Chống lãng phí chống 'giặc nội xâm':

Hồ chứa 553 tỉ đồng chưa thể cấp nước tưới

17/02/2025 07:00 GMT+7

Dù đã cơ bản hoàn thành nhưng hồ Đăk Pokei vẫn chưa thể cung cấp nước tưới cho 600 ha cây trồng trong khu vực dự án, gây lãng phí cho sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Năm 2018, dự án hồ chứa nước Đăk Pokei (xã Đăk Ruồng, H.Kon Rẫy, Kon Tum) được triển khai xây dựng với tổng mức đầu tư trên 553 tỉ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư và địa phương. Dự án do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư.

Hồ chứa 553 tỉ đồng chưa thể cấp nước tưới- Ảnh 1.

Hồ Đăk Pokei chưa thể cung cấp nước tưới cho 600 ha cây trồng

ẢNH: ĐỨC NHẬT

Khi hoàn thành, hồ chứa này hứa hẹn sẽ đảm bảo cung cấp nước tưới cho 2.000 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn H.Kon Rẫy và TP.Kon Tum, tạo nguồn nước sinh hoạt cho 35.000 người dân.

NGƯỜI DÂN NGÓNG TRÔNG

Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 434 tỉ đồng, thời gian thi công từ năm 2018 - 2020. Các hạng mục được xây dựng gồm: công trình đầu mối, hệ thống kênh chính, kênh nhánh để cung cấp nước tưới cho 1.600 ha lúa nước, hoa màu, cây công nghiệp; hệ thống công trình cấp nước sinh hoạt cho 15.300 người dân. Giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư trên 118 tỉ đồng, sẽ được đầu tư sau khi cân đối nguồn vốn.

Đến năm 2020, vì dự án không hoàn thành nên HĐND tỉnh Kon Tum quyết nghị điều chỉnh tiến độ thực hiện giai đoạn 1 từ năm 2018 - 2023 sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động.

Hồ chứa 553 tỉ đồng chưa thể cấp nước tưới- Ảnh 2.

Sau khi điều chỉnh, giai đoạn 1 của dự án chỉ cung cấp nước tưới cho 600 ha cây trồng thay vì 1.600 ha, mục tiêu cấp nước sinh hoạt cho 15.300 người dân không thực hiện

ẢNH: ĐỨC NHẬT

Đến cuối năm 2024, dự án mới cơ bản hoàn thành và bắt đầu tích nước. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, hồ chứa này vẫn chưa thể cấp nước tưới cho hàng trăm héc ta cây trồng trong khu vực dự án. Trong khi đó mùa khô đang đến gần, hàng trăm héc ta lúa vẫn chỉ có thể canh tác một vụ và hàng ngàn người dân vẫn đang quắt quay trong cơn khát nước sạch.

Bà Y Phiêng (trú thôn 12, xã Đăk Ruồng, H.Kon Rẫy) cho biết người dân vẫn đang ngóng trông hồ chứa Đăk Pokei đi vào hoạt động. Tuy nhiên, sau nhiều năm xây dựng, hiện hồ vẫn chưa thể cung cấp nước tưới tiêu và nước sinh hoạt tại khu vực này.

"Nhà chúng tôi có hơn 1 sào lúa, vào mùa khô thường xuyên thiếu nước nên mỗi năm chỉ canh tác được 1 vụ. Không chỉ thiếu nước tưới tiêu, gia đình còn phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt. Nhà tôi đã phải bỏ tiền đào giếng nhưng nước lại nhiễm phèn nên chỉ có thể dùng để tắm giặt. Mong rằng thời gian tới chính quyền sớm hoàn thành dự án để bà con có nguồn nước ổn định phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu cho cây trồng", bà Y Phiêng nói.

Hồ chứa 553 tỉ đồng chưa thể cấp nước tưới- Ảnh 3.

Giai đoạn 1 của dự án hồ chứa nước Đăk Pokei có mức đầu tư 434 tỉ đồng

ẢNH: ĐỨC NHẬT

Trước đó, trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Kon Tum, đại biểu Đinh Thị Hồng Thu, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại H.Kon Rẫy, đề nghị UBND tỉnh Kon Tum cho biết rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan trong việc triển khai dự án chậm tiến độ cũng như đưa ra thời gian hoàn thành dự án trên.

Đại diện UBND tỉnh Kon Tum cho hay năm 2020 - 2021, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT đã nhận rõ trách nhiệm và tiến hành kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, triển khai dự án bị chậm tiến độ, đồng thời trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. UBND tỉnh cũng đã có thông báo kết luận các khuyết điểm cá nhân, tập thể liên quan đến nội dung trên.

ĐIỀU CHỈNH GIẢM VÌ HẾT KINH PHÍ

Theo ông Lưu Văn Lợi, Phó giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Kon Tum, mục tiêu trong giai đoạn 1 của dự án đã được điều chỉnh. Theo đó, trong giai đoạn 1 đã không còn kinh phí để thực hiện việc cung cấp nước sinh hoạt cho 15.300 người dân như mục tiêu ban đầu. Ngoài ra, mục tiêu cung cấp nước tưới cho 1.600 ha cây trồng ban đầu cũng được điều chỉnh giảm xuống còn 600 ha.

Hồ chứa 553 tỉ đồng chưa thể cấp nước tưới- Ảnh 4.

Tính đến ngày 31.12.2024, công trình này mới tích được khoảng 1 triệu m3 nước

ẢNH: ĐỨC NHẬT

Theo ông Lợi, nguyên nhân khiến phải điều chỉnh dự án là do giá vật liệu, vật tư trong năm 2021 biến động lớn. Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm tăng chi phí xây lắp dự toán vật tư, vật liệu. Giá vật liệu thép tại thời điểm thi công tăng đột biến từ 35 - 50% so với đơn giá dự thầu.

"Phải điều chỉnh mục tiêu vì tiền đã hết, trong quá trình thực hiện dự án kinh phí trượt giá, không đủ tiền làm giai đoạn 1. Quá trình triển khai dự án gặp phải một loạt các vấn đề như một số khu vực nghi ngờ có chất phóng xạ, thời gian thực hiện dự án đúng thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, kinh phí trượt đi nên buộc phải điều chỉnh mục tiêu giai đoạn 1. Đến nay, giai đoạn 1 của dự án chỉ có mục tiêu cung cấp nước tưới cho 600 ha cây trồng", ông Lợi giải thích.

Cũng theo ông Lợi, tính đến ngày 31.12.2024, hồ chứa này mới tích được khoảng 1 triệu m3/9 triệu m3 dung tích. Dự kiến đến tháng 7 - 8.2025, hồ sẽ tích đủ dung lượng nước để đảm bảo vận hành. Do đó đến thời điểm hiện tại, hồ chứa nước này vẫn chưa thể cung cấp nước tưới cho 600 ha cây trồng và người dân phải tiếp tục chờ đợi.

Ông Lưu Văn Lợi cho biết thêm đến thời điểm hiện nay, hồ chứa Đăk Pokei vẫn trong quá trình tích nước. Hiện công trình chưa được bàn giao và đưa vào sử dụng. Dự kiến trong giai đoạn trung hạn 2026 - 2030, dự án sẽ triển khai tiếp giai đoạn 2 để phát huy hết hiệu quả theo công suất thiết kế công trình.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, đối với dự án hồ chứa nước Đăk Pokei, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo chủ đầu tư, các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát các hạng mục công trình trước khi tích nước lòng hồ và tiến hành chạy thử; đảm bảo việc vận hành công trình an toàn, chất lượng. Ngoài ra, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo tiến hành xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm thi công, hoàn thành công trình, gây lãng phí.

Ngày 31.12.2024, ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, đã đi thị sát dự án hồ chứa nước Đăk Pokei. Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum nhận định dự án này có ý nghĩa lớn, phục vụ cung cấp nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt, góp phần phát triển kinh tế tại H.Kon Rẫy và TP.Kon Tum.

Do đó, ông Trang đề nghị các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường công tác phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khẩn trương hoàn thiện các hạng mục còn lại trong giai đoạn 1 của dự án; từng bước đưa vào vận hành hiệu quả và chuẩn bị, bố trí nguồn vốn thực hiện đầu tư giai đoạn 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.