Hỗ trợ cũng cần 'thần tốc'

17/08/2021 04:48 GMT+7

Dịch kéo dài quá lâu, chi phí tăng mạnh trong khi doanh thu sụt giảm, sức mua yếu, thị trường tiêu thụ co hẹp... đến lúc này, rất nhiều doanh nghiệp đã thực sự kiệt sức.

Đầu tuần, ông chủ một công ty thiết kế gọi cho tôi than thở có một khoản vay 6 tháng đáo hạn cả gốc lẫn lãi, trả hết tháng này thì xong, nhưng đang có nguy cơ trở thành nợ xấu do chủ đầu tư chưa thanh toán, công ty còn thiếu ngân hàng gần 500 triệu đồng.
“Nếu được chậm lại khoảng 10-15 ngày nữa thì chắc cũng xoay đủ tiền nhưng họ không cho. Giữa thời dịch mà khó quá”, vị này than. Công ty của ông có khoảng hơn 100 nhân viên, dù hết sức khó khăn xong gần 2 năm qua ông vẫn duy trì, chưa cho nghỉ người nào. “Nhưng có lẽ chúng tôi không thể cầm cự được nữa. Có bao tích lũy, ăn hết rồi”, ông lo lắng và mong muốn được khoanh nợ, không bị chuyển thành nợ xấu cho khoản vay này.

Covid-19 sáng 17.6: Cả nước tổng cộng 283.696 ca nhiễm, 106.977 ca khỏi | TP.HCM có thêm vắc xin

Trước đó, doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực xây dựng là ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình - đại diện của Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA), Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), đã có bản kiến nghị dài 9 trang gửi đến Thủ tướng. Bản kiến nghị có đề xuất công thức 7K + 3T, trong đó 7K gồm: “Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế - Không khí trong lành - Khỏe mạnh” và 3T là “Tự phát hiện - Tự cách ly - Tự chăm sóc” thay giải pháp “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 điểm đến” mà theo ông Hải, đã làm tê liệt kinh tế TP.HCM và các tỉnh lân cận thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Thực tế, sau một thời gian áp dụng, phương án 3T đã bộc lộ nhiều bất cập, hầu hết doanh nghiệp (DN) không thể duy trì được mô hình này do chi phí đội lên quá cao. Cá biệt, một số DN 3T đã trở thành ổ dịch. Thế nên, nhiều DN đề xuất phương án “2 tại chỗ, 1 vùng xanh”, nghĩa là để công nhân có thể ăn uống, sản xuất tại chỗ nhưng về ngủ ở vùng xanh. Hay các DN bất động sản sau nhiều lần tuyên bố “không cần hỗ trợ tiền, chỉ cần hỗ trợ chính sách”, thì nay cũng kiến nghị ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất, không chuyển nhóm nợ (nợ xấu) với các khoản vay đến hạn; Bộ Tài chính giãn tiến độ thuế, tiền sử dụng đất... bởi tác động của dịch bệnh “đã làm trầm trọng thêm những khó khăn của thị trường bất động sản”. Với đặc thù tài chính lớn, ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản gần như đóng băng, không có giao dịch nên đa số các DN đang đứng trước nguy cơ “chết trên đống tài sản”.
Những câu chuyện trên không mới, cũng không có gì đặc biệt và có lẽ ai cũng nghe thấy ở đâu đó xung quanh, khi dịch bệnh kéo dài quá lâu, khó khăn đã bao trùm lên tất cả. DN lớn thì khó lớn, DN nhỏ thì khó nhỏ... Trong cái khó chung, lại có những vướng mắc riêng, trong cái tổng thể, có những đặc thù. Vì thế, nhiều gói hỗ trợ đã và đang tiếp tục được đề xuất. Nhưng với thể trạng hiện nay, cần sự vào cuộc của tất cả các bộ ngành, cần sự phối hợp đa dạng các giải pháp tài khóa, tiền tệ cho đến gỡ vướng về thủ tục, chính sách.
Không chỉ đúng, trúng, một điều tối quan trọng là những chính sách hỗ trợ lúc này phải “thần tốc” để tiếp sức kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp, tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể đã kiệt sức vì dịch bệnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.