Hỗ trợ, thu hút tư nhân vào thị trường năng lượng

23/07/2020 06:13 GMT+7

Khi nguồn vốn ngân sách không thể “gánh” được 150 tỉ USD, Việt Nam cần có những cơ chế đột phá mang tầm chiến lược để thu hút lực lượng tư nhân tham gia vào thị trường năng lượng sạch, tái tạo.

Tuy nhiên, sân chơi đó đảm bảo phải xóa bỏ độc quyền; cạnh tranh sòng phẳng, minh bạch.

Phải tạo nên những “chiếc áo mới” phát triển năng lượng nhanh hơn

Để triển khai Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về “Định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045”, ngày 22.7, Ban Kinh tế T.Ư và Chính phủ đã đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn cấp cao về năng lượng 2020. Diễn đàn có sự tham gia trực tiếp của hơn 300 đại biểu, hàng nghìn doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước... truyền trực tuyến tại 63 điểm cầu tại các tỉnh, TP trong nước và 30 điểm cầu quốc tế.
Thảo luận tại diễn đàn, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ EU tại Việt Nam, đánh giá cao Nghị quyết 55 khi đưa ra được nhiều điểm đột phá mang tầm nhìn chiến lược. Song, Đại sứ EU khuyến nghị Việt Nam cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích dài hạn thúc đẩy tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. “Cải cách thị trường năng lượng để đảm bảo tính linh hoạt và khả năng dự báo, vai trò trung tâm của người tiêu dùng và tối ưu hóa các chi phí. Thị trường năng lượng vận hành hiệu quả hơn sẽ giúp các DN tư nhân hoạt động ổn định”, chuyên gia này nói.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết hiện nay Thủ tướng đang chỉ đạo hết sức quyết liệt và đặc biệt lưu ý tới việc xây dựng cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, nhất là trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới. “Chính phủ sẵn sàng xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán với mục tiêu tiêu dùng. Cơ chế bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện, năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện, chính sách thuế khuyến khích sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, xây dựng quy định về lộ trình đổi mới công nghệ trong ngành năng lượng”, ông Dũng khẳng định.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, thì Trưởng ban Kinh tế T.Ư đã khẳng định thị trường năng lượng Việt Nam không còn phù hợp với cái áo đang khoác trên mình hiện nay. Với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hội nhập sâu rộng, Việt Nam đòi hỏi phải có sự cởi trói, tạo nên những chiếc áo mới để phát triển năng lượng nhanh hơn, bền vững hơn. Vì vậy, quan điểm và mục tiêu phát triển năng lượng được thể hiện trong Nghị quyết 55 rất rõ ràng, những điểm mới trong Nghị quyết 55 đưa ra các chỉ đạo phát triển năng lượng quốc gia, hướng tới việc đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng của quốc gia.
Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cũng lo ngại khi hiện tại nhiều khó khăn, vướng mắc tại các quy định liên quan tới công tác đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia phát triển các dự án năng lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực điện lực, còn nằm rải rác ở các luật khác nhau như luật Điện lực, luật Dầu khí, luật Khoáng sản… “Hiện Bộ Công thương cũng đang nghiên cứu sửa đổi và báo cáo với Chính phủ, Quốc hội cho phép nghiên cứu, xây dựng và sửa đổi luật Điện lực, cũng như các luật chuyên ngành khác, để có cơ sở tách bạch rõ ràng hơn nữa phạm vi đầu tư giữa nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực năng lượng nhằm tháo gỡ những nút thắt quan trọng ở trong hạ tầng năng lượng và trong lĩnh vực năng lượng nói chung”, Bộ trưởng Công thương thông tin thêm.

Tránh mọi biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh

Trả lời câu hỏi của nhiều chuyên gia, DN trong và ngoài nước, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cho biết sau hơn 10 năm thực hiện Kết luận số 26-KL/TW và Nghị quyết số 18-NQ/TW, thị trường năng lượng Việt Nam đã đạt được kết quả hết sức to lớn, và là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đến nay, dù còn là nước đang phát triển và mới ở mức thu nhập trung bình thấp, nhưng riêng lưới điện của Việt Nam phủ toàn bộ 100% lãnh thổ; có thể nói 99,98% số xã của Việt Nam có điện; 98,86% hộ gia đình của Việt Nam đã được sử dụng điện...
Theo ông Bình, chủ trương của Đảng và Nhà nước đặt nhiệm vụ phải xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ và giá phải theo giá thị trường để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia. Tuy nhiên, cần phải tránh mọi biểu hiện của sự cạnh tranh không lành mạnh của độc quyền, thiếu minh bạch. “Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là ngay từ khi Nghị quyết 55 được ban hành, khí thế, động lực tham gia của khu vực tư nhân trong nước và quốc tế đối với phát triển năng lượng Việt Nam là rất lớn. Đây là vấn đề rất đổi mới, đột phá trong lĩnh vực này”, Trưởng ban Kinh tế T.Ư khẳng định.
Ông Bình đặc biệt lưu ý tới điểm mới trong Nghị quyết về việc ứng dụng công nghệ 4.0, bởi Việt Nam là một nước đi sau, muốn phát triển nhanh, muốn theo kịp các nước khác mà không ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực năng lượng thì không bao giờ thực hiện được mục tiêu đó. Đảng và Nhà nước đặt ra mục tiêu phải từng bước tiến tới làm chủ công nghệ và tiến tới sản xuất được các thiết bị trong lĩnh vực ngành năng lượng.
Cuối cùng, theo Trưởng ban Kinh tế T.Ư, trước đây Việt Nam mới đặt vấn đề tiết kiệm năng lượng, nhưng lần này Đảng xác định tiết kiệm năng lượng là quốc sách của quốc gia. Tiết kiệm ở đây không chỉ tiết kiệm điện trong sử dụng hằng ngày, mà phải có chế tài, giải pháp để làm sao cho tất cả DN, những người sử dụng điện của Việt Nam phải được sử dụng, được trang bị các công cụ, thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Và chính qua đó, sẽ đổi mới được công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả của sản xuất của Việt Nam.

Hướng tới tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo

Chúng tôi coi Nghị quyết 55 là một đóng góp có giá trị để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng ở Việt Nam. Định hướng chiến lược của nghị quyết bao trùm tất cả các nhóm đối tượng tiêu dùng và tập trung vào các hành động có tác động lớn, như tăng cường kiểm toán năng lượng trong công nghiệp và phát triển các cơ chế khuyến khích đầu tư vào hiệu quả sử dụng năng lượng. Nghị quyết đã đặt ra các bước đi rõ ràng và chiến lược từ lý thuyết đến thực tiễn.
Ông Koen Duchateau (Trưởng ban Hợp tác và phát triển, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam)
 
Tôi nghĩ điểm quan trọng chính là Nghị quyết 55 đã đưa ra tuyên bố chính sách rõ ràng hướng tới tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Điều này có nghĩa là nghị quyết đã vạch ra một đường lối chính sách rất rõ ràng việc cần đưa vào sử dụng nhiều hơn năng lượng tái tạo sớm hơn so với trước đây.
Việt Nam có nhiều thách thức nhưng tôi nghĩ có rất nhiều tiềm năng và với tầm nhìn chiến lược việc các bạn phát triển tốt năng lượng tái tạo chính là giúp cải thiện chất lượng sống và giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Việt Nam.
Ông Kari Kahiluoto (Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.