Hồ sơ di sản sơn mài bị hoãn vô thời hạn?

16/03/2020 07:00 GMT+7

Dù có quyết định thực hiện từ năm 2016, tuy nhiên hồ sơ di sản phi vật thể của nghệ thuật sơn mài trình UNESCO vẫn chưa biết khi nào xong.

Án binh bất động

Trường ĐH Mỹ thuật đã có những cuộc khảo sát, nghiên cứu điền dã ngay sau khi có quyết định giao việc viết hồ sơ di sản phi vật thể trình UNESCO cho trường hồi năm 2016. Dẫn đầu các nhóm nghiên cứu là các giảng viên trong trường. Các sinh viên cũng được tham gia phần nào việc nghiên cứu thu thập tư liệu này. Tuy nhiên, mọi việc dừng ở đó đến nay cũng đã gần 4 năm. “Từ 2016 đến nay, lâu quá rồi. Chúng tôi chỉ biết là Việt Nam cùng làm hồ sơ với Hàn Quốc. Chúng tôi đi các làng điều tra rồi sau đó chẳng thấy nói gì nữa. Thực ra ngại nhất là không biết nói với bà con thế nào”, một nhà nghiên cứu tham gia điền dã nói.
Thời điểm cuối năm 2015, thông tin được công khai là Tổng cục Di sản văn hóa Hàn Quốc đã đề nghị Bộ VH-TT-DL Việt Nam cùng xây dựng hồ sơ đa quốc gia trình UNESCO ghi danh nghệ thuật sơn mài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Dự kiến vào thời điểm đó, Nhật Bản và Trung Quốc cũng tham gia thực hiện hồ sơ này. Bộ VH-TT-DL trình Chính phủ về việc thực hiện hồ sơ này vào đầu năm 2016. Cuối năm đó, sau khi Chính phủ đồng ý, Bộ VH-TT-DL ban hành quyết định về việc giao Viện Mỹ thuật (ĐH Mỹ thuật Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Sở VH-TT TP.Hà Nội, Sở VH-TT-DL tỉnh Nam Định và Bình Dương cùng các cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ đa quốc gia ghi danh nghệ thuật sơn mài là di sản văn hóa phi vật thể đại diện.
Hồ sơ di sản sơn mài bị hoãn vô thời hạn ?1

Tác phẩm Nhịp điệu, tranh sơn mài của họa sĩ Bùi Trọng Dư

Về tiến độ thực hiện hồ sơ, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) cho biết hồ sơ đang dừng lại do phía Hàn Quốc chưa tiếp tục thực hiện. Hồ sơ đa quốc gia này cũng có một số vấn đề cần thảo luận.

Lợi - hại hồ sơ đa quốc gia

Sơn mài là một nghề quý. Giữ được nghề này sẽ giữ được di sản, mỹ thuật và tạo sinh kế cho người dân, góp phần tạo lợi ích quốc gia

TS Lê Thị Minh Lý Cần gìn giữ nghề sơn mài

TS Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, cho biết: “Làm hồ sơ đa quốc gia đang rất được UNESCO khuyến khích. Họ muốn các nước có chung văn hóa cùng nhau chia sẻ, cùng làm để tôn trọng nhau hơn và liên kết với nhau bảo vệ tốt hơn”. Theo bà Lý, bản thân việc làm hồ sơ đa quốc gia cũng có những câu chuyện rất thú vị. Chẳng hạn, có một di sản văn hóa phi vật thể rất tiêu biểu được UNESCO ghi danh là tục săn bằng chim ưng. Cộng đồng chủ thể của di sản dùng con chim ưng làm chim mồi săn. “Điều thú vị là càng ngày hồ sơ đó càng mở ra, lại thêm nước vào. Mỗi năm lại có thêm vài nước xin tham gia vào cộng đồng đó. Nguyên tắc đa quốc gia nó như thế. Mình cũng tham gia kéo co dưới dạng đa quốc gia rồi. Điều đó làm cộng đồng kéo co ở Long Biên thấy di sản của mình đa dạng hơn, đáng quý hơn. Cũng có nhiều giao lưu quốc tế hơn sau khi ghi danh di sản”, bà Lý nhận định.
 
Hồ sơ di sản sơn mài bị hoãn vô thời hạn ?2

Tác phẩm chuột sử dụng chất liệu sơn mài của nghệ sĩ Đinh Công Đạt

Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, cũng theo bà Lý: “Cái khó của hồ sơ đa quốc gia là tất cả các quốc gia phải đồng thuận mới làm được”. Kinh nghiệm của hồ sơ kéo co là Hàn Quốc nắm vai trò thúc đẩy việc thực hiện hồ sơ, trong đó có cả phần kinh phí. Chính vì thế, việc Hàn Quốc gặp khó khăn sẽ khiến hồ sơ liên quan gặp khó khăn. Trường hợp sơn mài này có lẽ như vậy.
Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt cũng cho rằng việc làm hồ sơ đa quốc gia sẽ rất khó khăn vì chất liệu sơn mài của mỗi nơi không giống nhau. “Nhật Bản, Hàn Quốc với Trung Quốc là một loại sơn. Việt Nam, Đài Loan là một loại sơn. Myanmar là một loại sơn khác. Tuy nhiên, mọi người đều gọi chung là sơn mài”, ông Đạt nhận xét.
Trong khi đó, một chuyên gia di sản cho rằng việc giao hồ sơ này cho ĐH Mỹ thuật thực hiện sẽ có cái khó cho người viết hồ sơ. “Họ là người sử dụng kỹ thuật sơn mài. Nhưng họ lại không phải là người làm việc với cộng đồng trong việc nhận diện giá trị và bảo vệ di sản phi vật thể. Giao cho họ là khá khó khăn”, chuyên gia này nói.
Theo TS Lê Thị Minh Lý, điều quan trọng chúng ta luôn phải xác định được sơn mài là một di sản đáng được quan tâm. “Sơn mài là một nghề quý. Giữ được nghề này sẽ giữ được di sản, mỹ thuật và tạo sinh kế cho người dân, góp phần tạo lợi ích quốc gia”, bà Lý nói.
Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt cho rằng dù làm hồ sơ di sản hay không thì cũng cần phải lên tiếng báo động về việc nghề sơn mài còn hay mất, hiện trạng thế nào; nghệ nhân sơn mài còn những ai, ở đâu, giữ nghề ra sao. “Thực trạng nghề sơn mài của mình, chính người mình không dùng nguyên liệu của mình nữa. Làm gì còn làng nghề sơn mài truyền thống nữa. Nếu còn chăng thì là ở Bối Khê (Hà Nội). Nên làm hồ sơ thì phải chú ý phát triển lại nghề. Người làm sơn mài truyền thống còn ít lắm”, ông Đạt chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.