Như trong bài Bảo vật quốc gia bằng vàng hình sen hay cúc? của Vũ Kim Lộc và Trần Đức Anh Sơn đăng trên Báo Thanh Niên ngày 11.4.2021, bộ đĩa vàng thời Lý và hộp vàng thời Trần có hình dáng của hoa cúc chứ không phải sen như trong hồ sơ đã ghi.
Tiếp đến trong bài viết này, tôi muốn nói thêm về hoa cúc còn liên quan đến rất nhiều vấn đề trọng đại của triều Nguyễn. Các vua Nguyễn đã chọn các chữ có bộ 日 (nhật: mặt trời) làm “tự danh” trước khi lên nối ngôi. Trên nhiều món đồ sứ, đồ pháp lam của triều Nguyễn, ngoài việc viết chữ 日 làm hiệu đề, còn sử dụng hình tượng hoa cúc như là vương huy của triều đại nhà Nguyễn. Không dừng ở đây, loại hoa này còn bao phủ lên hệ thống tiền và huân huy chương của triều Nguyễn nữa.
Tiền thưởng
Chính sử của triều Nguyễn Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi chép rất cụ thể về loại tiền này. Tiền được làm bằng vàng và bạc, thuộc loại hình kỷ vật cao quý của nhà vua ban thưởng cho các quan lại có công.
Một vài điển hình như tiền ở triều vua Minh Mạng và Tự Đức cho thấy tại tâm giữa của một mặt khi thì là hình ảnh mặt trời (ảnh 1), khi lại là hình hoa (ảnh 2, 3).
Qua xem xét hình hoa cho thấy được tả có nhiều cánh nhỏ giống như hoa cúc theo lối nhìn trực diện, các cánh hoa trông cũng như là các tia mặt trời. Có lẽ chính từ ý nghĩa và biểu tượng của loại hoa này mà triều Nguyễn đã đưa hình ảnh của hoa vào khắc họa trên tiền với mong muốn vương triều được trường tồn.
|
|
|
Huân huy chương
Hình như vấn đề này không được chính sử của nhà Nguyễn nói đến, và hiện nay duy nhất chỉ có một trang Wikipedia nghiên cứu về loại hình này được tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu của Pháp.
Đây là một loại hình tuy muộn nhưng là vương huy của triều Nguyễn, đó là Đại Nam Long Tinh, một loại huy chương xuất hiện ở thời vua Đồng Khánh (1885 - 1888), dưới sự bảo hộ của Pháp nhằm thay thế hình thức ban thưởng kim khánh, kim tiền cho những quan lại có công.
Một vài điển hình về Đại Nam Long Tinh như sau.
|
Loại thứ nhất (ảnh 4), trông như vừa là một bông hoa có nhiều cánh, và cũng vừa như là ngôi sao hay mặt trời có nhiều tia, ở giữa là hình bầu dục được phủ men xanh và khảm vàng bốn chữ Hán theo lối triện “Đồng Khánh hoàng đế”, bao quanh bốn chữ là hình mặt trời và rồng (phía trên, dưới và hai bên đều có hai rồng chầu nhật). Viền quanh phần men xanh là vòng men đỏ, rồi vòng men đỏ lại được viền quanh là sợi vàng. Tiếp đến là hình rồng màu xanh trông như ôm lấy hình bầu dục. Còn lại phần ngoài cùng là các tia xung quanh được bố cục cứ 5 tia thành 1 cánh lớn, và có tổng thể là 16.
Loại thứ hai (ảnh 5), phía trên là hình rồng màu xanh, ở dưới là hình vương miện kiểu châu Âu. Dưới cùng là phần chính của huy chương có hình trông cũng như vừa là hoa và cũng vừa tinh tú. Ở tâm giữa giống với loại thứ nhất nêu trên, khác ở chỗ là không có rồng ôm phần bầu dục. Phần ngoài cùng là các tia xung quanh nhưng ít hơn loại một nêu trên, và cũng được bố cục như loại 1, tổng thể có 8 cánh lớn.
|
Với khảo tả nêu trên, qua nghiên cứu cho thấy tổng quan của huân chương khá giống với một bông hoa có nhiều cánh nhỏ như loài cúc theo lối nhìn trực diện, và cũng khá giống với ngôi sao hoặc mặt trời có nhiều tia. Khi đối chiếu với hoa cúc và mặt trời trên tiền thưởng (ảnh 1, 2, 3) cho thấy các tia ở huân chương cũng là dạng cánh cúc, ngoài độ ngắn dài khác nhau ra trên mỗi tia còn được tạo rất nhiều các chấm nổi nhỏ có hình như tam giác, và đây chính là cách diễn tả các đầu cánh chồng chồng lớp lớp của hoa. Còn trung tâm của huy chương có hình bầu dục biểu đạt cho hoàng đế là được cách điệu từ phần nhụy hoa.
Nhìn chung các dấu hiệu về hoa cúc và cũng vừa là sao và mặt trời mà nghệ nhân xưa thể hiện là rất rõ.
Bình luận (0)