Xuyên suốt sự nghiệp, Trần Phúc Duyên đã có hơn 20 trưng bày lớn nhỏ ở Việt Nam và châu Âu, nhưng Họa Duyên tương ngộ là triển lãm có quy mô phổ quát nhất, trưng bày hầu hết các tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng trong nước, với đủ loại chất liệu: sơn mài, lụa, khắc gỗ và phác thảo, bao gồm các tư liệu riêng tư, cá nhân của cố họa sĩ và gia đình.
Theo giám tuyển triển lãm Ace Lê: "Giao ngộ đặc biệt nhất có lẽ được ẩn trong kết hợp Đông - Tây đặc trưng trong cả kỹ thuật, đề tài và triết lý chỉ có ở sáng tác của Trần Phúc Duyên. Ông là người đầu tiên khéo léo hòa quyện cả hội họa hàn lâm của Tây phương và lối vẽ thủy mặc văn nhân họa của Đông phương, đem bày lên mặt tranh sơn mài Việt. Sau nửa thế kỷ miệt mài nghiền ngẫm và thực hành, họa sĩ đã chắt lọc ngôn ngữ thị giác từ tạo hình trang trí xuống còn trừu tượng tối giản, thông qua đó nâng tầm biểu đạt của sơn mài Việt lên cùng đẳng cấp với sơn dầu phương Tây".
Sau 71 năm kể từ lần triển lãm tại Sài Gòn vào tháng 1.1952, Trần Phúc Duyên đã chính thức "trở về" Việt Nam trong một sự kiện văn hóa giàu màu sắc di sản. Tại 2 tầng triển lãm này giới thiệu cùng lúc hơn 100 tác phẩm và tư liệu tiêu biểu cho sự nghiệp của Trần Phúc Duyên. Lần lượt dẫn người xem đi qua 9 không gian trưng bày, triển lãm kể câu chuyện cuộc sống và sáng tác của người họa sĩ, từ khi tốt nghiệp ở Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 16 (1942-1945), mở xưởng tại Hà Nội (1948 - 1954), đến khi di cư sang Pháp (1954-1968), Thụy Sĩ (1968-1993) và mất tại đó.
Từ khi rời quê hương năm 1954 cho đến khi mất, Trần Phúc Duyên chưa quay lại Việt Nam lần nào. Sau khi ông qua đời năm 1993, toàn bộ tranh, phác thảo, tài liệu, giấy tờ, sổ sách ghi chép của ông được đóng thùng và lưu tại một nhà kho ngoại ô thủ đô Thụy Sĩ, nơi ông từng sống và làm việc từ năm 1968.
Năm 2017, các tác phẩm của ông được giới thiệu tại Bern, Thụy Sĩ, trong triển lãm Kho báu bị bỏ quên, nơi bộ đôi nhà sưu tập Phạm Lê (Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh) lần đầu may mắn tiếp xúc. Từ đây, khởi đầu hành trình hồi hương di sản nghệ thuật bị "ngủ quên" trong yên bình, tĩnh lặng suốt 24 năm, để rồi mở ra cuộc triển lãm hồi cố đầy xúc động này.
Danh họa Trần Phúc Duyên sinh ngày 16.2.1923 tại Hà Nội. Bố ông là Trần Diễn Giệm, một thành viên sáng lập của Hội An Nam chấn hưng mỹ thuật và kỹ nghệ. Xưởng gỗ Phúc Mỹ của cụ Giệm giành giải nhất tại đấu xảo mỹ nghệ Khai Trí Tiến Đức (1923), tiếp đó tham gia Triển lãm nghệ thuật trang trí quốc tế (1925) và Triển lãm thuộc địa quốc tế (1931).
Lớn lên trong một gia đình nghệ nhân, Trần Phúc Duyên yêu thích hội họa từ nhỏ. Năm 1942, ông thi đỗ vào trường Mỹ thuật Đông Dương, chuyên khoa sơn mài. Các bạn đồng khóa với ông có Quang Phòng, Đinh Minh, Cao Xuân Hùng, Lê Phả, Nguyễn Văn Thanh, Phan Thông và Võ Lăng. Khóa học của ông không có cơ hội hoàn thành hết chương trình học 5 năm, vì trường phải đóng cửa năm 1945, sau ngày Nhật đảo chính Pháp.
Mặc dù sống tại châu Âu, chủ đề về quê hương Việt Nam vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của Trần Phúc Duyên. Khi sang xứ lạ, họa sĩ mang theo hành trang của mình nhiều phác thảo và nghiên cứu tái hiện hình ảnh cuộc sống và con người Việt Nam, làm tiền đề cho nhiều tác phẩm quan trọng, khắc họa cuộc sống yên bình ở nông thôn Bắc bộ như trong bức đại cảnh Về chợ (1964) vẽ chùa Mía cổ kính mà trù phú; hay các thiếu nữ thành thị Bắc - Trung - Nam duyên dáng trong tà áo dài tân thời Le Mur mà tiêu biểu nhất là loạt tác phẩm Hòa Ân (1961-1980), được thực hiện trong 2 năm với nghệ thuật khảm trứng đặc sắc của Việt Nam trong sơn mài Trần Phúc Duyên.
Thanh Niên xin giới thiệu thêm một vài tác phẩm tuyển chọn của danh họa Trần Phúc Duyên đang giới thiệu tại triển lãm vừa khai mạc (và kéo dài đến 6.8):
Bình luận (0)