Đó là 2 trong số 17 chỉ tiêu trong nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII thông qua trong phiên làm việc sáng nay 27.12.
Đại hội đã đề ra 5 mục tiêu trong 5 năm tới. Trong đó, Hội Nông dân Việt Nam sẽ đổi mới trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân; đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh...
Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào nông dân; đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" gắn với hỗ trợ nông dân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, các tổ hợp tác, hợp tác xã...
Đại hội đã thông qua 17 chỉ tiêu trong nhiệm kỳ 2023 - 2028. Trong đó, Hội Nông dân các cấp sẽ trực tiếp, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 1,25 triệu hội viên, lao động nông thôn trở lên. Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng cho 250.000 nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện trở lên.
Hội Nông dân Việt Nam đặt chỉ tiêu tăng trưởng quỹ hỗ trợ nông dân bình quân từ 10%/năm trở lên, trong đó 2% là vận động từ nguồn ngoài ngân sách.
Đã trình Chính phủ đề án phát triển kinh tế tập thể
Chia sẻ tại cuộc họp báo, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, một trong 3 nhiệm vụ đột phá được đại hội thông qua trong nhiệm kỳ tới là tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Cụ thể, Hội Nông dân các cấp sẽ tập trung tham gia hướng dẫn phát triển các mô hình kinh tế tập thể khi hiện nay, ngành nông nghiệp đang tồn tại điểm yếu như sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún; chất lượng hàng hóa nông sản chưa đồng đều; chưa có những vùng nguyên liệu lớn để phục vụ chế biến...
"Nhiệm vụ đột phá này sẽ hướng đến khắc phục những điểm yếu, tháo gỡ những nút thắt của ngành nông nghiệp hiện nay", ông Lương Quốc Đoàn nói.
Cũng theo ông Lương Quốc Đoàn, Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng riêng đề án tham gia phát triển kinh tế tập thể. Dự thảo đề án đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam sẽ ký kết với một số ngân hàng thương mại, hỗ trợ nông dân vay vốn ưu đãi. Ngoài ra, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục ký kết với các bộ, ngành để tham gia phối hợp, triển khai các đề án phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Chia sẻ về chỉ tiêu hỗ trợ ít nhất 500.000 hộ nông dân có tài khoản bán hàng trên sàn thương mại điện tử, ông Lương Quốc Đoàn cho biết, Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai công việc này và thực tế rất có hiệu quả. Hiện nay, hàng triệu hộ nông dân đã có tài khoản, bán hàng hóa, sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh sàn thương mại điện tử, Hội Nông dân Việt Nam đang thiết lập, phát triển hệ thống cửa hàng của Hội Nông dân ở T.Ư và các tỉnh để trưng bày, giới thiệu, kết nối hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, hàng hóa. Ở nhiều địa phương, các cửa hàng của Hội Nông dân đã phủ tới cấp huyện và có sự liên kết giữa các tỉnh, thành phố.
"Thực tế cho thấy, cửa hàng của Hội Nông dân tỉnh Hà Giang, Lai Châu kết nối, tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho nông dân ở Gia Lai, Đắk Lắk. Chúng tôi cho rằng, nếu biết cách tổ chức và có sự liên kết thì mô hình này không chỉ góp phần nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức hội mà sẽ mang lại những lợi ít thiết thực, hiệu quả, hỗ trợ nông dân mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế", ông Đoàn nói.
Bình luận (0)