Hồ sơ của lòng yêu nước

27/04/2012 03:47 GMT+7

Ngày 27.4, nhân kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng miền Nam 30.4, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức trao tượng trưng 127 hồ sơ trong tổng số 5.527 hồ sơ của các cán bộ quê Quảng Ngãi “đi B” - tức đi chiến trường miền Nam từ miền Bắc, trong những tháng năm chiến tranh chống Mỹ.

Ngày 27.4, nhân kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng miền Nam 30.4, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức trao tượng trưng 127 hồ sơ trong tổng số 5.527 hồ sơ của các cán bộ quê Quảng Ngãi “đi B” - tức đi chiến trường miền Nam từ miền Bắc, trong những tháng năm chiến tranh chống Mỹ.

Mỗi bộ hồ sơ của cán bộ đi B (những người không có thân nhân hay gia đình ở miền Bắc) khi họ giao nộp cho tổ chức trước lúc lên đường thường có 2 phần: hồ sơ gồm lý lịch cán bộ, giấy tờ chuyển sinh hoạt, quyết định điều động đi B, chứng minh thư, thẻ đảng, thẻ đoàn... Và kỷ vật gồm bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương, thư từ, ảnh, nhật ký, sổ tiết kiệm, tiền, vàng...

Tất cả hồ sơ và kỷ vật sẽ được trao trả cho chủ nhân hoặc thân nhân của những cán bộ đi B, dù họ còn sống hay đã hy sinh, đã mất.

Đây là một cuộc trao trả đặc biệt và rất cảm động diễn ra 37 năm sau chiến tranh, khi thân nhân những liệt sĩ hy sinh ở chiến trường B - miền Nam - gần như đã không còn hy vọng được nhìn thấy hay cầm trên tay những kỷ vật của người thân. Có những người con được sinh ra ở miền Nam, ở Quảng Ngãi ngay trước khi cha họ đi tập kết. Họ không hề biết mặt người cha của mình. Ngày xưa ấy cũng không có điều kiện để chụp ảnh, nên một tấm ảnh chân dung cha mình họ cũng không có. Họ ở lại miền Nam với mẹ mình, lớn lên trong chiến tranh và những đày ải khổ đau, những chờ đợi khắc khoải về người cha tập kết không hẹn ngày trở lại. Hình ảnh người cha chỉ hiện lên qua những câu chuyện của người mẹ, đó là những hình ảnh đẹp nhưng rất chập chờn. Câu hẹn “2 năm sau thống nhất anh (hay cha) về” chỉ là một câu an ủi những người ở lại, vì nó không hề xảy ra. Cuộc chiến tranh đã kéo dài ngót một phần tư thế kỷ. Những người chồng, người cha ấy sau những tháng năm xây dựng miền Bắc, họ đã khoác ba lô trở về miền Nam. Nhưng nhiều người trong số họ đã không liên lạc được với gia đình, và mãi mãi không liên lạc được, vì họ đã ngã xuống trong những cuộc chiến đấu. Cho tới lúc hy sinh, họ vẫn không thể để lại gì làm kỷ vật cho gia đình mình ở miền Nam. Có những cán bộ hy sinh tới bây giờ vẫn chưa tìm thấy mộ.

Và hôm nay, may mắn sao, họ vẫn còn hiện diện trong bộ hồ sơ cán bộ giản dị, trong những kỷ vật đơn sơ mà thắt lòng họ để lại trước lúc đi chiến trường. Đó là những bộ hồ sơ và kỷ vật thiêng liêng - hồ sơ của lòng yêu nước. 

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.