Ngày 2.2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024 với chủ đề "Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20-NQ/TW - Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới".
Theo Bộ KH-ĐT, ước tính đến năm 2023, cả nước có hơn 31.700 hợp tác xã (HTX), 158 liên hiệp HTX và 73.000 tổ hợp tác. Năm 2022, doanh thu bình quân của các HTX đạt gần 3,6 tỉ đồng/năm, tăng 35% so với năm 2021; lãi bình quân khoảng 366 triệu đồng/năm, tăng 71% so với năm 2021; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX năm 2022 là 56 triệu đồng/người/năm…
Đánh giá cao những bước phát triển của kinh tế tập thể và HTX, song theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, kết quả đạt được vẫn khiêm tốn, chưa tương xứng so với không gian, dư địa phát triển, chủ trương, đường lối của Đảng. Tốc độ phát triển của khu vực này chỉ bằng một nửa tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tỷ trọng của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong GDP của đất nước đang có xu hướng giảm qua các năm từ 2001 - 2020 giảm từ 8,06% xuống còn 3,62%...
Thủ tướng nhấn mạnh kinh tế tập thể, HTX phải nhận thức rõ, tự chủ động thoát khỏi những rào cản và vướng mắc mang tính cố hữu để tự lực, tự cường vươn lên. Nghị quyết số 20-NQ/TW đã xác định rõ đến năm 2030 sẽ có 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên.
Thủ tướng cũng yêu cầu sớm xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn luật HTX năm 2023. Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, hoàn thiện các quy định đối với hoạt động cho vay nội bộ trong HTX, liên hiệp HTX, nhằm hỗ trợ người lao động, thành viên HTX, góp phần xóa bỏ "tín dụng đen" ở nông thôn; nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng dành riêng cho khu vực kinh tế tập thể. Đồng thời, Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn chế độ kế toán HTX, liên hiệp HTX phù hợp; hoàn thiện các quy định về thuế phí trong đó ưu tiên hỗ trợ phù hợp cho đối tượng HTX...
Tinh giản biên chế nhưng phải nâng cao chất lượng cán bộ
Chiều 2.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Thông tin từ phiên họp cho biết, trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 26 tổ công tác cải cách thủ tục hành chính để chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, nhiều rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách đã được tập trung tháo gỡ. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được thúc đẩy. Các địa phương đã tập trung triển khai việc rà soát, sắp xếp tổ chức hành chính bên trong, theo đó giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn.
Về quản lý và tinh giản biên chế, từ năm 2015 đến hết 2023, cả nước tinh giản biên chế 84.140 người. Trong đó ở T.Ư là 5.740 người, địa phương là 78.400 người… Tuy nhiên, thủ tục hành chính vẫn còn những vướng mắc ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm; việc vận hành bộ phận một cửa nhiều nơi còn chưa đúng quy định…
Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, Thủ tướng nhấn mạnh, cải cách thể chế phải tập trung tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho sản xuất, kinh doanh. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước thì phải tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế nhưng phải cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi. Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các quy định để hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước hoàn thành trước ngày 31.3.2024; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài và các quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm... Hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vào quý 3/2024. Các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Bình luận (0)