Hồ Hoài Anh - Hồng Đăng: Chẳng có hình thức kỷ luật nào bằng sự coi thường của khán giả

10/08/2022 09:32 GMT+7

Mua danh 3 vạn bán danh 3 đồng. Điều hối tiếc lớn nhất của người nghệ sĩ khi đã dính chàm chính là đánh mất sự trân trọng của khán giả, thứ mà họ đã nhọc công gầy dựng bao năm.

Sau hơn một tháng bị giữ lại Tây Ban Nha vì cáo buộc cưỡng hiếp một thiếu nữ người Anh, hôm 7.8, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và diễn viên Hồng Đăng đã được về nước. Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thaoDu lịch đã xác nhận thông tin này. Việc Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng lặng lẽ trở về trở thành tâm điểm của dư luận. Rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, trong đó một bộ phận không nhỏ công chúng đặt câu hỏi về những hình thức xử lý, kỷ luật dành cho hai nghệ sĩ này.

Nhiều người đòi "phong sát" Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng

fbnv

Tuy các phương án xử lý hai nghệ sĩ hiện phải chờ các buổi làm việc với đơn vị quản lý để đánh giá sai phạm một cách xác đáng nhất, nhưng sau tất cả, đối với một nghệ sĩ, không một mức phạt hay hình thức kỷ luật nào nặng nề bằng sự coi thường của công chúng.

Khán giả đối với nghệ sĩ: Nước nâng thuyền nhưng cũng có thể lật thuyền

Nghệ sĩ nào cũng cần có tài năng, nỗ lực và khổ luyện nhưng chỉ khán giả mới là người quyết định thành công của họ. Nói cách khác, danh tiếng, tiền bạc, sự nghiệp của một người nghệ sĩ phụ thuộc hoàn toàn ở khán giả. Khán giả cũng là tấm gương soi chiếu công tâm, khách quan nhất với nghệ sĩ. Không một sự công nhận nào quý giá và xứng đáng hơn khán giả.

Trong cuộc đời một nghệ sĩ, chỉ cần khán giả công nhận là có tất cả. Nhiều nghệ sĩ cả đời không có một giải thưởng, danh hiệu hay được tổ chức, đoàn thể nào công nhận nhưng vẫn nổi danh và sống mãi trong lòng khán giả.

Kim Tử Long nhận định nếu không có khán giả thì làm sao có Kim Tử Long: "Tôi hát hay là nhờ tôi, nhờ ông trời, cha mẹ sinh tôi ra có một hình hài như thế này, có một làn hơi, khối óc để tôi hóa thân vào vai diễn. Nhưng nếu tôi có những cái đó mà không có khán giả thì làm sao trở thành Kim Tử Long như bây giờ”

fbnv

Các nghệ sĩ gạo cội đã đi qua nhiều năm tháng thăng trầm với nghề, chính là người hiểu rõ nhất vai trò của khán giả. NSƯT Kim Tử Long từng tâm sự: “Nếu không có khán giả, làm sao cát-sê của tôi tăng lên được. Vì thế nên tới giờ tôi luôn nhớ ơn khán giả. Dù khán giả không trực tiếp nuôi mình nhưng họ gián tiếp để mình trở thành nghệ sĩ nổi tiếng, ngôi sao lớn, để tên tuổi mình luôn trong lòng họ. Khán giả cũng gián tiếp cho tôi có được cuộc sống ngày hôm nay. Khán giả cho tôi vật chất, nhà cửa, cuộc sống ấm no. Tôi không thể nói mình không nhờ khán giả được".

Nghệ sĩ Tấn Hoàng cũng từng nói: “Đối tác trực tiếp nuôi nghệ sĩ là khán giả. Tôi không phải nói để khán giả thương mình nhưng tôi thương khán giả lắm. Một khán giả thương tôi là góp một hạt cơm trong nồi cơm tôi ăn hằng ngày, bản thân tôi không góp hạt nào hết. Sau này về già, không hát, không diễn nổi nữa thì nồi cơm vơi dần, tự hạt cơm bỏ đi chứ tôi không bỏ. Từ giờ tới chết, tôi không bỏ khán giả nào”.

NSND Bạch Tuyết trong một lần biểu diễn còn quỳ lạy khán giả và bày tỏ: “Tôi tin rằng, mình hát rất bình thường, nhưng may mắn có chút hồn đất nước và được khán giả thương nên mới có ngày hôm nay. Cho phép tôi xin được quỳ lạy một lạy để lễ khán giả".

Không chỉ nghệ sĩ Việt, ngay ở những nền giải trí lớn nhất thế giới, nghệ sĩ cũng luôn tỏ lòng biết ơn khán giả.

Nghệ sĩ quốc tế ý thức rất rõ vai trò của khán giả, người nuôi sống mình

chụp màn hình

Sau thành công của bộ phim The Roundup, dàn diễn viên phim đã quỳ gối để cảm ơn khán giả ủng hộ. Trước đó, tài tử Ryu Seung Ryong cùng các đồng nghiệp cũng quỳ gối trên thảm đỏ để mừng Extreme Job trở thành phim hài ăn khách nhất Hàn Quốc. BTS, Big Bang, Seventeen, EXID, Monsta X và nhiều nhóm thần tượng khác cũng đã quỳ gối, cúi gập người cảm ơn tình cảm của fan đã dành cho họ. Tại Trung Quốc, diễn viên Trương Nhất Sơn chia sẻ về khán giả: "Không có họ thì không có chúng tôi, họ là 'cơm cha áo mẹ' của chúng tôi, họ làm gì tôi cũng có thể thông cảm được”.

Ngay cả ở Mỹ, nơi có nền nghệ thuật tự do nhất, nghệ sĩ cũng luôn quý trọng khán giả. Celine Dion trong tang lễ của chồng xúc động nói:Sự ủng hộ của tất cả mọi người là một phép màu với chúng tôi”.

Nhìn nhận một cách khách quan, nghệ sĩ tạo ra những món ăn tinh thần, làm đẹp tâm hồn khán giả, còn khán giả nuôi dưỡng nghệ sĩ. Nghệ sĩ thành hay bại đều do khán giả. Chính vì vậy, nghệ sĩ luôn cần giữ tình cảm khán giả dành cho mình.

Công chúng quay lưng là hình phạt nặng nề nhất

Có được tình cảm của khán giả đã khó, giữ được nó lại càng khó hơn. Nghệ sĩ cần tài năng, nỗ lực để chiếm được tình cảm của khán giả, nhưng để giữ được nó lại cần phải có đạo đức.

Khi nghệ sĩ phạm sai lầm, không một hình phạt, kỷ luật nào nặng bằng sự quay lưng của khán giả. Các hình thức kỷ luật, xử phạt có thể chỉ kéo dài vài tháng tới vài năm nhưng một khi khán giả đã quay lưng thì sự nghiệp vĩnh viễn tiêu tan, kéo theo sụp đổ về cả tiền bạc, danh tiếng lẫn danh dự.

Nhiều nghệ sĩ Trung Quốc không thể quay lại showbiz do khán giả quay lưng

weibo

Tại Trung Quốc, diễn viên Cao Vân Tường dù đã được trả tự do sau hai năm bị cưỡng chế vì nghi án cưỡng dâm, nhưng vẫn không thể quay lại showbiz do khán giả quay lưng. Sự nghiệp tiêu tan khiến anh lâm cảnh khó khăn phải rao bán đồ hiệu để có tiền chi tiêu. Loạt sao đình đám như Ngô Diệc Phàm, Hoắc Tôn, Trương Triết Hạn cũng tiêu tan sự nghiệp vì bê bối không đáng có.

Ở một nền giải trí khắc nghiệt như Hàn Quốc, nghệ sĩ luôn phải cẩn trọng đến từng hành động, lời nói. Chỉ một hành động hay phát ngôn không chuẩn cũng khiến họ bị cư dân mạng miệt thị, chỉ trích tới mức từ bỏ sự nghiệp, nhóm T-ara là một điển hình. Thậm chí, nhiều nghệ sĩ đã tự tử vì bị miệt thị quá nặng nề.

Ngay cả ở những nền giải trí thoáng và tự do như Âu Mỹ, việc nghệ sĩ phạm pháp cũng được xem là không chấp nhận được. Rất nhiều nghệ sĩ chỉ vì khoảnh khắc sung sướng thoáng qua mà “thân bại danh liệt”, sự nghiệp tiêu tan vì bị khán giả quay lưng. Những cái tên có thể kể đến như Kevin Spacey từng giành 2 giải Oscar, trở thành "tượng đài" về cả đời tư và sự nghiệp, cho đến khi những bí mật xâm hại tình dục được vén màn, rồi thì cây hài Bill Cosby, đạo diễn lừng danh Roman Polanski hay ông trùm điện ảnh Harvey Weinstein, cũng chung số phận. Tại Việt Nam, khán giả thường dễ quên và không quá khắt khe trong việc "phong sát" nghệ sĩ như xứ Trung, xứ Hàn. Khán giả Việt có thể bao dung và cho qua nếu nghệ sĩ mắc phải lỗi nhỏ. Nhưng với hành vi phạm pháp và mang tính nghiêm trọng, họ rất khó để quên. Và một khi khán giả đã quay lưng, sự nghiệp nghệ sĩ cũng là dấu chấm hết.

Danh hài Hoài Linh từng dính phải lùm xùm xoay quanh việc xử lý tiền từ thiện. Sau vụ việc đó, anh tạm lắng một thời gian rồi đi diễn, tham gia hội thi, nhưng không ít khán giả hững hờ, thậm chí thấy xuất hiện là đá xéo, khiến nghệ sĩ lừng danh thuộc hàng bậc nhất làng giải trí giờ đây chỉ hoạt động một cách cầm chừng, không còn năng nổ, khuấy đảo sân khấu, màn ảnh như xưa. Diễn viên Minh Béo sau vụ "ấu dâm" tại Mỹ đã không còn được bất cứ phương tiện truyền thông nào ưu ái. Nhiều lần bày tỏ vẫn làm muốn nghề nhưng gần như không ai quan tâm, và cứ hễ xuất hiện là lại bị phỉ báng. Hầu như cánh cửa nghệ thuật đã đóng lại với MC Lục lạc vàng.

Từ đó, hoàn toàn có căn cứ khi nhận định không bản án nào nặng bằng bản án lương tâm và với nghệ sĩ, không hình thức kỷ luật nào nặng bằng sự coi thường của khán giả. Hiện tại, dù Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng vẫn giữ im lặng, dẫn đến xuất hiện nhiều "giả thuyết" sắp tái xuất sân khấu làm giám khảo, đi đóng phim, event như xưa, nhưng khán giả cứ yên tâm rằng, nếu họ làm điều sai trái, thì khán giả hoàn toàn có thể quyết định "phong sát" hay không, chứ không phải bản thân nghệ sĩ muốn là được.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.