Hở ra là... 'ném đá' hội đồng trên facebook

24/05/2018 19:39 GMT+7

Gây ra chuyện bức xúc, làm chuyện tốt cho mọi người... đều có thể bị 'ném đá' trên mạng xã hội. Thậm chí có những chuyện chưa rõ ràng, người trong cuộc cũng bị cư dân mạng 'ném đá'.

Kể với chúng tôi, N.T.N, 22 tuổi, trú xã Tân Quang, huyện Ninh Giang, Hải Dương cho hay từng có ý định tự tử khi bị quá nhiều người làm phiền cô khi nhắn tin, gọi điện, dùng nhiều từ miệt thị cho rằng cô là người “làm gái”. “Ban đầu là một số ý kiến truyền tai nhau trong xã, tôi cũng không quan tâm. Nhưng dần dà, ngày càng nhiều người vào trang cá nhân facebook của tôi nói rằng tôi làm cave, mại dâm ảnh hưởng khủng khiếp tới cuộc sống của tôi và gia đình. Tôi từng muốn chết”, N. chia sẻ.
Câu chuyện buồn của N.T.N không hề cá biệt. Nhiều người vẫn còn nhớ, sau trận chung kết U.23 châu Á 2018, Andrey Sidorov, cầu thủ ghi bàn thắng ấn định tỉ số 2-1 giúp Uzbekistan giành cúp vô địch đã có đêm kinh hoàng khi hàng trăm tài khoản mạng xã hội đã “nhảy” vào facebook anh ta "ném đá", thậm chí report (báo cáo trang có vấn đề) khiến anh này bị xóa mất tài khoản.

Mới đây nhất, cô Kim Tuyến làm việc ở Trung tâm MST English, xúc phạm học viên là “mặt người óc lợn” đã hứng đủ "gạch đá" của cư dân mạng. Rất đông người trong đó không phải học viên của trung tâm đã hùa theo để "ném đá" cô Tuyến.
“Tôi không thể làm gì trong cả một tuần lễ. Tôi phải khóa cả tài khoản facebook của mình, nhưng vẫn nơm nớp có ai đó tìm ra số điện thoại cá nhân của mình để chửi tiếp”, chị Hoàng Thị Hồng, 29 tuổi, trú đường Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy, Hà Nội từng bị phát tán một tấm ảnh mặc váy ngắn, trong lúc vô tình cúi xuống đã bị chụp lại, đưa lên một diễn đàn, bức xúc.
Tỉnh táo với mạng xã hội
Bà Phạm Thị Mai Thanh, 50 tuổi, trú đường Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM, thành viên một hóm thiện nguyện, cho biết bà không bận tâm đến những thông tin người khác nói gì, nghĩ gì về việc làm của bà và những người bạn, dù trên mạng xã hội hay trong thực tế.
"Ví dụ thấy tôi cho chim bồ câu ăn, có người nhiều chuyện vẫn nói sao lãng phí vậy, không mang tiền về nuôi con, mỗi ngày vất đi 20.000 đồng... Nếu mình bận tâm, buồn phiền thì rất nhiều, không làm được việc gì. Tôi có quan điểm, việc tốt, việc đúng mình cứ làm, không ảnh hưởng tới ai, không có gì day dứt tới lương tâm là được", bà Thanh nói.

Ca sĩ Lâm Chấn Kiệt cho hay anh từng là nạn nhân trong việc vụ "ném đá" hội đồng trên thế giới ảo. "Tôi viết bài chia sẻ cảm xúc. Tôi đăng bài kêu gọi mọi người cùng chung tay giúp đỡ một nghệ sĩ khác đang hoạn nạn. Nhiều người mà tôi không hề biết nhắn tin, bình luận nhiều câu khó nghe như '... rảnh quá à', 'hâm à', '... bị làm sao mà thích làm toàn chuyện tào lao'. Thoạt đầu tôi cảm thấy bị tổn thương, sau này tôi hiểu ra mình cần có lập trường để bình tâm trước những thông tin trên mạng xã hội", nam ca sĩ bày tỏ.
Chị Phạm Thị Hải Yến, nhân viên lập trình web ở đường Trường Chinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội, nêu ý kiến: “Người sử dụng mạng xã hội cần tỉnh táo để không bị dẫn dắt vào những câu chuyện màu sắc tiêu cực. Trước mỗi vấn đề, mỗi người cần suy xét rõ ràng đúng sai, tránh chửi bới lăng mạ người khác, bởi sẽ gây hậu họa vô cùng kinh khủng cho những nạn nhân. Tôi từng có một người bạn, suýt nữa đã tìm đến cái chết vì bị chửi hội đồng trên facebook”.
Anh Lê Phương Nam, 25 tuổi, ở đường Phan Chu Trinh, quận Bình Thạnh, TP.HCM: "Là người sử dụng mạng xã hội 6 năm, nhiều khi tôi giật mình bởi sự nguy hiểm của nó. Tôi cho rằng mỗi người nên cân nhắc thật kỹ khi đặt tay lên bàn phím, suy nghĩ thật kỹ trước khi muốn viết gì, đăng ảnh gì... Bởi mỗi con chữ, trong hoàn cảnh nào đó, có thể có tính 'sát thương' cao, khiến người đọc được nó có khi chạm vào bước đường cùng".  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.