(Tin Nóng) Trong chiến tranh Việt Nam, Không lực Mỹ lần đầu tiên đưa ra chương trình dùng máy bay không người lái (UAV) do thám miền Bắc Việt Nam, chủ yếu bằng loại UAV Ryan 147 và bị bắn rụng như sung. Sau đó phía Mỹ mới biết Bắc Việt Nam đã thâm nhập được mật mã liên lạc của UAV nên dễ dàng định vị và bắn hạ.
|
Theo War is Boring ngày 24.2, sau khi tiến hành chương trình do thám bằng UAV từ năm 1964, nhiều máy bay không người lái của Mỹ liên tiếp bị miền Bắc Việt Nam bắn rụng khiến các tướng Mỹ đau đầu.
“Kinh nghiệm với chương trình do thám bằng máy bay không người lái của Không lực Mỹ cung cấp một minh họa ấn tượng về tính dễ tổn thương về hoạt động thông tin liên lạc của Mỹ và sự sẵn sàng của một đối thủ thông minh để khai thác chúng", các sử gia của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) viết trong hồ sơ giải mật của NSA sau 40 năm hoạt động, công bố hồi năm 2007 theo Đạo luật tự do thông tin.
Lầu Năm Góc lần đầu tiên đối diện với khả năng rò rỉ thông tin liên lạc của các chiếc UAV này vào năm 1967. Một năm trước đó, các chuyên gia phân tích của NSA suy luận rằng Bắc Việt Nam -với sự giúp đỡ của các chuyên gia Trung Quốc - đã bẻ khóa thành công mật mã liên lạc của Mỹ và nghe được các cuộc liên lạc vô tuyến với UAV.
Kết quả là Hà Nội đã nhận được thông báo trước về các cuộc không kích của Mỹ. Các máy bay không người lái không mang vũ khí, nhưng Không lực Mỹ sử dụng chúng để trinh sát mục tiêu ném bom tiềm năng. Bắc Việt Nam sử dụng các thông tin này để lập các ổ phục kích, xác định vị trí những chiếc UAV và bắn hạ chúng.
Các vi phạm an ninh về thông tin liên lạc đã khiến tướng Earle Wheeler - khi đó là chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ - tức giận. Trong một cuộc họp về vấn đề này, ông ta đấm tay lên bàn và rủa rằng "Chết tiệt, chúng ta đã bị xâm nhập!", theo tài liệu giải mật của NSA thời hoạt động tại Việt Nam, công bố năm 2007.
Để truy tìm nguồn gốc của sự vi phạm bảo mật này và khắc phục nó, tướng Wheeler cho thành lập nhóm đặc nhiệm gọi là Chiến dịch Rồng Tím, bao gồm một nhóm đặc vụ của NSA, Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) và các đơn vị tình báo quân sự khác. Nhóm Rồng Tím có thẩm quyền khai thác bất kỳ và tất cả các hoạt động quân sự diễn ra ở Thái Bình Dương, bao gồm cả chương trình UAV do thám của Không lực Mỹ.
Máy bay không người lái của Mỹ thời chiến tranh Việt Nam là thô sơ hơn so với các cỗ máy công nghệ cao mà quân đội Mỹ sử dụng hiện nay. Thay vì cất cánh từ một đường băng trên mặt đất, một chiếc máy bay vận tải quân sự đặc biệt loại DC-130 được gọi là "tàu mẹ" đầu tiên mang chiếc UAV Ryan bay lên trên không, sau đó thả Ryan để nó tự động bay tới mục tiêu.
Các UAV này chụp ảnh từ các độ cao khác nhau hoặc bắt lấy các sóng phát thanh. Một vài UAV được sửa đổi để làm nhiễu radar đối phương và thả truyền đơn.
"Các kiểm soát viên trên tàu mẹ giám sát hệ thống hướng dẫn của UAV trong trường hợp chiếc máy bay này rời khỏi vị trí đã định. Thông thường, một UAV sẽ bay trên nhiều mục tiêu trước khi quay về vị trí thu hồi", theo tài liệu của NSA.
Các UAV hồi đó không hạ cánh như máy bay thông thường. Sau khi một chiếc Ryan bay về đến vị trí thu hồi, động cơ của nó tắt và một chiếc dù ở phía trước máy bay buug ra, cho UAV từ từ rơi xuống. Khi UAV còn lơ lửng trên không, một trực thăng CH-3 bay đến và dùng một cái móc tóm lấy chiếc UAV và câu nó bay về căn cứ.
|
Chiếc Ryan tỏ ra dễ bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không, súng cao xạ và máy bay chiến đấu của Bắc Việt Nam. Chiếc Ryan nhỏ, bay ở mức tương đối chậm là con mồi dễ dàng cho phi công Bắc Việt Nam.
Nhưng các chỉ huy Mỹ đã bị thuyết phục rằng phòng không Bắc Việt Nam không thể bắn rơi UAV thành công liên tiếp như vậy nếu không biết trước chính xác về thời gian và độ cao của UAV. Tại Nam Việt Nam, một nhóm điệp viên của Mỹ phát hiện rằng Bắc Việt Nam đã phá được mật mã liên lạc của các UAV. Và các chuyên gia bảo mật của nhóm Rồng Tím liền vào cuộc để tăng tính bảo mật cho việc thông tin liên lạc của UAV.
"Trước sự ngạc nhiên của mọi người, ngoài nhóm Rồng Tím, những ngày tiếp theo tỷ lệ tổn thất của UAV đã giảm mạnh và duy trì ở mức độ thấp một thời gian", theo tài liệu của NSA.
Tuy nhiên sau đó tỉ lệ UAV bị bắn hạ lại tăng, quân đội Mỹ gọi nhóm Rồng Tím quay lại vấn đề. Nhóm phát hiện ra rằng trong khi liên lạc vô tuyến trên mặt đất là an toàn và tốt, thì việc truyền tin liên lạc trên tàu mẹ DC-130 vẫn chưa bảo đảm. Và thế là các DC-130 được lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc mới, bảo mật hơn.
"Sau khi thực hiện việc này, tổn thất của các máy bay không người lái giảm xuống rất thấp, số máy bay bị bắn hạ chỉ còn 1-2 chiếc/năm so với 2-3 chiếc/tuần trước khi có nhóm Rồng Tím", tài liệu giải mật của NSA cho biết.
Và Không lực Mỹ đã làm hết sức mình để che giấu các chương trình này. Trong 8 năm, chương trình đã thay đổi tên mã cho các sứ mạng do thám này đến bốn lần, là Blue Spring, Bumble Bug, Bumpy Action và cuối cùng là Buffalo Hunter.
|
Tuy vậy từ năm 1970 đến năm 1972, Không lực Mỹ vẫn mất hơn 100 máy bay không người lái, theo một báo cáo chính thức. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc tin rằng Bắc Việt Nam chỉ bắn rơi 15 chiếc, số còn lại rơi do trục trặc máy móc hoặc hệ thống hướng dẫn.
Dù vậy, dự án đã thực sự thành công đến nỗi Lầu Năm Góc ra lệnh áp dụng các biện pháp bảo mật tương tự trên toàn thế giới, và cho các lĩnh vực hoạt động.
Một bài học rút ra ở đây là bất cứ khi nào bạn sử dụng UAV để do thám nước khác, thì nước đó sẽ cố gắng để giám sát lại bạn. Bốn năm trước, một trong những chiếc UAV "tàng hình" RQ-170 của CIA bị rơi ở Iran, dường như đó là kết quả của việc Tehran phá được hệ thống hướng dẫn và thông tin liên lạc của UAV này. Trong lĩnh vực này, Bắc Việt Nam thực sự đã đi trước từ lâu.
Mỹ tiến hành chương trinh chế tạo UAV từ năm 1948. Năm 1960, hãng Ryan Aeronautical trình làng mẫu UAV tên gọi Red Wagon, đến năm 1962 hãng được Không lực Mỹ tài trợ chế tạo UAV. Hãng cho ra loại UAV dùng động cơ phản lực Firebee AQM-34 với các tên gọi Ryan 147, AQM-34, Lightning Bug. Ryan 147 dài 7 m, sải cánh dài 4,4 m, nặng 2,2 tấn, tốc độ 1.134 km/giờ, bay ở độ cao tối đa 18 km, hoạt động trong khoảng 1 giờ 15 phút. Máy bay được lập trình để bay đến mục tiêu xác định và có thể được điều khiển bởi các chuyên viên từ máy bay mẹ DC-130, sau đó Ryan quay về hạ cánh bằng dù, được trực thăng câu lấy đưa về căn cứ. |
Anh Sơn
>> Philippines sẽ mua UAV trinh sát của Mỹ ?
>> Chính phủ Mỹ sửa quy định cho phép xuất khẩu UAV vũ trang
>> Hải quân Việt Nam trang bị tên lửa EXTRA và UAV Orbiter 2 của Israel
>> Nhật quyết định mua trực thăng, UAV của Mỹ
>> Mỹ đưa UAV Global Hawk đến Nhật giám sát Trung Quốc, Triều Tiên
>> Iran khoe chế thành công mẫu UAV tương tự của Mỹ
Bình luận (0)