HLV Vũ Tiến Thành và những kỷ niệm khó quên với cố HLV Alfred Riedl

08/09/2020 21:59 GMT+7

Là trợ lý HLV đội tuyển quốc gia gần gũi với ông Riedl từ năm 1998, HLV trưởng đội Sài Gòn FC Vũ Tiến Thành đã bùi ngùi bộc bạch cùng báo Thanh Niên những kỷ niệm khó quên với sếp cũ vừa vĩnh biệt cõi đời của mình.

30% bàn thắng là tình huống cố định

HLV Vũ Tiến Thành kể lại tháng 6 năm 1998 khi ông vừa cùng các thành viên của báo Thanh Niên và các cầu thủ sang Pháp tham dự Cúp thế giới đoàn kết nhân sự kiện World Cup 1998 trở về thì bất ngờ nhận ngay một cuộc gọi. Đầu dây bên kia là ông Riedl. Ông nói “Anh có phải là Thành. Tôi được giới thiệu anh giỏi ngoại ngữ và từng dẫn dắt đội U.21 TP.HCM á quân giải bóng đá U.22 quốc gia cũng như từng tham gia đội tuyển Việt Nam dự SEA Games. Tôi muốn anh làm trợ lý cho tôi, nếu đồng ý ngay ngày mai anh lên Đà Lạt gặp tôi và hội quân với đội..”.
Từng làm trợ lý cho ông Colin Murphy nên HLV Vũ Tiến Thành cho biết ông rất hào hứng với lời đề nghị này nên đã quyết định tham gia. Do đội tuyển khi đó đã có HLV Phan Anh Tú làm trợ lý ngôn ngữ nên ông Riedl giao cho ông Thành làm trợ lý phụ quản lý chung cùng HLV Phạm Hùynh Tam Lang, chủ yếu là ghi chép số liệu, ghi chép các phân tích, đánh giá trận đấu. Ông Thành nói “Ông Riedl là người rất tỉ mỉ, người Áo nhưng có bộ não của một người Đức, rất khoa học và bài bản, làm việc gì ra việc đó. Thời gian làm trợ lý về chuyên môn tôi ghi chép rất nhiều và cũng học được ở ông rất nhiều kiến thức sâu sắc về phân tích đấu pháp, cách sử dụng con người. Sau này khi ông chọn tôi tăng cường làm trợ lý ngôn ngữ tôi học thêm về cách đọc trận đấu, cách truyền đạt đến cầu thủ và cách áp dụng liệu pháp tâm lý.. Chính ông Riedl là người đầu tiên nói với tôi trong bóng đá hiện đại 30% bàn thắng là đến từ tình huống cố định. Đó chính là yếu tố mà tôi luôn truyền đạt lại cầu thủ của mình và họ đã vận dụng rất tốt như trong 11 trận V-Leageue vừa qua”.

HLV Vũ Tiến Thành cùng HLV Riedl và các trợ lý Phạm Huỳnh Tam Lang, Dương Ngọc Hùng, Mai Đức Chung

Tôi không muốn là người về nhì, nhưng tôi không được ủng hộ

Ông Thành nói về một kỷ niệm khác: “ Tháng 9 năm 2003 tôi có dịp cùng ông Riedl dẫn dắt đội tuyển Olympic Việt Nam với lứa của Minh Phương, Tài Em, Tuấn Phong, Huy Hoàng..đi thi đấu vòng loại Olympic với tuyển Iraq, một đối thủ cực mạnh thời đó, sau này hạng tư Olympic tại Athens, Hy Lạp. Trận này không diễn ra tại Iraq do AFC không đồng ý tổ chức vì lý do lo ngại có chiến tranh, nên phải chuyển sang đá tại thù đô Damascus của Syria. Sau trận đấu (Việt Nam thua 1-3), ông Riedl có gặp tôi và vài anh em trong BHL nói giọng buồn bã rằng ông ấy sắp xa Việt Nam, nơi ông ấy và vợ rất yêu mến và luôn coi Việt Nam như quê hương thứ hai. Ông nói với tôi khi đó là ông buộc phải tìm công việc mới cho mình khi hợp đồng sắp hết hạn nhưng không thấy VFF nói gì và đích đến mới của ông là tuyển Palestine. Tôi còn nhớ ông nói là “VFF chỉ muốn ngôi vô địch. Tôi cũng vậy, nhưng bóng đá làm sao nói trước được. Mấy giải như Tiger Cup 1998, SEA Games Brunei năm 1999 Việt Nam chỉ về nhì. Tôi cũng đâu muốn như vậy. VFF cần phải kiên nhẫn nhưng họ không ủng hộ tôi..”. Lúc đó tôi có nói lại rằng ông có cần chúng tôi báo cáo với ông Mai Liêm Trực, Chủ tịch VFF khi đó để xem xét hợp đồng cho ông thì ông Riedl nói không cần “nếu họ muốn họ sẽ bàn bạc với tôi còn không thì đừng cầu cạnh..”. Thực tế sau đó SEA Games trên sân nhà, Việt Nam lại về nhì và ông Riedl phải gạt nước mắt ra đi.

Ông Vũ Tiến Thành làm trợ lý ngôn ngữ cho ông Riedl

“Thành ơi, có muốn sang Indonesia với tôi không”

Một kỷ niệm khác mà ông Thành chẳng bao giờ quên , đó là lần ông chuẩn bị ra tòa tại Hà Nội trong vụ môi giới, đưa nhận hối lộ liên quan đến các trọng tài được xét xử vào năm 2007. Khi đó ông Riedl đã trở lại Việt Nam lần 2 để tiếp tục dẫn dắt đội tuyển. Chính nhà cầm quân người Áo đã đến dự phiên tòa để động viên người trợ lý cũ. Ông Thành kể lại “Đêm trước ngày xét xử ông Riedl gọi cho tôi chỉ để động viên, trấn an tinh thần và khuyên nhũ một số điều. Thái độ của ông với tôi như người cha, người anh rất thương con em mình,hỏi han đủ điều nhằm để tôi bớt đi sự lo lắng. Chính sự chan hòa tình cảm và cởi mở của ông giúp tôi như vơi đi nỗi buồn và chúng tôi cùng nhau có những nụ cười rất sảng khoái. Khi đến dự phiên tòa tôi chỉ nghe ông nói Thành ơi hãy dũng cảm và cố lên, sớm trở lại với bóng đá nhé. Tôi đã nuốt nước mắt vì sự chân thành và đầy tình người của người đàn ông lịch lãm đó..”.

Ông Riedl (giữa) cùng các trợ lý Phan Anh Tú, Vũ Tiến Thành, Dương Ngọc Hùng và Phạm Huỳnh Tam, Lang

Ông Thành nói tiếp “Sau này khi mãn án, tôi quyết định đi Mỹ học thì trước ngày lên đường cũng lại chính ông Riedl gọi tôi. Tôi rất bất ngờ khi ông nhận xét ông đánh giá tôi rất có năng lực trở thành 1 nhà cầm quân tốt và mong muốn tôi tiếp tục sát cánh với ông làm HLV để ông truyền đạt thêm kinh nghiệm. Cuối cuộc gọi ông đưa ra lời đề nghị "Thành ơi có muốn sang Indonesia với tôi không? Sẽ có mức thu nhập hậu hĩnh". Thực tình đó là 1 đề nghị rất khó cưỡng lại vì lúc đó tôi thất nghiệp. Nhưng tôi cũng đã có chọn lựa cho mình là đi học để sau này có dịp quay về phục vụ lại cho đất nước, nên tôi đã nói rất nhiều với ông, cám ơn sự giúp đở và tạo điều kiện tốt, chúc ông thành công ở tuyển Indonesia..”.

Cố HLV Alfred Riedl và 13 năm sống cùng quả thận Việt Nam

Ông Thành đã nói như bật khóc khi hay tin ông Riedl qua đời: “Hơn 16 năm không còn làm việc với nhau nhưng ông vẫn dành cho tôi sự ủng hộ chí tình, sự tin tưởng và đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó phai. Ông thực sự là 1 người rất gần gũi, thân thương, hết lòng với không chỉ riêng tôi mà còn cho cả bóng đá Việt Nam. Vĩnh biệt ông một người bạn lớn, một người đã dành sự cống hiến tận tụy suốt một thời gian dài cho màu cờ sắc áo Việt Nam”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.