Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự chủ trì của anh Ngô Văn Cương, Bí thư T.Ư Đoàn, và sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu toàn quốc.
Thiếu vốn và kinh nghiệm
Chia sẻ tại hội nghị, đa số các đại biểu cho rằng hiện nay thanh niên khởi nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có yếu tố thiếu vốn và kinh nghiệm.
Anh Ngô Văn Cương chủ trì và phát biểu tại hội nghị |
Bảo Anh |
Anh Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành đoàn Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), cho biết ở môi trường đại học rất khó tiếp cận nguồn vốn vay. Hiện có nhiều chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp nhưng không có nguồn vốn hỗ trợ các mô hình đặc thù như hợp tác xã sinh viên khởi nghiệp. Vì vậy, đa phần sinh viên muốn khởi nghiệp nhưng chỉ dừng lại ở ý tưởng. Tổ chức Đoàn cần quan tâm hỗ trợ chính sách về vốn cho sinh viên khởi nghiệp, trong đó cần thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp từ ngân sách nhà nước và đặc biệt quan tâm đến sinh viên.
Anh Phạm Công Hùng, CEO Công ty Hùng Minh (TP.HCM), cũng cho biết khi thanh niên khởi nghiệp thành công rồi vẫn cần tổ chức Đoàn hỗ trợ, vì khi đó cần tìm nguồn vốn lớn hơn.
“Đoàn cần kết nối để doanh nghiệp khởi nghiệp bước đầu thành công được tiếp cận nguồn vốn lớn hơn, vì lúc đó nguồn vay ban đầu không đáp ứng được nữa. Tổ chức Đoàn cần vươn cánh tay dài hơn, mạnh mẽ hơn để kết nối giúp doanh nghiệp phát triển”, anh Hùng nói
Nhiều đại biểu cho rằng việc khởi nghiệp không chỉ cần nguồn vốn kinh tế mà vốn kinh nghiệm cũng không kém phần quan trọng. Anh Phạm Hồng Thưởng, Giám đốc điều hành Trung tâm ngoại ngữ LALISA14 tỉnh Gia Lai, cho rằng sau dịch Covid-19, thanh niên khởi nghiệp cảm nhận sâu sắc sự biến đổi của thị trường. Vì vậy, Đoàn cần quan tâm trang bị cho thanh niên khả năng quản trị rủi ro và kinh nghiệm khởi nghiệp.
Đại biểu nêu ý kiến tại điểm cầu Hà Nội |
“Chúng tôi cần sự đồng hành của Đoàn, vì thiếu kinh nghiệm nên khi gặp rủi ro, có doanh nghiệp chưa kịp phát triển đã “chết” rồi. Hiện có tới 90% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại, do thiếu nhiều thứ, đặc biệt là chưa có kinh nghiệm thực tiễn”, anh Thưởng đề xuất.
Theo anh A Mĩm, Bí thư Đoàn (xã Đăk Rơ Wa, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum), thực tế phong trào khởi nghiệp của thanh niên nông thôn, nhất là dân tộc thiểu số còn khó khăn. Đoàn cần nâng cao nhận thức của thanh niên về khởi nghiệp, tập huấn mô hình điểm, tham quan mô hình thành công, khuyến khích, tạo điều kiện đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp.
Xây dựng văn hóa khởi nghiệp cho các bạn trẻ
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, tổ chức Đoàn cần đào tạo các kỹ năng và xây dựng văn hóa cho người trẻ. Anh Phạm Hải Bằng, Ủy viên Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, cho biết đoàn viên bước vào doanh nghiệp thường phải đào tạo lại về chuyên môn. Vì vậy, tổ chức Đoàn cần phối hợp với các trường trong việc đào tạo.
“Những ứng viên đã tham gia công tác Đoàn có kỹ năng mềm rất tốt. Nếu có các tiêu chí đánh giá về những hoạt động này sẽ giúp doanh nghiệp bớt đi rất nhiều khâu qua các vòng tuyển dụng. Vấn đề này, Đoàn có thể làm giúp doanh nghiệp vì doanh nghiệp không chỉ sử dụng chuyên môn mà cần kỹ năng. Ngay trên ghế nhà trường, các bạn hoàn toàn có thể rèn luyện được kỹ năng. Các đoàn viên, ngoài chuyên môn, có kỹ năng tốt sẽ có cơ hội tuyển dụng cũng như khả năng thăng tiến cao”, anh Bằng đề xuất.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu lo ngại về văn hóa của người trẻ trong môi trường số. Đề cập đến việc một số trường hợp doanh nhân “đi quá đà” trên mạng xã hội thời gian gần đây, anh Phạm Quang Tùng, Phó chủ tịch CLB Đầu tư khởi nghiệp tỉnh Quảng Ninh, kiến nghị Đoàn cần định hướng cho các bạn trẻ về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc, văn hóa cá nhân như: văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa khởi nghiệp…
Có dự án khả thi sẽ được hỗ trợ vốn
Kết luận hội nghị, anh Ngô Văn Cương cho biết đã có 30 ý kiến nêu các kiến nghị và hiến kế cho tổ chức Đoàn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và đồng hành cùng thanh niên trong phát triển kinh tế.
Theo anh Cương, các ý kiến đều đi thẳng vào vấn đề và có giá trị để tổ chức Đoàn tiếp thu xây dựng trong Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn lần thứ XII. Anh Cương cũng cho biết thời gian qua tổ chức Đoàn đã làm rất tốt khâu đẩy mạnh truyền thông và giúp thanh niên tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, cũng như tổ chức giao lưu học hỏi kinh nghiệm cho thanh niên khởi nghiệp.
“Việc tổ chức Đoàn hỗ trợ, giúp thanh niên thay đổi tư duy khởi nghiệp đã được làm rất tốt, hỗ trợ họ có thêm tư duy, nhận thức về khởi nghiệp. Trong khởi nghiệp phải có tư duy tốt rồi mới nói đến vốn, vì tư duy không đúng thì đã thất bại rồi”, anh Cương nói.
Anh Cương cho biết: “hiện có nhiều nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, nếu các bạn trẻ có dự án khả thi có thể liên hệ với các tỉnh, thành Đoàn để kết nối. Đoàn cơ sở cần tuyên truyền tốt hơn để các bạn trẻ biết đến các nguồn vốn này”.
Bình luận (0)