Hỗ trợ trồng khoai tây bền vững, Syngenta giúp nông dân lãi lớn

28/02/2024 16:39 GMT+7

Những giải pháp kỹ thuật, công nghệ do Công ty Syngenta Việt Nam, Công ty thực phẩm PepSico Việt Nam cùng các đối tác tư vấn, hỗ trợ ứng dụng vào quy trình trồng khoai tây bền vững tại các tỉnh Tây Nguyên giúp nhiều nông dân hưởng lãi lớn so với canh tác truyền thống.


Hỗ trợ trồng khoai tây bền vững, Syngenta giúp nông dân lãi lớn- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Việt Hà, Tổng giám đốc PepsiCo Việt Nam và ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia tham gia ngày hội thu hoạch khoai tây tại Gia Lai.

Năng suất, thu nhập cao gấp 3 lần, mỗi năm tiết kiệm 5 triệu m3 nước

Câu chuyện thành công trong chuỗi sản xuất khoai tây khép kín được Công ty Syngenta Việt Nam, Công ty thực phẩm PepSico Việt Nam cùng các đối tác giới thiệu tại hội thảo tổng kết hoạt động 2023 và lập kế hoạch 2024 Nhóm công tác PPP (đối tác công - tư) rau quả, Ban thư ký Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) thuộc Bộ NN-PTNT, thông qua Ngày hội thu hoạch khoai tây, tổ chức tại Gia Lai ngày 27.2.

Chương trình sản xuất khoai tây bền vững do Syngenta, PepsiCo - đồng trưởng Nhóm công tác PPP về rau quả, phối hợp Trung tâm Khuyến nông quốc gia và các đối tác triển khai từ năm 2019 tại Tây Nguyên, có hơn 1.000 hộ tham gia với diện tích hơn 1.500 ha mỗi năm.

Hỗ trợ trồng khoai tây bền vững, Syngenta giúp nông dân lãi lớn- Ảnh 2.

Trồng khoai tây bền vững cho năng suất cao, giúp nông dân tăng thu nhập

Ông Trần Thanh Vũ, Tổng giám đốc Công ty Syngenta Việt Nam, chương trình lấy nông dân là trọng tâm, các doanh nghiệp và đối tác đã xây dựng mô hình sản xuất khoai tây khép kín từ: Chăm sóc đất - giống - xử lý hạt giống - thuốc bảo vệ thực vật - phân bón - tưới tiêu - kỹ thuật canh tác - bao tiêu đầu ra - chế biến sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo.

Sau 5 năm, các giải pháp công nghệ trong mô hình liên kết sản xuất khoai tây bền vững mang lại kết quả vượt trội. Khi năng suất khoai tây trung bình đạt 23 - 26 tấn/ha, thậm chí nơi cao nhất đạt 52 tấn/ha. Mỗi năm tiết kiệm hơn 5 triệu m3 nước; thu nhập nông dân tăng lên gần 3 lần.

Đặc biệt trong năm 2023, PepsiCo, Syngenta và các đối tác ứng dụng hàng loạt giải pháp công nghệ mới đã nâng được năng suất khoai thu hoạch trung bình lên 30 - 34 tấn/ha. Bộ giải pháp quản lý sâu bệnh giúp giảm 2 lần phun thuốc/vụ, tiết kiệm 2 triệu đồng/ha; sử dụng drone (thiết bị bay không người lái) giảm hơn 10 lần lượng nước pha thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2023 cũng là năm đầu tiên mô hình này xuất khẩu 6.000 tấn khoai tây tươi.

"Đánh dấu cột mốc quan trọng 30 năm PepsiCo có mặt tại Việt Nam vào năm 2024, mô hình chuỗi giá trị khoai tây sẽ được mở rộng ra các tỉnh phía Bắc, đây sẽ là vùng nguyên liệu chất lượng cho nhà máy thực phẩm mới có vốn đầu tư gần 90 triệu USD của PepsiCo đang xây dựng tại Hà Nam dự kiến vận hành vào quý 3 năm 2025", ông Hà nói.

Còn theo ông Nguyễn Kim Hành, Giám đốc Nông học Pepsico Việt Nam, tính theo năng suất trung bình hiện nay thì mỗi ha trồng khoai tây nông dân đang lãi 50 - 70 triệu/ha. Ở những hộ đạt năng suất 52 tấn/ha thì lãi ròng 200 triệu đồng.

Nhân rộng mô hình sản xuất khoai tây bền vững

Tại ngày hội thu hoạch khoai tây, bà Vân Anh (nông dân tại Gia Lai), cho biết trong chương trình này, nông dân được tập huấn kỹ thuật canh tác tiên tiến, nâng cao năng lực quản lý tài chính và sản xuất an toàn; tiếp cận các công nghệ tiên tiến trong xử lý giống, phân bón, tưới tiêu hay thăm đồng thông qua drone. "Thông qua app chương trình, tôi có thể quản lý quy trình canh tác dễ dàng, chủ động điều chỉnh tưới nước thông qua điện thoại thông minh", bà Vân Anh nói.

Hỗ trợ trồng khoai tây bền vững, Syngenta giúp nông dân lãi lớn- Ảnh 3.

Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây bền vững đang được nhân rộng ở nhiều địa phương.

Đại diện Sở NN - PTNT tỉnh Gia Lai, khẳng định nông dân rất phấn khởi khi tham gia mô hình này, bởi họ không chỉ được hỗ trợ giống, đảm bảo về vật tư sản xuất mà còn được các chuyên gia kỹ thuật theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây khoai tây, kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu ra. Mô hình đáp ứng được kỳ vọng của Gia Lai về phát triển nông nghiệp nghệ công nghệ cao, nâng cao giá trị nông sản. Những thành công mô hình này sẽ được chúng tôi nghiên cứu áp dụng trên cây trồng khác.

Ông Nguyễn Việt Hà, Tổng giám đốc PepsiCo Việt Nam, nhìn nhận thành công vượt trội trong mô hình sản xuất khoai tây bền vững ở Tây Nguyên hướng tới đảm bảo 100% nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất snack chất lượng quốc tế, gia tăng giá trị xuất khẩu khoai tây tươi ra thị trường quốc tế, đẩy mạnh nông nghiệp tuần hoàn, đây sẽ là trọng tâm của chương trình trong thời gian tới.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia đặc biệt ấn tượng khi khoai tây từ mô hình sản xuất này xuất khẩu thành công đến các thị trường có tiêu chuẩn cao. Mô hình ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ nông dân ghi chép nhật ký điện tử, cho phép truy xuất toàn bộ thông tin quy trình sản xuất. "Ở các thị trường cao cấp, họ yêu cầu rất khắt khe về sản xuất bền vững, giảm phát thải. Khi có dữ liệu minh bạch để chứng minh, chúng ta có thể bán cả quy trình sản xuất này thì giá trị của khoai tây sẽ còn tăng rất cao. Chúng tôi mong muốn, sẵn sàng tiếp nhận tài liệu hướng dẫn trồng khoai tây bền vững để hệ thống khuyến nông nhân rộng ở các địa phương", ông Thanh bày tỏ.

Ông Trần Thanh Vũ, Tổng giám đốc Công ty Syngenta Việt Nam, khẳng định dự án sản xuất khoai tây bền vững ở khu vực Tây Nguyên thành công khi kết nối đầy đủ các đối tác đa dạng trong chuỗi, hình thành vùng nguyên liệu sản xuất bền vững với những sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cao, góp phần giảm phát thải, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới nền nông nghiệp xanh.

Hỗ trợ trồng khoai tây bền vững, Syngenta giúp nông dân lãi lớn- Ảnh 4.

Nông dân các tỉnh Tây Nguyên tham gia tập huấn kỹ thuật trồng khoai tây bền vững tại Gia Lai

Hàng năm, chương trình trồng khoai tây bền vững triển khai tập huấn sản xuất an toàn cho gần 6.000 lượt nông dân. Diện tích trồng khoai tây ứng dụng giải pháp canh tác bền vững tăng trung bình 20%/năm, số hộ nông dân tham gia dự án tăng 10%/năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.