Hỗ trợ triển khai chậm trong khi cuộc đua tăng lãi suất đã nóng từ cách đây cả tháng khiến nhiều doanh nghiệp (DN) như ngồi trên đống lửa. Ở thời điểm hiện tại, chi phí đầu vào tăng quá mạnh, chi phí vốn nếu bị đội lên, họ sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng kềm lãi vay thì phải nói thẳng là không hề đơn giản khi lãi suất tiết kiệm đã được các nhà băng đồng loạt tăng khá mạnh trong thời gian vừa qua. Lãnh đạo một DN tại TP.HCM nói đùa bù qua sớt lại, thôi thì cứ coi gói hỗ trợ lãi suất giờ là gói “kiềm chế lãi suất”. Nghĩa là những đối tượng được hưởng hỗ trợ sẽ được vay với lãi vay không tăng theo xu hướng thị trường. Nhưng đã gọi là “kiềm chế lãi suất” thì phải trên diện rộng, nghĩa là mở thêm nhiều đối tượng được hưởng hơn. Đây cũng là mong muốn của rất nhiều DN, tiểu thương, cá nhân kinh doanh để chớp lấy cơ hội phục hồi trong 6 tháng cuối năm.
Nhưng chính sách tiền tệ cũng chỉ là một trong các giải pháp. Để hỗ trợ tốt cho người dân, DN và nền kinh tế, cần có sự kết hợp đồng bộ với chính sách tài khóa cũng như nhiều giải pháp khác. Đơn cử như giảm thuế cho xăng dầu, mặt hàng thiết yếu đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất. Tín hiệu lạc quan là hôm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này theo đề nghị của Chính phủ từ ngày 11.7 thay vì đợi đến 1.8 như đề xuất trước đó. Không chỉ thế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Chính phủ khẩn trương xem xét cắt giảm các loại thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu để bình ổn giá xăng dầu. Đây là một yêu cầu vô cùng quan trọng, hợp lòng dân và nếu thực hiện sớm sẽ hết sức hiệu quả để kiểm soát lạm phát và cơn bão giá đang hoành hành trên khắp các mặt trận sản xuất, kinh doanh, tàn phá sức mua trên thị trường.
Từ câu chuyện triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% và giảm thuế cho xăng dầu có thể thấy triển khai sớm, đúng thời điểm thì tác dụng của chính sách có thể nhân lên gấp đôi, thậm chí gấp ba. Ngược lại, triển khai trễ, những ưu đãi cũng có thể bị vô hiệu hóa. Cơn bão giá quét hằng ngày hằng giờ, sức khỏe của người dân, DN suy giảm sau hơn 2 năm dịch bệnh kéo dài trong khi chính sách hỗ trợ tính theo tháng, theo quý thì rất khó. Đó là lý do mỗi chương trình ưu đãi, hỗ trợ... được ban hành, vấn đề thủ tục cho đối tượng thụ hưởng, vấn đề triển khai nhanh, triển khai sớm, triển khai quyết liệt luôn được nhắc đến như yếu tố quyết định.
Kinh tế đang trên đà hồi phục nhưng khó khăn còn rất nhiều ở phía trước. Các giải pháp hỗ trợ DN, an sinh xã hội cũng đã được ban hành khá đầy đủ, quan trọng nhất vẫn là tốc độ triển khai, giải ngân để chính sách đi vào cuộc sống sớm nhất thì tăng trưởng GDP giai đoạn 6 tháng cuối năm là chuyện không quá khó khăn.
Bình luận (0)