Hỗ trợ tối đa 1 tỉ đồng dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn

24/04/2019 17:54 GMT+7

T.Ư Đoàn vừa công bố Cuộc thi dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019, với mức hỗ trợ cho dự án được giải nhất tối đa là 1 tỉ đồng để triển khai.

Cuộc thi dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn quy định đối tượng tham gia là thanh niên Việt Nam, có tuổi đời từ 18 - 35; có ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Các đối tượng đăng ký dự thi theo cá nhân hoặc nhóm (mỗi nhóm không quá 3 người).
Đối với cá nhân dự thi theo hình thức cá nhân: 1 thí sinh chỉ được nộp tối đa 1 ý tưởng, dự án dự thi.
Đối với cá nhân dự thi theo hình thức nhóm: 1 cá nhân có thể tham gia nhiều nhóm, nhưng chỉ được là nhóm trưởng của 1 nhóm. Nếu thí sinh có bài dự thi đăng ký theo hình thức cá nhân thì không được tham gia nhóm với tư cách là nhóm trưởng.
Các thí sinh đăng ký và nộp hồ sơ dự thi về các tỉnh, thành Đoàn và Ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn. Hồ sơ gồm: Phiếu đăng ký dự thi (theo mẫu); Bản giới thiệu thông tin tác giả/nhóm tác giả; Bản kế hoạch sản xuất, kinh doanh hoàn chỉnh (Bản thuyết minh, mô tả về ý tưởng, dự án khởi nghiệp).
Ban tổ chức cho biết, nội dung ý tưởng dự thi có thể ở trong các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp, công nghiệp bảo quản, chế biến, làng nghề, thiết bị, dịch vụ nông nghiệp. Các ý tưởng, dự án phải có tính mới, khả thi, chưa đạt các giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi khởi nghiệp cấp quốc gia tổ chức.
Ban tổ chức cuộc thi sẽ trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 4 giải khuyến khích; mỗi giải gồm: bằng khen của T.Ư Đoàn và tiền mặt. Đặc biệt, sẽ có hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm với dự án đủ các điều kiện quy định để vay vốn, với mức tối đa 1 tỉ đồng (giải nhất); 500 triệu đồng (giải nhì); 300 triệu đồng (giải ba); 200 triệu đồng (giải khuyến khích).
Các dự án tham dự vòng chung kết toàn quốc sẽ được Ban tổ chức giới thiệu với cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ, tư vấn triển khai thực tế đối với các ý tưởng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. 
Yêu cầu về trình bày dự án Cuộc thi dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn
Chương 1: Thông tin chung (gồm khái quát dự án: lĩnh vực và sản phẩm, dịch vụ sẽ thực hiện; mô hình sản xuất, kinh doanh sẽ thành lập....)
Phân tích thị trường: phân tích bối cảnh chính trị - kinh tế - xã hội để xây dựng dự án; đánh giá về thị trường mà dự án hướng tới; phân tích về đối thủ cạnh tranh, lợi thế cạnh tranh;... phân tích nguy cơ rủi ro, phương án khắc phục.
Mô tả dự án: mục tiêu dự án, quy mô dự án; sản phẩm/dịch vụ sẽ thực hiện; phương thức tiến hành; phân định thời gian triển khai, thực hiện, các bên đối tác; chiến lược phát triển, triển vọng…
Chương 2: Kế hoạch kinh doanh: đầu tư cho dự án (nguồn vốn; huy động vốn, sử dụng vốn...); trang thiết bị, mặt bằng, tái đầu tư, các chi phí khác có liên quan; bộ máy nhân sự: tổ chức bộ máy, quản trị nhân sự...
Lập kế hoạch tiếp thị: Marketing, truyền thông; dịch vụ kèm theo; tổ chức tiêu thụ sản phẩm; lập kế hoạch tài chính: lợi nhuận hàng tháng, năm thứ nhất và trong ít nhất 3 năm đầu; kế hoạch tài chính dự trù cho các năm khi dự án hoạt động; phương án thu hút vốn tạo nguồn tài chính cho dự án để đầu tư mở rộng và tái đầu tư.
Chương 3: Kế hoạch bán hàng: các hoạt động mà dự án sẽ thực hiện; tổ chức kinh doanh, sản xuất và dịch vụ hỗ trợ; xây dựng giá thành và giá bán dự kiến...
Chương 4: Định vị thương hiệu: tầm nhìn thương hiệu; bảo hộ sở hữu trí tuệ thương hiệu; định vị thương hiệu; đầu tư phát triển thương hiệu...
Chương 5: Ý nghĩa tác động xã hội, cộng đồng: phân tích những ý nghĩa kinh tế, xã hội mang lại khi triển khai dự án thành công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.