Trước đó, hồi tháng 4.2022, BHXH TP.HCM cũng từng cảnh báo về tình trạng người lao động (NLĐ) ồ ạt rút BHXH một lần.
NLĐ sẽ gặp nhiều thiệt thòi nếu rút BHXH một lần. Điển hình như số tiền nhận BHXH một lần ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng; mất cơ hội hưởng lương hưu hằng tháng… Chắc hẳn NLĐ cũng hiểu rõ điều đó. Tuy nhiên, họ phải đi đến quyết định rút BHXH một lần đều là vì “chẳng đặng đừng”. Số tiền BHXH rút một lần đó, có thể là “giải cứu” của họ.
Thống kê của Tổng liên đoàn Lao động VN cho thấy, trong năm 2022, có 1.235 doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong sản xuất. Thống kê tại 44 tỉnh, thành phố, có khoảng 472.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giảm việc làm, mất việc. Đặc biệt, có hơn 30.270 lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và 9.441 lao động đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị ảnh hưởng. Trong đó nhiều nhất là công nhân các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử… Điều này đương nhiên tạo ra áp lực về an sinh xã hội rất lớn cho cá nhân cũng như cộng đồng xã hội.
Chúng ta đã có kinh nghiệm thực hiện khá tốt chính sách hỗ trợ người lao động trực tiếp bằng nguồn an sinh xã hội của Chính phủ hồi đại dịch Covid-19 cao điểm, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Nhưng đáng tiếc đó mới dừng lại ở nguồn an sinh của Chính phủ, từ tiền ngân sách mà thường là không dồi dào.
Đây là lúc cần phối hợp nhiều kênh trợ giúp: cần có cơ chế rõ ràng từ các bộ hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường, tháo gỡ câu chuyện “tắc” đơn hàng. Không ít DN khi chia sẻ tại tọa đàm về tình hình sản xuất kinh doanh và lao động việc làm ở TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai diễn ra ngày 2.12 đã kiến nghị, Chính phủ làm việc với các nhà mua hàng lớn xem xét ưu tiên đơn hàng cho DN VN. Bên cạnh đánh giá khả năng khôi phục của các thị trường xuất khẩu truyền thống, rất cần mở rộng, tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu mới, thị trường “ngách”, thậm chí tính kế khai thác tốt hơn thị trường nội địa.
Đây cũng là lúc cần các chính sách hỗ trợ cụ thể, trực tiếp: lùi thời gian đóng BHXH, phí công đoàn cho DN; giảm thuế thu nhập cá nhân, thu nhập DN. Đặc biệt, các ngân hàng cần hỗ trợ giãn vốn cho DN đang vay, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận nguồn vốn vay mới với lãi suất ưu đãi…
Hỗ trợ DN có vốn mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ chính là gián tiếp hỗ trợ NLĐ giữ được việc làm, thu nhập. Và đó chính là chính sách hỗ trợ căn cơ, hiệu quả nhất.
Bình luận (0)