Ngày 10.1, Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025. Chủ trì hội nghị có anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN; anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN.
Việc thực hiện chính sách khởi nghiệp còn hạn chế
Tại hội nghị, anh Nguyễn Tường Lâm đã báo cáo tiếp thu, giải trình về việc xây dựng báo cáo công tác năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 của Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN. Anh Lâm cho biết năm 2024, Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN đã tổ chức các đoàn công tác làm việc với UBND các tỉnh về kết quả việc thực hiện các chính sách, pháp luật về khởi nghiệp cho thanh niên giai đoạn 2021 - 2024.
Kết quả cho thấy việc thực hiện các chính sách, pháp luật về khởi nghiệp cho thanh niên tại các địa phương còn một số khó khăn, hạn chế. Hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các địa phương đang trong giai đoạn hình thành; các phong trào, hoạt động khởi nghiệp của một số tỉnh còn hoạt động phân tán, thiếu tập trung; các mối liên kết giữa những thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp chưa được đồng bộ; các dự án khởi nghiệp thiếu vốn để triển khai và khó khăn trong việc chứng minh tiềm năng phát triển để thu hút nguồn vốn đầu tư.
Anh Lâm cũng cho biết việc huy động nguồn lực từ các đơn vị nhằm hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế cho các hộ thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp, các dự án, đề tài khởi nghiệp tham gia và đạt giải cao tại cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp còn hạn chế; tỷ lệ các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp của thanh niên được hỗ trợ còn thấp hơn so với ý tưởng, mô hình thực tế hiện có của thanh niên.
Bên cạnh đó, nguồn vốn vay phát triển kinh tế, hỗ trợ cho các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên chưa nhiều, chưa đáp ứng được hết nhu cầu và nguyện vọng của thanh niên...
Tập trung đào tạo kỹ năng cho thanh niên
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí với báo cáo và nêu ra những vấn đề cần quan tâm trong năm 2025. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động VN, cho rằng hiện việc kết nối vốn, tài chính cho thanh niên khởi nghiệp còn khó khăn; nhiều địa phương chưa có chính sách đặc thù cho thanh niên khởi nghiệp.
"Cần tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp là người địa phương về địa phương hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Bởi ở địa phương thanh niên còn thiếu kiến thức, thiếu thông tin, thậm chí thiếu cả khát vọng. Vì thế, việc kết nối doanh nghiệp trẻ nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp người địa phương nói riêng về chia sẻ kinh nghiệm và thổi bùng khát vọng của bạn trẻ là rất cần thiết", ông Hiểu đề xuất.
Ông Hiểu cũng đề nghị trong thời gian tới cần quan tâm nhiều hơn hệ thống chính sách phát triển thanh niên, trong đó có chính sách giáo dục đào tạo, bởi hiện chương trình giáo dục còn nặng nề, ít kỹ năng thực hành. Trong bối cảnh công nghệ hiện nay, những kiến thức có thể được AI hỗ trợ, nên cần cung cấp kỹ năng sống, kỹ năng tiếp cận công nghệ thông tin cho học sinh, sinh viên. "Cần thúc đẩy văn hóa đọc, giảm tải chương trình học để tăng kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên", ông Ngọ đề nghị.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH cũ), cho rằng Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN cần quan tâm đến việc đào tạo lại cho sinh viên sau khi ra trường. "Hiện báo cáo chưa đề cập đến đào tạo thanh niên trong thị trường lao động. Cần đào tạo, để họ có kỹ năng thích ứng và chuyển đổi ngành nghề", ông Bình đề xuất. Ông Bình cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, ngành giáo dục cần quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng học sinh, sinh viên phát triển toàn diện, không chỉ đào tạo kiến thức mà còn cần chú trọng đến văn hóa, đạo đức, thể lực, bởi đây là thế hệ tương lai của đất nước.
Kết luận hội nghị, anh Bùi Quang Huy đánh giá các ý kiến đều rất xác đáng, Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN sẽ tiếp thu và bổ sung để hoàn thiện báo cáo. Đồng thời, anh Huy cho rằng năm 2025 có rất nhiều yếu tố tác động đến thanh niên như: nguy cơ giảm lao động do già hóa dân số; cách mạng công nghệ 4.0; tỷ lệ tội phạm có dấu hiệu trẻ hóa; tinh gọn bộ máy… nên cần phối hợp nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên.
Cũng trong năm 2025 có rất nhiều ngày kỷ niệm lớn, nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, nên đây cũng là cơ hội phát huy và giáo dục thanh niên. Tuy nhiên, anh Huy cho rằng kết quả công tác thanh niên phụ thuộc rất lớn vào sự phối hợp của các bộ, ban, ngành là thành viên trong Ủy ban. Vì vậy, các bộ, ban, ngành cần phối hợp hiệu quả hơn để Ủy ban phát huy tốt nhất vai trò của mình.
Bình luận (0)