Lăng kính bạn đọc:

Hóa đơn tiền điện và những góp ý

M.Giao
(tổng hợp)
07/09/2023 05:29 GMT+7

Nhiều bạn đọc bất ngờ với hóa đơn tiền điện tháng 8.2023 tăng cao, và bày tỏ những thắc mắc, góp ý xung quanh việc thay đổi về ghi chỉ số điện…

Như Thanh Niên thông tin, sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, sáng 5.9, nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên tại TP.HCM phản ánh hóa đơn tiền điện tháng 8 tăng vọt gấp 2 - 3 lần. Bà Nguyễn Tú Anh (ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết tiền điện nhà bà từ 281 kWh/tháng, nay vọt lên 516 kWh. "Tháng cao điểm nhất cũng khoảng 600.000 đồng, nay lên 1,184 triệu đồng", bà Tú Anh nói.

Hóa đơn tiền điện và những góp ý - Ảnh 1.

Người dân lo ngại hóa đơn tiền điện đang âm thầm tăng

NHẬT THỊNH

Trên các diễn đàn cư dân các quận, huyện ở TP.HCM, nhiều người bày tỏ bức xúc vì hóa đơn tiền điện từ sau kỳ nghỉ lễ phải đóng quá cao. Đa số cho biết tăng gấp đôi số tiền đóng tháng trước.

Chiều 5.9, ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), cho biết hiện tổng công ty đã cơ bản hoàn thành việc thay, gắn công tơ có chức năng đo từ xa cho khách hàng, nên hệ thống sẽ tiến dần đến việc ghi chỉ số điện vào ngày cuối tháng để khách hàng dễ nhớ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện đúng quy định kế toán. Thông thường trước khi thực hiện thay đổi ngày ghi chỉ số, EVNHCMC sẽ thông báo tới khách hàng thời gian thực hiện cụ thể và giải thích chi tiết các thay đổi về sản lượng điện tiêu thụ và tiền điện trong tháng.

Việc tính toán giá điện tuân thủ đúng Thông tư số 16. Cụ thể, một số khách hàng lẽ ra được ghi điện từ ngày 3 - 20.8 và thu tiền trong khoảng từ ngày 6 - 25.8, nhưng được dời về cuối tháng. Thế nên ngày sử dụng điện trong kỳ hóa đơn tháng 8 lẽ ra là 31 ngày thì sẽ tăng thêm từ 11 - 28 ngày, tương ứng với lịch thanh toán cũng dời về đầu tháng 9. Như vậy, số tiền tương ứng cũng tăng theo vì kỳ này hóa đơn được tính cho 39 - 51 ngày sử dụng điện của khách hàng.

"Ngành điện khẳng định là đơn giá và định mức bậc thang vẫn không thay đổi, tính đúng theo quy định hiện hành. Đối với khách hàng sử dụng mục đích sinh hoạt thì định mức được tính theo số ngày sử dụng", ông Bùi Trung Kiên khẳng định.

"Thêm mười mấy ngày, tiền điện gấp đôi"

Nhiều bạn đọc (BĐ) đã bất ngờ khi trông thấy hóa đơn tiền điện tháng 8.2023. Anh Đ.Phong than: "Tôi đóng tiền điện qua chuyển khoản, thường thì ngày 17 - 19 hằng tháng sẽ đóng. Tháng 8 này, lần nào tôi vào để đóng tiền cũng thấy báo "Hiện tại quý khách không có hóa đơn nào cần thanh toán", cứ nghĩ ngành điện chắc cho qua lễ rồi đóng. Thế rồi một ngày đầu tháng 9, trông thấy hóa đơn lên đến 3,254 triệu đồng tôi muốn "chết đứng" luôn (tiền điện tháng 7.2023 của nhà tôi là 1,773 triệu đồng), tăng gần gấp đôi còn gì?".

Cùng ý kiến, BĐ có nickname là zs8uNyx cho biết: "Tháng rồi (tháng 7) tôi xài có 1,066 triệu, tháng này (tháng 8) tăng thành 2,2 triệu. Chỉ thêm có mười mấy ngày nhưng tiền điện thì gấp đôi".

Trong khi đó, BĐ Hoàng đặt câu hỏi: "Tại sao điện lực không chốt ngắn ngày lại, mà chốt dài ngày ra ? Ví dụ, nhà tôi chốt chỉ số điện hằng tháng là ngày 3, ngày 29.8 tôi nhận được thông báo thay đổi ngày đến cuối tháng 9.2023. Tại sao điện lực không chốt chỉ số điện vào ngày 29.8 (tính chỉ số điện từ 3 - 30.8 = 27 ngày) mà dời đến cuối tháng 9.2023? Vậy gia đình tôi chốt chỉ số điện xấp xỉ 2 tháng (thiếu 3 ngày), do vậy chỉ số điện tăng gấp đôi, tiền điện trả cũng phải tăng... Ôi lại đẩy cái khó cho người tiêu dùng rồi".

Bộ Công thương lên tiếng về giá điện mới 'gánh' khoản lỗ cũ của EVN

Những góp ý cho ngành điện

"Tháng 8, tiền điện nhà tôi tăng gần gấp đôi, dù thời gian chốt chỉ số điện chỉ hơn mười mấy ngày. Thôi thì lãnh đạo EVNHCMC đã giải thích và khẳng định "đơn giá và định mức bậc thang vẫn không thay đổi, tính đúng theo quy định hiện hành" thì biết nói gì nữa? Tôi chỉ xin chân thành góp ý: Ngành điện nên có kế hoạch tuyên truyền thật hiệu quả đến mọi khách hàng khi có bất cứ sự thay đổi gì, ví dụ như việc thay đổi ngày chốt chỉ số điện như mới đây. Nên thêm việc lên báo, lên truyền hình, phát thanh, mạng xã hội… để giải thích cụ thể, rõ ràng cho mọi người nắm bắt được, thay vì chỉ gửi đúng 1 cái tin nhắn SMS không dấu dễ dàng bị chìm vào biển tin nhắn (nhất là tin nhắn rác) khiến khách hàng rất dễ bị sót lọt", BĐ Van Bach bày tỏ.

BĐ Lộc Huỳnh thì nêu thắc mắc: "Mặc dù sinh hoạt hằng ngày của gia đình luôn ổn định nhưng lượng điện tiêu thụ hằng ngày không đồng nhất, nếu có chênh lệch do thời tiết thì cũng vài kWh nhưng thực tế lại có chênh lệch rất nhiều, có ngày đến 25 kWh, có ngày 15 - 16 kWh. Đề nghị điện lực kiểm tra lại đồng hồ xem có sự cố gì không?".

"Nếu như trong hóa đơn tiền điện tháng 8 vừa rồi ngành điện ghi thành 2 dòng: dòng 1 ghi chỉ số điện tiêu thụ bình thường (không tính số ngày tăng thêm) và thành tiền; dòng 2 ghi chỉ số điện tiêu thụ tăng thêm (chỉ tính số ngày tăng thêm) và thành tiền. Khi cầm hóa đơn, khách hàng sẽ thấy rõ ràng và hiểu ngay, tránh được nhiều thắc mắc", BĐ Van Minh nêu ý kiến.

* Điện tăng giá, gạo tăng giá, xăng tăng giá, lương thì không nhúc nhích, có khi còn bị cắt giảm.

Tu Nguyen

* Ngành điện tính toán thế nào là việc của ngành điện. Tính kiểu gì thì khách hàng cũng phải chịu và sử dụng thôi.

Tien Hung

* Chưa bao giờ xài trên 400 kWh mỗi tháng. Tháng này (8.2023) cộng dồn lên 516 kWh.

Nguyen Vu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.