Hỗ trợ bệnh nhân HIV không giấy tờ tùy thân tiếp cận BHYT

05/08/2024 05:57 GMT+7

Người nhiễm HIV cần được điều trị liên tục, suốt đời. Với những bệnh nhân không giấy tờ tùy thân, làm thế nào có thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh ổn định, nhất là trong bối cảnh thuốc kháng HIV (ARV) từ nguồn viện trợ quốc tế bị cắt giảm?

Ông N. (ở trọ tại TP.HCM) sống chung với "căn bệnh thế kỷ" hàng chục năm nay. Trước năm 1975, gia đình ông sinh sống tại Q.Gò Vấp (Gia Định), nay thuộc Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Tuổi trẻ lưu lạc, cha mẹ và nhà cửa không còn, nên ông N. không có giấy tờ tùy thân. Dù vậy, ông vẫn được Phòng khám (PK) Mai Khôi (Q.3, TP.HCM) tiếp nhận và điều trị HIV miễn phí suốt thời gian dài. Có điều, ông phải luôn "bám sát" cơ sở này để điều trị không gián đoạn, kể cả những lúc PK chuyển địa điểm xa hơn. Trong khi đó, vợ ông (cũng là bệnh nhân HIV) có giấy tờ nên nhận thuốc ARV tại cơ sở y tế địa phương nơi ông bà tạm trú.

Hỗ trợ bệnh nhân HIV không giấy tờ tùy thân tiếp cận BHYT- Ảnh 1.

Phòng khám Mai Khôi (Q.3, TP.HCM) điều trị cho nhiều bệnh nhân HIV/AIDS chưa có giấy tờ tùy thân

NHƯ LỊCH

Từng chia sẻ với PV Thanh Niên vào đầu tháng 6 năm nay, ông N. tâm tư: "Tôi tha thiết mong Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho chúng tôi có được CCCD. Thứ nhất là để Nhà nước quản lý con người. Thứ hai là tạo điều kiện cho chúng tôi có cuộc sống ổn định, xin được việc làm. Thứ ba, những bệnh nhân (BN) HIV chúng tôi được khám chữa bệnh ổn định và lâu dài...". Ông N. cho biết thêm: "Khoảng một năm nay, nhân viên PK Mai Khôi thường xuyên hỏi chúng tôi đã làm được CCCD chưa. Bên đó nói sắp hết nguồn tài trợ ARV, nếu tôi không có bảo hiểm y tế (BHYT) thì phải mua thuốc ARV ngoài thị trường rất tốn kém".

Niềm hy vọng của ông N. và những người không có giấy tờ tùy thân được thắp lên khi luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1.7. Gần đây, ông cho biết những BN HIV không có giấy tờ tùy thân như ông đã được ngành y tế lập danh sách đề xuất Công an TP.HCM xem xét cấp mã định danh cá nhân, từ đó tạo điều kiện điều trị bằng BHYT.

Cầu nối điều trị của bệnh nhân không giấy tờ

Năm 2021, nhóm My Hands tại TP.HCM chính thức hoạt động với sự tài trợ của Trung tâm y tế Q.Tân Bình và Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI). Các tiếp cận viên cộng đồng My Hands tham gia tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc, hỗ trợ điều trị HIV và STI (bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục); tư vấn hỗ trợ ARV, PEP, PrEP, nghiện chất và sức khỏe tinh thần... Chỉ tính riêng BN HIV, nhóm My Hands đã hỗ trợ điều trị cho khoảng 500 - 600 người.

Anh Đỗ Quốc Tuấn, Trưởng nhóm My Hands, chia sẻ: "Từ năm 2023 trở về trước, chúng tôi dễ dàng bảo lãnh cho những người nhiễm HIV không giấy tờ tùy thân có được nguồn thuốc ARV miễn phí. Nhưng càng ngày chúng tôi càng khó bảo lãnh, vì nguồn tài trợ thuốc ARV đã bị cắt giảm nên các cơ sở điều trị HIV cung ứng nguồn thuốc chủ yếu bằng BHYT".

Trong số BN mà nhóm anh Tuấn đã bảo lãnh điều trị HIV có những người lang thang không có giấy tờ hoặc có nhưng bị mất. Cũng có những người hoàn cảnh quá khó khăn phải cầm cố CMND (hoặc CCCD), sau đó không có tiền chuộc lại.

"Khi đã mất CCCD, họ không thể về quê làm lại vì bị xa lánh, kỳ thị. Một số trường hợp đi trại cai nghiện về, gia đình ly tán nên họ không có hộ khẩu, trở thành người vô gia cư, không thể làm lại CCCD…", anh Tuấn nói. Đa số BN HIV không có giấy tờ tùy thân mà nhóm My Hands tiếp cận đều được giới thiệu đến điều trị miễn tại PK Mai Khôi (Q.3, TP.HCM).

Hỗ trợ bệnh nhân HIV không giấy tờ tùy thân tiếp cận BHYT- Ảnh 2.

Một bệnh nhân HIV không có giấy tờ tùy thân tại TP.HCM

NHƯ LỊCH

Bác sĩ Nguyễn Như Hiếu (Giám đốc PK Mai Khôi) cho biết PK này chính thức thực hiện khám chữa bệnh BHYT cho BN HIV/AIDS từ ngày 7.12.2023. Hiện nơi đây điều trị gần 1.700 BN HIV/AIDS, trong đó khoảng 60% BN có BHYT.

Đối với hàng trăm BN HIV/AIDS không có giấy tờ tùy thân đang được điều trị ARV miễn phí tại PK Mai Khôi, bác sĩ Hiếu chia sẻ: "Thuốc ARV miễn phí ở đây là nguồn thuốc viện trợ từ quốc tế được Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cấp cho chúng tôi. Thời gian qua, ngành y tế cũng đã nhiều lần đánh động về việc nguồn thuốc viện trợ này sắp hết và sẽ đến lúc thật sự không còn".

Bác sĩ Hiếu cho biết thêm: "Các cơ quan chức năng rất quan tâm tìm giải pháp tháo gỡ tình trạng BN HIV không có giấy tờ tùy thân, không có BHYT. Trong buổi họp do Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC) TP.HCM tổ chức cuối tháng 5 năm nay, PK Mai Khôi được mời trình bày cụ thể vấn đề này trước các đại diện ngành y tế, công an, bảo hiểm xã hội… Tinh thần cuộc họp là các cơ quan chức năng nỗ lực rà soát để hỗ trợ cấp mã định danh cho những BN HIV không có giấy tờ tùy thân, tiến tới hỗ trợ chi phí mua BHYT cho BN khám chữa bệnh".

Hỗ trợ bệnh nhân HIV không giấy tờ tùy thân tiếp cận BHYT- Ảnh 3.

Tiếp cận viên cộng đồng My Hands tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho người dân tại TP.HCM

NVCC

Hỗ trợ cấp mã định danh cho bệnh nhân

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc HCDC, tính đến tháng 6.2024, TP.HCM quản lý và điều trị thuốc kháng HIV cho 48.550 BN. BN cư trú tại TP.HCM trên 6 tháng, khó khăn, không có điều kiện mua thẻ BHYT thì được hỗ trợ chi phí mua thẻ BHYT (theo Nghị quyết số 14/2020/NQ-HĐND ngày 9.12.2020 của HĐND TP.HCM và Công văn 7875/KHTC-SYT của Sở Y tế về hỗ trợ chi phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS).

Đặc biệt, Giám đốc HCDC cho biết Sở Y tế, HCDC phối hợp Công an TP.HCM, PC06 hỗ trợ cấp mã định danh cá nhân cho nhóm BN không có giấy tờ tùy thân, đang sinh sống tại TP.HCM (BN được tư vấn để cung cấp thông tin nơi sinh, nơi sống, số điện thoại cá nhân). Trong khi chờ Công an TP.HCM xác minh và cấp mã định danh cá nhân, các BN được hỗ trợ nguồn thuốc kháng HIV miễn phí. HCDC tham mưu Sở Y tế, đề xuất nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ thuốc ARV cho người nhiễm bị gián đoạn thẻ BHYT, các BN không giấy tờ tùy thân...

Bác sĩ Văn Hùng - Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm mạn tính (thuộc HCDC), cho hay ngành y tế luôn sẵn sàng nguồn thuốc ARV miễn phí cho các BN HIV/AIDS theo quy định của luật Phòng chống HIV/AIDS. 32 phòng khám HIV/AIDS tại TP.HCM luôn có nhân viên tư vấn, hỗ trợ để BN được tiếp cận thẻ BHYT và điều trị đầy đủ thuốc kháng HIV.

Bác sĩ Văn Hùng đề xuất: "Theo danh sách người cần hỗ trợ giấy tờ tùy thân đợt 1 của các đơn vị gửi đến HCDC, tính đến nay có 311 BN HIV không giấy tờ cần hỗ trợ mã định danh, 44 trường hợp được cấp mã định danh. Để kịp thời và hiệu quả hơn, Công an TP.HCM phối hợp HCDC hướng dẫn cơ sở điều trị tư vấn BN, gửi danh sách BN cần hỗ trợ giấy tờ tùy thân cho Ban chỉ đạo Đề án 06 của quận/huyện để phối hợp rà soát xác minh".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.