Hoa đồng nội không cần phân thuốc tưới tắm, không tốn thời gian chăm sóc mà cứ thế lớn lên ra dáng ra hình, tạo hương tạo vị.
Hoa đồng nội - cái tên bình dị không phải là tên của một thứ bông nào cả mà là tên gọi chung của nhiều thứ bông hoang dại hoặc được trồng một cách dễ dàng trên đồng ruộng quê hương. Mỗi loại là một sắc màu, hình dáng, tên gọi, chúng cứ hồn nhiên mọc lên rồi tươi tốt giữa đất trời điểm tô cho cảnh sắc miền quê thêm phần tươi mới dễ thương, quyến rũ vô cùng nhưng vẫn vẹn nguyên cái chân chất nơi đây.
Bông dâm bụt màu đỏ phớt hồng nở tươi rói giữa màu xanh của lá, rực hồng trong nắng. Cô nhỏ tinh nghịch hái xuống vuốt những cánh hoa rồi cười chúm chím thương quá đi thôi. Những bờ đê có hoa mười giờ tươi thắm đúng hẹn là hé mình xinh xắn. Các loài hoa đồng nội không chỉ giữ đất giữ bờ để trang trí cho miền quê mà còn góp ngon góp ngọt, góp những kỷ niệm nhẹ nhàng vào nền văn hóa ẩm thực của miền quê sông nước.
Bông điên điển nấu canh chua với cá linh hay xào với tép, trộn gỏi, nhúng lẩu mắm thì không chê được |
Hoàng Giám |
Nếp sống của người phương Nam hay thiệt: Không cần cao sang chỉ mong đời an nhàn vui vẻ là đủ rồi. Bữa cơm quê có món ngon từ bông bí với tình nghĩa vợ chồng gắn bó keo sơn. Bông bí hái vào lặt sạch rồi luộc qua nước sôi chấm với nước cá kho thì hao cơm dữ lắm. Cầu kỳ hơn là bông bí xào tép sẽ chinh phục vị giác con người bằng vị ngọt đê mê của bông của tép để khi ăn không bao giờ ngán.
Điên điển cũng có màu vàng, chùm hoa nhỏ nằm đung đưa trên mặt nước tự do khoáng đãng. Bông điên điển nấu canh chua với cá linh hay xào với tép muỗi, trộn gỏi, nhúng lẩu mắm thì không chê được. Màu vàng của bông chỉ xuất hiện trong mùa nước nổi nên không phải muốn ăn là có, có tiền chưa chắc mua được. Màu vàng rực rỡ tươi mới làm nên nét chấm phá trong màu sắc của mùa lũ phương Nam.
Sông chở nặng phù sa, sông mang theo tôm cá, sông là ngôi nhà nương náu của lục bình. Lục bình trôi nổi nhưng khi nở bông khiến bao người vương vấn. Bông lục bình tím một màu man mác, cái màu tím hiền lành chân chất của nhà quê gây bao mê đắm. Bông lục bình xào tỏi, nấu canh chua, nhúng lẩu thì ngon mê quên đường về. Nhất là món cá tra kho chao với lục bình vừa giòn vừa xốp.
Trên đời ai không thích sự ngọt ngào nhưng khi đến đây thì dường như mọi vị giác con người đều được đánh thức. Lần đầu tiên thưởng thức bông, lá sầu đâu trộn với khô sặc chiên. Vị đắng thanh của lá sầu đâu, vị chua chua ngọt ngọt của nước mắm me kết hợp cùng mùi thơm lừng của khô cá sặc tạo nên một món ăn tuy đơn giản nhưng không ai cưỡng lại được.
Màu nâu tím của bắp chuối xắt mỏng cùng với ít chanh trộn với ốc quê nhâm nhi cùng hàng xóm thì quên nhà luôn. Bắp chuối xào, bắp chuối luộc chấm nước cá kho. Những hôm ăn chay sẽ được thưởng thức bắp chuối nhúng bột chiên giòn, giản đơn mà ngon miệng. Cái bắp chuối bình dân không khoe sắc tỏa hương như các loài bông khác, nó thầm lặng nhưng vị ngon dâng cho đời thì không thua bất cứ loài hoa nào.
Bông so đũa trắng muốt hòa cùng màu xanh quê hương được chế biến thành những món ăn đậm chất đồng quê sông nước. Chùm bông so đũa trắng nhìn từ xa giống như những chùm mây nhỏ đung đưa giữa màu lá xanh, giữa trời quê yên ả, rung rinh theo những cơn gió ùa qua. So đũa đem xào, nấu canh, nhúng lẩu món nào cũng ngon đặc trưng. Canh chua tép bạc nấu với bông so đũa, lá bạc hà là món tôi nghiện nhất. Cái vị chua ngọt nhẹ nhàng, cái thanh mát của rau, cái vị nhẫn của bông so đũa mang đến cảm giác lạ, vị giác kích thích.
Món lẩu mắm ngoài cá tôm mắm thì các loại rau đặc trưng của xứ này không thể thiếu: bông súng, điên điển, rau muống, bông so đũa, rau đắng, rau dừa. Tất cả tạo nên món lẩu mắm trứ danh của mảnh đất này. Ai đã từng đến đây, từng thưởng thức món ăn bình dị mang hương đất vị đồng, mang màu bông xứ sở thì chắc chắn sẽ không quên được mùi canh chua điên điển ngây ngất, dĩa bông bí xào tép ngọt ngẩn ngơ, tô canh chua bông so đũa nhẫn nhẫn ăn rồi ghiền, nhớ vị chát chân phương của cái bắp chuối quê hương khiến ai cũng thèm cũng nhớ.
Bông quê đồng nội tuy quê mùa nhưng lại có danh có phận rõ ràng.
Bình luận (0)