Hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm bền vững cho người nghèo

24/01/2022 06:29 GMT+7

Theo dự báo của Bộ LĐ-TB-XH, dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường trong năm 2022 - 2023, vì vậy việc đảm bảo an sinh, tạo sinh kế cho người dân và người nghèo nói riêng sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, để không đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn lao động cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp giữ chân người lao động, duy trì lực lượng lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bộ LĐ-TB-XH cũng đề xuất hỗ trợ người lao động được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. “Đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn tới”, ông Dung cho biết.

Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa tặng quàa cho hộ nghèo ở P.15, Q.5, TP.HCM

SỸ ĐÔNG

Đối với người lao động gặp khó khăn, Bộ LĐ-TB-XH đang hình thành hệ thống thu thập, chia sẻ thông tin về việc tìm người và người tìm việc; phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay ngoài các chính sách an sinh xã hội hiện hành, Bộ LĐ-TB-XH hướng tới xây dựng, triển khai các chính sách xã hội bảo đảm an dân và an sinh xã hội đối với người dân, hộ nghèo, người yếu thế; phát triển hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa và khắc phục rủi ro cho người dân.

Trên cơ sở đề xuất nhu cầu hỗ trợ gạo cứu đói của 41 tỉnh, thành, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất với Thủ tướng ban hành quyết định cấp tổng cộng hơn 158.136 tấn gạo để hỗ trợ 2,7 triệu hộ dân với hơn 10,5 triệu nhân khẩu. Trong đó, hỗ trợ Tết Nguyên đán và thiếu đói giáp hạt là 15.325 tấn; hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai gần 740 tấn gạo; hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là 131.971 tấn gạo...

Thu nhập người dân 2021 giảm 73.000 đồng:tháng so với 2020

Trước đó ngày 18.1, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 9 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu giảm nghèo bền vững, đa chiều. Bộ LĐ-TB-XH được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan chủ trì quản lý chương trình với tổng nguồn vốn thực hiện tối thiểu là 75.000 tỉ đồng.

Chương trình đặt ra mục tiêu cụ thể về tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì ở mức 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm. Mục tiêu là đến năm 2025 phấn đấu giảm 50% số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, chương trình sẽ hỗ trợ xây dựng và nhân rộng trên 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm (làm muối) nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.