Tương trợ ở Ukraine
Trước tình hình chiến sự diễn biến phức tạp tại Ukraine kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt, nhiều người Việt đã và đang tìm cách lánh nạn sang các nước láng giềng. Theo Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt tại Ukraine có gần 7.000 người sinh sống, làm việc và học tập. Bà con sống tập trung tại một số thành phố lớn như Kyiv với khoảng 800 người, Odessa khoảng 3.000 người, Kharkiv khoảng 3.000 người và một số thành phố khác như Kherson, Donetsk, Lviv...
Cuộc gọi của PV Thanh Niên cho ông Nguyễn Hải Anh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Odessa, vào sáng 4.3 bị gián đoạn khi ông vội vàng nói “chờ mình đưa bà con sang an toàn rồi liên hệ lại ngay nhé”. Đến tối cùng ngày, ông thở phào cho hay tình hình di tản cơ bản đã hoàn tất tại tỉnh Odessa. Ông cho biết người Việt ở Odessa chủ yếu di tản sang Moldova và Romania, còn những vùng khác có thể theo hướng Lviv để sang Ba Lan. “Họ qua đó rồi một số đi tiếp vào EU để tị nạn, một số trú tại Moldova và Romania chờ hết chiến sự quay lại, còn những người khác ở đó chờ chuyến bay về nước. Mọi người rất vui khi nghe tin khoảng ngày 7.3 hoặc 8.3 có chuyến bay thương mại về Hà Nội”, ông nói. Ông Hải Anh cho biết hội đã lập 2 nhóm dành cho bà con đi lánh nạn và trụ lại, nhằm hướng dẫn bà con những thông tin liên quan, chẳng hạn như về thủ tục giấy tờ, kết nối với hội người Việt tại các nước, đăng ký chuyến bay.
Cộng đồng người Việt tại Hungary quyên góp vật dụng để giúp đỡ bà con từ Ukraine sang |
NVCC |
Chờ suốt đêm ở ga tàu
Trong khi đó, nhiều cá nhân, tổ chức tại các nước lân cận đang tích cực hỗ trợ tiếp đón, cung cấp nơi ăn, chốn ở cho những đồng hương di tản. Ông Nguyễn Kim Đăng, quyền hội trưởng Hội Người Việt tại Slovakia, cho PV Thanh Niên hay hội đã quyên góp khoảng 9.000 euro, ban đầu là giúp người Ukraine di tản vì chưa có người Việt sang, nhưng giờ đây dành để giúp đồng hương. Hiện hội đang tìm hiểu chính sách tại Slovakia đối với công dân nước thứ 3 từ Ukraine di tản sang. Theo ông, lực lượng biên phòng Slovakia vẫn tiếp nhận, còn bộ phận di trú thì đang xem xét từng trường hợp cụ thể nên chưa rõ quy định chung là có thể ở lại có thời hạn, tị nạn hay được sang nước khác.
Tại Hungary, Đại sứ quán Việt Nam hiện xem công tác bảo hộ công dân là nhiệm vụ trọng tâm với tinh thần trực chiến 24/7, sau khi thành lập Ban công tác hỗ trợ bà con người Việt tại Ukraine sơ tán sang Hungary. Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ Đại sứ quán cho hay đại sứ Nguyễn Thị Bích Thảo hôm 4.3 đã cùng một số bà con người Việt ở thành phố Nyiregyhaza đưa 2 xe tải chở hàng thiện nguyện ra cửa khẩu Zahony. Đại sứ đã làm việc với chính quyền thành phố Zahony, tìm hiểu tình hình thực địa, đề nghị các cơ quan chức năng Zahony tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam lánh nạn sang Hungary và trao số hàng thiện nguyện của bà con người Việt.
Trong khi đó, một số cán bộ nhân viên Đại sứ quán, Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary và bà con từ Budapest đã thay phiên nhau trực từ sáng đến khuya tại 2 nhà ga Nyugati và Keleti để đón đồng bào đi tàu từ biên giới đến Budapest, tiếp tế thực phẩm và đưa họ về nơi tạm trú hoặc hỗ trợ mua vé, tiễn những người có đủ giấy tờ lên tàu đi tiếp sang các nước EU khác.
Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hùng trên chuyến xe tại biên giới đón người Việt di tản từ Ukraine sang Ba Lan |
Điểm tựa ấm áp
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Ngọc Sơn, đại diện cộng đồng người Việt ở Hungary, cho biết số người Việt di tản từ Ukraine sang mỗi lúc một nhiều thêm. “Hiện tại số người tập trung ở biên giới Ba Lan - Ukraine rất đông nên họ đã bắt đầu chuyển hướng sang Hungary. Mỗi ngày chúng tôi hỗ trợ khoảng 100 bà con người Việt”, ông Sơn cho biết. Ông Sơn chịu trách nhiệm hỗ trợ người Việt tại thành phố Nyiregyhaza gần biên giới với Ukraine. “Chúng tôi sẽ đón bà con tại đây, sau đó chuyển lên cho Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Budapest của Hungary sắp xếp chỗ ăn ở”, ông Sơn kể.
Những người mẹ Ukraine kể chuyện đi sơ tán |
Những người di tản cũng không thể mang theo nhiều đồ dùng cá nhân, vì vậy họ thiếu thốn nhiều thứ trong khi phải chống chọi với thời tiết âm 40C của Hungary. “Toàn bộ kinh phí cho những hoạt động giúp đỡ bà con di tản này đến từ sự đóng góp của cộng đồng. Chúng tôi không nhận tiền mà chỉ nhận hiện vật như đồ ăn, thức uống, chăn mền, quần áo”, ông Sơn chia sẻ. Ông nói thêm rằng hiện khá nhiều người di tản mắc Covid-19 nhưng lại thiếu khẩu trang. “Vì vậy, chúng tôi đang chuẩn bị đưa khẩu trang và dung dịch sát khuẩn tay ra khu vực biên giới”, ông Sơn nói với PV Thanh Niên. Ông cũng bộc bạch rằng dù công việc vất vả và gặp nhiều hạn chế, cộng đồng người Việt tại Hungary vẫn nhiệt tình cố gắng giúp đỡ đồng hương.
Ông Nguyễn Lê Hùng (hàng sau, thứ hai từ trái sang) đón người Việt từ Ukraine sang tại nhà ga trung tâm Warszawa, Ba Lan |
Bà con người Việt từ Ukraine di tản sang Ba Lan cũng được cộng đồng người Việt tại đây hỗ trợ hết mình. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Lê Hùng, Phó chủ tịch Hội Người Việt tại Ba Lan, cho biết những ngày qua hội đã đón và giúp đỡ hơn 1.000 bà con người Việt. Ông Hùng nói khi chiến sự vừa bùng phát và những dòng người đầu tiên từ Ukraine đổ về Ba Lan, Hội Người Việt tại Ba Lan đã họp khẩn và thành lập một ban hỗ trợ đặc biệt để giải quyết tình hình. “Chúng tôi đã kết hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan cùng các hội nhóm thiện nguyện khác để kêu gọi người dân, kể cả người Ba Lan, đóng góp về kinh phí, vật dụng”, ông Hùng kể. Hội đang vận động cộng đồng cho bà con người Việt từ Ukraine vào tá túc. “Mỗi nhà đón khoảng 5 - 10 người, có nhà cho đến 20 người di tản từ Ukraine vào ở”, ông Hùng chia sẻ.
Hiện tại, Hội Người Việt cùng Đại sứ quán ở Ba Lan đang tổ chức những chuyến xe để đón bà con người Việt ở những cửa khẩu chính đến nơi ở tạm. Hội Người Việt cũng hỗ trợ Đại sứ quán thu thập thông tin, nguyện vọng tiếp theo của bà con để lên phương án phù hợp. “Những người không có quốc tịch Ukraine chỉ được phép ở Ba Lan trong 15 ngày. Vì vậy, chúng tôi phải tư vấn và đưa ra lời khuyên để bà con chọn hồi hương, di chuyển sang nước khác hay xin tị nạn”, ông Hùng nói.
Phó chủ tịch Hội Người Việt tại Ba Lan cũng cho biết bà con từ Ukraine sang gặp rất nhiều khó khăn. “Các chuyến tàu ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em lên trước. Vì vậy, nhiều gia đình bị chia cắt. Đến khi nhập cảnh ở Ba Lan thì chồng một cửa khẩu, vợ một cửa khẩu”, ông Hùng kể. Ngoài ra, nhiều người không biết tiếng Ba Lan và cũng không kịp rút tiền nên hội phải quyên góp tiền để mua vé tàu, xe cho bà con.
Ông Hùng cho biết các đầu mối liên lạc trong Hội Người Việt luôn trực điện thoại đến 3 - 4 giờ sáng. Tuy công việc vất vả, ông Hùng nói cộng đồng người Việt ở Ba Lan đang rất cố gắng. “Trong lúc loạn lạc thế này, bà con người Việt từ Ukraine sang rất cần một điểm tựa. Chúng tôi biết khi gọi điện và nghe được tiếng Việt, họ sẽ bình tĩnh hơn. Vì vậy, chúng tôi cố gắng hết sức”, ông Hùng tâm sự với Thanh Niên.
Bình luận (0)