Hóa đơn điện nóng theo thời tiết

07/04/2021 06:22 GMT+7

Hàng trăm câu hỏi với rất nhiều vấn đề liên quan đến điện đã được bạn đọc gửi đến buổi tọa đàm do Báo Thanh Niên tổ chức hôm qua 6.4.

Dù chủ đề buổi tọa đàm do Báo Thanh Niên tổ chức hôm qua 6.4 là tư vấn các giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả, an toàn nhưng hàng trăm câu hỏi với rất nhiều vấn đề liên quan đến điện đã được bạn đọc gửi đến đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty điện lực miền Nam (EVNSPC) và Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVNHCMC).
Điện chưa bao giờ hết nóng, nhưng điều thay đổi đặc biệt là ngành điện đã chủ động đối thoại, tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng tất cả những vấn đề liên quan đến mặt hàng thiết yếu này.

Không tăng giá điện ở thời điểm này

“Trời nóng, điện tăng. OK. Vậy hóa đơn tiền điện tăng dựa vào thời tiết hay là dựa vào mức sử dụng thực tế của khách hàng?”, bạn đọc Dương Hoàng Quân (Bình Thuận) hỏi. Bạn đọc Phạm Hưng (Bà Rịa-Vũng Tàu) phân tích: “Năm ngoái thời gian này là cách ly toàn xã hội, hóa đơn tiền điện tăng vọt. Năm nay không có chuyện cách ly vì Covid-19, tại sao công ty lại có cảnh báo này? Có phải sắp tới chúng tôi lại tiếp tục trả tiền điện hóa đơn tăng 50 - 100% không?”.
Trả lời những thắc mắc của người dân, ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc EVNSPC, khẳng định: Hóa đơn tiền điện hằng tháng được xác lập trên cơ sở điện năng tiêu thụ của khách hàng. Nghiên cứu cho thấy, cứ ngoài trời tăng thêm 1 độ thì sản lượng điện tiêu dùng tăng từ 2,5 - 3%.
Việc khuyến cáo sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả vào mùa nắng nóng hằng năm là đúc kết kinh nghiệm từ việc theo dõi, vận hành qua nhiều năm của ngành điện với mục đích muốn khách hàng chủ động hơn trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Vào mùa nắng nóng, lượng điện tiêu thụ cao hơn mùa khác từ 30 - 50%.
Đặc biệt tăng cao là do phụ tải sinh hoạt, dịch vụ. Chẳng hạn, trong tháng 3, công suất tăng cực đại của EVNSPC trên phạm vi 21 tỉnh thành phía nam (trừ TP.HCM) đạt 11.423 MW, so với tháng 2 tăng 12,2%, so với tháng 1 tăng hơn 11%. Sản lượng tiêu thụ tháng 3 đạt 7,6 tỉ kWh. Nếu so với tháng 2 tăng 17%, so với tháng 1 tăng 11,5%.
Trả lời về câu hỏi xoay quanh giá điện giờ cao điểm, thấp điểm, Trưởng ban Kinh doanh EVN - ông Nguyễn Quốc Dũng - cho biết: Mục tiêu sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt thì giá điện tính theo bậc thang. Còn với đối tượng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt và, sử dụng công tơ 3 giá thì mới áp dụng giá điện giờ cao điểm, thấp điểm và giờ bình thường.
Một ngày sẽ có 5 giờ cao điểm, gồm từ 9 giờ 30 - 11 giờ 30 và từ 17 - 20 giờ từ thứ hai - thứ bảy. Riêng chủ nhật không có giờ cao điểm. Giờ thấp điểm là từ 22 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau, còn lại là giờ bình thường.
“Điều này minh chứng cho quy luật cứ vào mùa khô, từ tháng 3 kéo dài đến tháng 6, đẩy hóa đơn tiền điện tăng cao”, ông Nguyễn Văn Lý phân tích và nhấn mạnh, năm 2021 ngành điện dự báo nắng nóng gay gắt làm tăng cao sản lượng điện tiêu thụ.
Đặc biệt, không ít bạn đọc tỏ ra nghi ngờ “việc cảnh báo tiêu thụ điện tăng, có phải ngành điện “dọn đường” để tăng giá điện trong thời gian tới”. Về việc này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), khẳng định không có việc điều chỉnh giá điện vào thời điểm này và từ tháng 3.2019 đến nay, Bộ Công thương vẫn điều hành giá điện theo Quyết định 648 đã công bố.

TRỰC TUYẾN: Sử dụng điện mùa nắng nóng hiệu quả, tiết kiệm, an toàn

Vẫn khuyến khích năng lượng tái tạo

Một vấn đề được rất nhiều bạn đọc quan tâm, gửi câu hỏi đến lãnh đạo ngành điện xuất phát từ thông tin sản lượng điện tại các nhà máy điện mặt trời đang thừa, phải hạn chế phát nhưng ngành này lại kêu gọi người dân sử dụng tiết kiệm có phải quá vô lý?
Ông Nguyễn Anh Tuấn phân tích, chính sách của nhà nước luôn khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Thế nhưng, trong thời gian qua ở một số khu vực đã xảy ra hiện tượng quá tải đường dây. Đặc biệt điện mặt trời có công suất không ổn định, chỉ tập trung phát vào một số giờ cao điểm từ 10 giờ sáng đến 15 - 16 giờ chiều.
“Do yếu tố không ổn định và phát triển nóng nên bị quá tải đường dây buộc EVN phải hạn chế công suất phát của một số nhà máy điện mặt trời. Việc này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, còn chính sách chung của nhà nước vẫn khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Thế nên, chính sách tiết kiệm năng lượng là hết sức quan trọng của Chính phủ. Từ năm 2010 Chính phủ đã ban hành luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, trong đó quy định thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả... Điều đó phải được xem là quốc sách và người dân nên áp dụng nhiều giải pháp, kinh nghiệm được các chuyên gia chia sẻ để tiết kiệm điện cho chính gia đình mình và cho đất nước”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Về câu chuyện tiết kiệm điện, ông Luân Quốc Hưng, Phó tổng giám đốc EVNHCMC, đã cầm điện thoại lên hướng dẫn người tiêu dùng cách cài app để tiện theo dõi lượng điện sử dụng từng ngày, rất đơn giản và minh bạch. “Thậm chí, việc cài đặt ứng dụng này cũng giúp ngành điện chăm sóc khách hàng tốt hơn, gửi thông báo những thông tin mới về dịch vụ điện, cảnh báo về giông lốc...”, ông Hưng vừa thao tác vừa nói.
Cũng theo ông Hưng, từ năm 2012, EVNHCMC đã thành lập trung tâm chăm sóc khách hàng đầu tiên của cả nước và chỉ cần có một số điện thoại, khách hàng có thể phản ánh tất cả dịch vụ về điện, thay vì phải nhớ số điện thoại của từng công ty điện lực như trước.

Nguy cơ thiếu điện là không lớn

“Nhu cầu tăng vào mùa nắng nóng, liệu có xảy ra tình trạng cắt điện luân phiên không?”, một bạn đọc thắc mắc. Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, khẳng định năm nay áp lực lên ngành điện về thiếu điện là không lớn. Bởi từ năm 2019 đến nay, với những ưu đãi của Chính phủ, ngành điện đã có sự tăng trưởng mạnh về quy mô công suất, có hơn 70.000 MW, đặc biệt trong năm 2020, năng lượng tái tạo tăng lên 14.000 MW. Với số lượng 70.000 MW, Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 22 thế giới nhưng tiến rất sát quốc gia đứng đầu khu vực.
“Trong bối cảnh dịch Covid-19, điện sản xuất và tiêu dùng có giảm đi so với những năm trước nên áp lực lên ngành điện không cao. Mặc dù có dự phòng lớn của ngành điện nhưng chúng tôi cũng theo dõi sát sao, kịp thời và chủ động. Ngoài ra, ngành cũng đã nâng cấp lưới điện vào cuối năm 2020. Với sự chuẩn bị như hiện nay, nếu không có trường hợp gì đặc biệt và rất đặc biệt thì ngành điện đảm bảo an toàn trong năm 2021 và những năm tiếp theo”, ông Lâm khẳng định.
Ông Luân Quốc Hưng, Phó tổng giám đốc EVNHCMC, nói thêm hiện nay người dân TP.HCM hầu như không còn cảm giác bị mất điện. Theo số liệu, cách đây 5 năm, thời gian mất điện trung bình 1 khách hàng còn là 500 - 600 phút/năm thì đến năm 2020, mỗi khách hàng trên địa bàn thành phố chỉ còn mất điện trung bình 40 phút/năm. Thời gian mất điện đã gần tiệm cận thế giới, so sánh với hạ tầng của các nước tiên tiến trên thế giới.

Bí kíp đơn giản tiết kiệm điện

Tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Dáo, nguyên Trưởng khoa Điện - Điện tử (ĐH Tôn Đức Thắng), cho biết có những “động tác” rất đơn giản mà đôi khi người tiêu dùng bỏ qua khiến điện năng tiêu thụ của gia đình tăng mà không biết.
Trong việc sử dụng máy lạnh, theo TS Nguyễn Dáo, các hãng sản xuất máy điều hòa nhiệt độ đều có công suất xuất xưởng, ví dụ nhiệt độ ngoài trời là 350C, thì trong nhà là 270C, nếu tăng hoặc giảm nhiệt độ sẽ ảnh hưởng đến công suất lạnh của máy. Quy định chuẩn của máy lạnh là nếu nhiệt độ ngoài trời tăng lên 10C thì công suất lạnh giảm 1,5%. Nếu nhiệt độ trong nhà là 270C nhưng khi giảm xuống 260C là công suất lạnh sẽ giảm đi 4%, tức mất 4% của 2 kWh.
“Việc liên tục thay đổi nhiệt độ sẽ ảnh hưởng lớn tới máy lạnh, làm tiêu tốn điện năng. Cơ chế hoạt động của máy điều hòa là hoạt động không liên tục, chạy rồi dừng theo nhiệt độ bên ngoài nên nếu để chạy liên tục như vậy thì càng ngày điện năng tiêu hao càng nhiều hơn do chạy lâu máy nóng, giải quyết không được việc làm mát cho máy thì chu trình làm việc của các mô chất trong máy sẽ không ổn định nữa. Tức chạy nhiều sẽ tổn hao năng lượng càng nhiều”, TS Nguyễn Dáo phân tích.
Do đó, để tiết kiệm, không nên đặt nhiệt độ trong nhà quá thấp, điều kiện sống thích hợp của con người khoảng từ 23 - 260C, mùa hè nên đặt tối đa là 260C. Thứ hai là sử dụng các giải pháp che cửa sổ từ phía ngoài, dán phim cách nhiệt lên kính… cũng có thể tiết kiệm được 50% điện năng khi sử dụng máy lạnh. Thứ ba, không nên mở cửa nhiều và sử dụng quạt hút liên tục hoặc công suất lớn vì gió bên ngoài mang nhiều hơi nóng, kéo theo tiêu tốn thêm điện năng để làm mát lại căn phòng. Một chi tiết được chuyên gia này nhắc đi nhắc lại nhiều lần tại tọa đàm là nên tắt hoàn toàn công tắc điện dẫn vào những thiết bị điện, điện tử khi ra khỏi nhà. Các tòa nhà văn phòng sử dụng hệ thống lạnh trung tâm nên chú ý quản lý không để một khu vực hạ nhiệt độ quá thấp kéo theo tiêu hao năng lượng lớn cho cả hệ thống.
“Mua 1 cái máy điều hòa không khó vì nó có hơn chục triệu, nhưng nếu dùng máy đó 1 tháng trả 1 triệu tiền điện thì 10 tháng là bằng vốn. Cho nên đừng tiếc tiền mua máy tốt, thậm chí máy VRV đắt gấp đôi cũng đáng vì điện năng tiêu tốn chỉ bằng 30% máy on - off cho nên tiết kiệm rất nhiều”, TS Nguyễn Dáo chia sẻ thêm.

Người ở trọ chỉ phải trả giá điện sinh hoạt từ 1.800 - 2.000 đồng/kWh

Liên quan đến thắc mắc về giá điện cho người thuê nhà khi chủ nhà trọ đang thu đến 3.500 đồng/kWh là đúng chưa, ông Nguyễn Phú Vĩnh (ảnh), Trưởng ban Kinh doanh Công ty điện lực TP.HCM, cho biết:
Từ năm 2008, ngành điện đã có chính sách làm sao để bán điện cho người lao động với giá theo đúng quy định. Trước đây có tình trạng chủ nhà thu giá cao hơn nên điện lực TP.HCM đã yêu cầu các chủ nhà trọ đăng ký số người ở để bán trực tiếp giá điện theo quy định. Hiện có hơn 100.000 hộ tại TP.HCM cho thuê và có khai báo với khoảng 1,5 triệu người ở trọ và đều được áp dụng theo đúng giá điện chung. Cứ 4 người thuê nhà trọ đều được áp dụng giá điện sinh hoạt theo bậc thang. Còn những khu vực không xác định được số lượng người ở vì thay đổi thường xuyên thì Bộ Công thương cũng đã hướng dẫn. Giá sinh hoạt bình quân là 1.700 - 1.800 đồng/kWh. Quy định cũng cho phép chủ nhà cộng thêm 10% chi phí công cộng nữa. Vì vậy nếu đúng một người ở trọ chỉ phải trả giá điện sinh hoạt từ 1.800 - 2.000 đồng/kWh. Nếu chủ nhà thu lên đến 3.500 đồng/kWh là sai với quy định và công ty điện lực sẽ kiểm tra cụ thể và báo cáo Sở Công thương có chế tài.
Trong quá trình sử dụng, nếu có những vấn đề liên quan về đo đếm, tính tiền điện…, người tiêu dùng hãy phản ánh qua tổng đài và chúng tôi đều ghi nhận, liên hệ, xử lý trong vòng 24 giờ.

Tại sao giá điện chỉ có điều chỉnh tăng mà không giảm?

Trả lời câu hỏi “Tại sao trong thời gian qua giá điện chỉ có điều chỉnh tăng mà không giảm?”, ông Nguyễn Anh Tuấn (ảnh), Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), cho biết:
Việc điều hành giá điện được thực hiện theo Quyết định 24/2017 của Chính phủ, theo chi phí thị trường. Tuy nhiên trong thời gian qua, chúng ta chỉ mới điều chỉnh tăng mà chưa giảm là vì các lý do như sau: Trong thời gian dài giá điện phụ thuộc vào giá các nguồn năng lượng sơ cấp như than, điện, khí và trong thời gian qua giá các nguồn năng lượng này đều tăng. Nếu theo dõi Thái Lan, Singapore là những nước đã hoàn toàn theo 100% giá thị trường thì xu hướng giá điện cũng tăng do chi phí đầu vào tăng, trừ năm 2020 do ảnh hưởng Covid-19 là giảm. Hằng năm chúng tôi đều kiểm tra giá thành của EVN, nhưng chủ yếu sản lượng vẫn được khai thác từ các nguồn năng lượng truyền thống và áp dụng cơ chế giá thị trường nhìn chung đều tăng. Thứ hai, một phần giá khí hay than nhập khẩu, giá dầu đều phụ thuộc vào thế giới và phụ thuộc vào tỷ giá, chủ yếu là USD và đều có xu hướng tăng nên làm tăng giá điện. Thứ ba, trước năm 2016 chênh lệch tỷ giá tương đối nhiều và thậm chí vẫn còn treo khoản chênh lệch đó và hiện vẫn còn tiếp tục xử lý trong thời gian tới. Tiếp theo một khoản phí khác như phí môi trường đánh vào xăng, chi phí dịch vụ môi trường rừng cho nhà máy thủy điện cũng gia tăng làm giá thành điện tăng.
Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp triệt để tiết kiệm chi phí; có các giải pháp ứng dụng công nghệ số nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí giá thành để có cơ sở giảm giá điện. Về phía người dùng, nếu sử dụng tiết kiệm điện hiệu quả thì chi phí sẽ giảm và cũng hạn chế việc huy động các nguồn điện đắt tiền, để giảm giá điện nói chung. Việc xử lý các khoản chi phí còn treo lại thì sẽ theo hướng tuân thủ quy định của Chính phủ. Nếu các chi phí đầu vào giảm, chúng tôi sẽ trình kế hoạch điều chỉnh giảm giá điện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.