoại binh đã chiếm đến 2/3. Cầu thủ nội của đội này nhận lương không cao, chỉ khoảng 12 triệu đồng/tháng đối với thành phần cốt cán. Còn dự bị thì chỉ khoảng 5 triệu hoặc 6 triệu đồng/tháng. Vậy nên, các đội cần sắp xếp lại bảng lương cho hợp lý, đừng để tình trạng “nhất bên trọng nhất bên khinh” kéo dài.
Bình luận (0)