Hòa bình ở Trung Đông chưa bao giờ gần như lúc này

08/04/2023 19:08 GMT+7

Một tương lai sáng sủa hơn đang ở rất gần với Trung Đông.

Sau nhiều năm rạn nứt, quan hệ ở Trung Đông đã có dấu hiệu hồi phục, mở ra triển vọng về một nền hòa bình lâu dài ở một trong những khu vực nhạy cảm nhất về chính trị. 

Triển vọng chấm dứt nội chiến ở Yemen

Hãng tin Reuters ngày 7.4 đưa tin các đặc phái viên Oman dự kiến đến thủ đô Sanaa (Yemen) vào tuần tới để làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn nhằm kết thúc nội chiến dai dẳng 8 năm qua ở Yemen.

Dự kiến, tham dự cuộc họp có đại diện phe nổi dậy Houthi có liên kết với Iran, và chính phủ Yemen, vốn được Ả Rập Xê Út hậu thuẫn. Oman, quốc gia có chung biên giới với Yemen, trong nhiều năm qua đã nỗ lực thu hẹp các bất đồng giữa các bên tham chiến.

Hòa bình ở Trung Đông chưa bao giờ gần như lúc này - Ảnh 1.

Binh sĩ chính quy Yemen khai hỏa tấn công lực lượng nổi dậy Houthi ở Marib, Yemen ngày 28.3.2021

REUTERS

Chính phủ Ả Rập Xê Út và Yemen chưa phản hồi các yêu cầu bình luận. Tuy nhiên, theo các nguồn tin của Reuters, nếu đạt được thỏa thuận, các bên có thể công bố trước kỳ nghỉ lễ Eid của người Hồi giáo bắt đầu từ ngày 20.4.

Thông tin trên là một dấu hiệu cho thấy một bước tiến lớn trong các cuộc đàm phán hòa bình do Oman khởi xướng ở Yemen, diễn ra song song với các nỗ lực hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở Yemen sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc ổn định Trung Đông và mở ra hy vọng đưa Yemen khỏi tình trạng đói nghèo. Ước tính, kể từ khi nội chiến bùng phát năm 2015, khoảng 80% dân số Yemen phải sống nhờ vào viện trợ nhân đạo.

Tình hình Trung Đông dần tươi sáng hơn

Ngoài ra, thông báo cũng được đưa ra trong bối cảnh Ả Rập Xê Út và Iran, hai quốc gia khác ở Trung Đông, đồng ý khôi phục quan hệ vào tháng trước sau nhiều năm thù địch và ủng hộ các bên đối lập trong các cuộc xung đột ở Trung Đông, bao gồm ở Yemen, theo Reuters.

Trong cuộc họp do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì tại Bắc Kinh, các đại diện Iran và Ả Rập Xê Út đã có 4 ngày đàm phán, từ ngày 6.3 đến ngày 10.3. Cuộc đối thoại đã dẫn đến một thỏa thuận cho phép hai nước tái thiết lập lại quan hệ ngoại giao và mở lại các đại sứ quán trong vòng 2 tháng, cũng như kiềm chế can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, theo tờ South China Morning Post. Thỏa thuận mang tính bước ngoặc này đã giúp Iran và Ả Rập Xê Út chấm dứt 7 năm đóng băng quan hệ.

Nhà nghiên cứu chính trị Salman Al-Ansari của Ả Rập Xê Út cho rằng Trung Đông đang chứng kiến “cơn sóng thần hòa bình” và nước ông hiện đang “gây chiến với chiến tranh”, theo trang Arab News.

Nhận định của ông Al-Ansari lặp lại quan điểm của của nhà lý luận chính trị người Iraq, Tiến sĩ Omar Abdulsattar, người từng nói: “Ả Rập Xê Út đang tiến hành một cuộc chiến chống lại chiến tranh".

“Ả Rập Xê Út đang tiến hành một cuộc chiến chống lại chiến tranh và điều đó thực sự đúng. Vương quốc đã củng cố quan hệ (với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh), sau đó nối lại quan hệ bình thường với Thổ Nhĩ Kỳ và bây giờ là với Iran, Syria và các nước khác”, ông Al-Ansari nhận định.

Tháng 1.2021, Hoàng tử Mohammed của Ả Rập Xê Út đã thúc đẩy việc thiết lập lại quan hệ song phương với Qatar. Thời điểm đó, Ả Rập Xê Út và Qatar đã nhất trí mở cửa trở lại các tuyến đường biên giới, và chính thức khép lại cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài 3 năm ở vùng Vịnh.

Theo ông Al-Ansari, Ả Rập Xê Út hiện đang vạch ra các mục tiêu một cách rõ ràng, đồng thời nhấn mạnh vị thế là một bên trung lập, không đứng về phía nào trong cuộc cạnh tranh toàn cầu nóng bỏng hiện nay. “Điều đó cho thấy một điều - rằng hòa bình là mục tiêu”, ông Al-Ansari nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.