Hóa chất ngâm giá đỗ tăng trưởng độc hại thế nào?

28/12/2024 08:07 GMT+7

Trong những năm gần đây, việc sử dụng hóa chất để sản xuất nông sản, đặc biệt là giá đỗ, đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại.

Benzylaminopurine, một loại hóa chất kích thích tăng trưởng, được các cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng để rút ngắn thời gian sinh trưởng và kéo dài thời gian bảo quản, giúp giá đỗ to, mập và đẹp mắt hơn. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài hấp dẫn đó là những hiểm họa khó lường đối với sức khỏe con người.

Vì sao benzylaminopurine được dùng để ngâm trong giá đỗ?

Bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Thanh Lịch (Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết, 6-Benzylaminopurine (BAP) là một loại cytokinin tổng hợp, có khả năng thúc đẩy sự phân chia tế bào và tăng trưởng ở cây trồng. Trong nông nghiệp, người ta dùng chất này để thúc hạt giống nảy mầm, giúp cây con mau lớn hay kích thích rễ, ngọn phát triển với liều lượng được khuyến cáo và tuân thủ quy chuẩn an toàn. Việc lạm dụng BAP hoặc dùng sai hàm lượng, sai mục đích có thể tạo ra các nguy cơ sức khỏe và ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Giá đỗ thông thường phải trải qua quá trình ngâm đỗ, ủ và chăm sóc cẩn thận; thời gian để thu hoạch kéo dài gần một tuần. Nhiều người muốn rút ngắn thời gian, đồng thời giúp giá đỗ có thân mập, ít rễ. BAP có thể thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn, hạt đỗ nảy mầm mạnh, giúp "tăng năng suất" và bắt mắt. Việc sử dụng BAP còn có lợi ích "đánh lừa" cảm giác của người tiêu dùng, khi giá đỗ trông trắng nõn, ít rễ, giòn và ngọt hơn bình thường.

"Người tiêu dùng cần cảnh giác với những loại giá đỗ ngâm chất tăng trưởng này vì khó phát hiện bằng mắt thường. Ngay cả khi đã rửa kỹ, giá đỗ vẫn có thể còn tồn dư một lượng nhỏ hóa chất nếu được ngâm hóa chất", bác sĩ Lịch chia sẻ.

Hóa chất ngâm giá đỗ tăng trưởng độc hại thế nào?- Ảnh 1.

Giá đỗ được sản xuất trong một cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm tại Đắk Lắk

ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP

Benzylaminopurine độc hại như thế nào?

Theo bác sĩ Lịch, các nghiên cứu cho thấy 6-Benzylaminopurine có thể gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe khi con người tiếp xúc hoặc ăn phải, bao gồm:

Ngộ độc cấp tính: Chất 6-Benzylaminopurine gây ngộ độc cấp tính, nếu ăn số lượng lớn thực phẩm được trồng từ loại hóa chất này trong thời gian dài có thể gây tử vong.

Rối loạn tiêu hóa: Việc cơ thể con người hấp thụ nhiều hóa chất này có thể kích thích niêm mạc, gây tổn thương thực quản và niêm mạc dạ dày và dẫn đến buồn nôn và nôn.

Ảnh hưởng hô hấp: Tiếp xúc lâu dài với các chất kích thích hô hấp có thể dẫn đến bệnh về đường hô hấp, gây khó thở, tổn thương phổi, viêm phổi, làm tăng nặng các bệnh về phổi, phế quản, thậm chí xơ phổi.

Gây tổn thương các cơ quan: Chẳng may khi tiếp xúc trực tiếp với 6-Benzylaminopurine có thể gây tổn thương mắt, da.

Cách chọn giá đỗ an toàn

Để chọn mua đúng giá đỗ sạch và an toàn, có thể dùng những cách sau:

Chọn giá có rễ nhiều và dài: Giá đỗ sạch và an toàn có nhiều rễ, rễ dài và phân nhánh. Giá ngâm hóa chất chỉ có một đoạn rễ rất ngắn sậm màu dưới thân.

Chọn giá đỗ ít mập và không đều nhau: Giá đỗ sạch thường có thân gầy, không bóng bẩy, thân cứng cáp và khó bị đứt gãy. Ngược lại thì giá đỗ được ngâm hóa chất thường mập mạp, to tròn, bóng bẩy, thân đều đặn và đẹp mắt nhưng lại rất giòn, dễ gãy.

Không nên chọn giá đỗ cọng dài bất thường: Thông thường khi lựa mua, ai cũng muốn mua những cọng giá to dài, tuy nhiên không nên lựa giá đỗ theo cách đó. Chỉ có giá đỗ tẩm thuốc mới có khả năng sinh trưởng vượt trội nhờ hóa chất, thân dài và to. Bên cạnh đó, theo các nghiên cứu thì giá càng dài lượng protein và dinh dưỡng trong đó càng ít.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.