Hòa bình là mục tiêu tối thượng của hợp tác quốc tế

Mai Hà
(từ Hiroshima, Nhật Bản)
22/05/2023 06:00 GMT+7

Sáng 21.5, Thủ tướng đã tham dự phiên họp "Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng" tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu bật 3 thông điệp của VN về hòa bình, ổn định và phát triển.

Thứ nhất, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho hợp tác và phát triển vừa là nền tảng thiết yếu, vừa là đích đến cuối cùng vì sự phát triển bền vững, thịnh vượng trên toàn thế giới cũng như từng quốc gia, khu vực. Hòa bình là mục tiêu tối thượng của hợp tác quốc tế, là giá trị chung của nhân loại; hòa bình bền vững, thượng tôn pháp luật và phát triển bền vững có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó chặt chẽ.

Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhờ có hòa bình, Việt Nam từ một nước nghèo đã vươn lên thành một quốc gia thu nhập trung bình, đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam sẽ làm hết sức mình, cùng chung tay đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của nhân loại; mong muốn chấm dứt xung đột, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh con người.

Hòa bình là mục tiêu tối thượng của hợp tác quốc tế - Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các trưởng đoàn đến thăm Công viên Tưởng niệm hòa bình Hiroshima

TTXVN

Thứ hai, Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp về tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình cần được đề cao và cần được thực hiện bằng những cam kết cụ thể. Ông cũng kêu gọi các bên liên quan trong mọi cuộc xung đột giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán để tìm ra các giải pháp lâu dài, tính tới lợi ích chính đáng của các bên. Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, công bằng, công lý và lẽ phải.

Thứ ba, sự chân thành, lòng tin chiến lược và tinh thần trách nhiệm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay. Với Việt Nam, các giá trị đó thể hiện qua việc triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Các nhà lãnh đạo G7 và khách mời chia sẻ quan điểm về các vấn đề thời sự quốc tế có tác động đến hòa bình, ổn định của khu vực và toàn cầu; khẳng định cam kết cùng hành động để giải quyết các thách thức, kiềm chế leo thang căng thẳng tại các điểm nóng địa chính trị trên toàn cầu. Phiên họp đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực; nhấn mạnh cần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và khẳng định lại quan điểm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với UNCLOS 1982. 

Tối 21.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác về tới sân bay Nội Bài (Hà Nội). Thông tin về kết quả chuyến làm việc của Thủ tướng tại Nhật Bản và tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong hơn 2 ngày tại Nhật, Thủ tướng đã có 13 cuộc làm việc, trong đó có hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio; tiếp Thống đốc, Chủ tịch Hội đồng tỉnh Hiroshima, các nghị sĩ Quốc hội có khu vực bầu cử tại Hiroshima, các hội hữu nghị với Việt Nam, lãnh đạo các hiệp hội, tập đoàn lớn của Nhật Bản; dự và phát biểu tại Tọa đàm kinh doanh Việt - Nhật; gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản. Hai bên cũng thống nhất chủ trương hợp tác ODA thế hệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng chiến lược và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại sẽ là những định hướng trọng tâm của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản trong giai đoạn mới.

Thượng đỉnh Bộ tứ ra tuyên bố chung

Theo The Japan Times, lãnh đạo các nước Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ) trong tuyên bố chung sau cuộc họp ngày 20.5 tại TP.Hiroshima (bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng) đã đưa ra một loạt biện pháp mới nhằm tăng cường sự kết nối và cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các sáng kiến gồm quan hệ đối tác để tăng cường an ninh y tế, mạng cáp dưới biển, chương trình học bổng, cơ sở hạ tầng và kế hoạch triển khai Mạng truy cập vô tuyến mở (RAN) đầu tiên ở Thái Bình Dương.

Trong tuyên bố, các lãnh đạo Bộ tứ cam kết duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời phản đối các hành động đơn phương tìm cách thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Lãnh đạo 4 nước còn bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về việc quân sự hóa các thực thể tranh chấp, nỗ lực phá vỡ các hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các quốc gia khác. Nhóm Bộ tứ cũng nhấn mạnh rằng các nước đều có vai trò đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực, cũng như như tôn trọng luật pháp quốc tế.

Các chuyên gia nhận định cuộc gặp một lần nữa cho thấy sự linh hoạt của Bộ tứ. Cuộc họp đáng lẽ sẽ được tổ chức tại Úc vào tuần tới, nhưng đã được dời sang Nhật bên lề Hội nghị G7 để Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sớm về nước giải quyết khủng hoảng trần nợ. Điều này cho thấy rằng động lực của Bộ tứ vẫn rất lớn và việc rút ngắn cuộc họp không ảnh hưởng quá nhiều đến chương trình nghị sự.

Trong một diễn biến liên quan, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Biden ngày 21.5 đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Họ đã nói về mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên và cáo buộc cưỡng ép kinh tế từ Trung Quốc. 

Đông A

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.