Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ cho biết, tại kỳ họp, QH đã xem xét, biểu quyết thông qua luật Khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) sửa đổi và các nghị quyết quan trọng. Bên cạnh đó, tại kỳ họp, QH đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với 2 đại biểu QH, phê chuẩn việc miễn nhiệm 2 phó thủ tướng và phê chuẩn bổ nhiệm phó thủ tướng đối với các ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên bế mạc kỳ họp bất thường thứ 2 QH khóa XV |
Gia Hân |
Năm 2023 nhiều khó khăn, thách thức
Nhấn mạnh năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chủ tịch QH cho hay, tình hình quốc tế, khu vực trong năm tới dự báo vẫn phức tạp, khó lường. Trong khi đó, trong nước, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất, kinh doanh đối mặt với nhiều thách thức; đơn hàng xuất khẩu, việc làm, lao động của nhiều doanh nghiệp… bị thu hẹp. Vốn đăng ký mới, bổ sung và góp vốn FDI năm 2022 giảm 19% so với năm trước; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và tăng thu ngân sách nhà nước đang có xu hướng giảm.
Chủ tịch QH cũng nêu rõ những bất cập, hạn chế, yếu kém từ nội tại nền kinh tế tích tụ từ lâu chưa được xử lý căn bản, ngày càng bộc lộ rõ hơn. “Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản sau những biến động mạnh, bộc lộ rủi ro, vi phạm buộc phải xử lý, lại rơi vào nguy cơ đình trệ, “đóng băng”. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường”, Chủ tịch QH lưu ý hàng loạt vấn đề.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch QH lưu ý các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và người dân bám sát các nghị quyết, kết luận của T.Ư, QH; đặc biệt đổi mới tư duy, có cách tiếp cận, giải pháp mới, chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành để vừa tập trung khắc phục, hóa giải khó khăn, thách thức…
Thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia
Trong phiên bế mạc, đa số đại biểu đã nhấn nút thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và luật KBCB.
Theo đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia (quy hoạch) đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Giai đoạn này sẽ phát huy lợi thế của từng vùng KT-XH; tập trung phát triển 2 vùng động lực phía bắc và phía nam gắn với 2 cực tăng trưởng là Hà Nội và TP.HCM, hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Mộc Bài - TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước.
Tiếp tục chi trả chế độ phòng, chống dịch Covid-19 hết 2023
Trước đó, sáng 9.1, với đa số đại biểu đồng ý, QH đã thông qua nghị quyết cho phép tiếp tục thực hiện các chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 1.1- 31.12.2023, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ các chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 và chế độ, chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện trước ngày 31.12.2022 mà chưa thanh toán xong thì được tiếp tục thanh toán theo quy định tại Nghị quyết số 12 của Ủy ban Thường vụ QH về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Nghị quyết của QH cũng cho phép gia hạn việc sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1 - 31.12.2024.
Về tầm nhìn đến 2050, QH thống nhất, giai đoạn 2031 - 2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 6,5 - 7,5%/năm. Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 - 75%.
Nghị quyết cũng nêu rõ định hướng phát triển không gian KT-XH, tổ chức không gian phát triển đất nước thành 6 vùng KT-XH, gồm: vùng trung du và miền núi phía bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, vùng Tây nguyên, vùng Đông Nam bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ là 4 cực tăng trưởng.
Bệnh viện được tự chủ nhiều nội dung về tài chính
QH cũng đã biểu quyết thông qua luật KBCB với nhiều quy định mới. Liên quan tới giá dịch vụ KBCB, luật KBCB có hiệu lực từ 1.1.2024 quy định Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ trưởng Bộ Tài chính trong việc quy định phương pháp định giá KBCB.
Luật cũng quy định cơ sở KBCB của nhà nước áp dụng giá cụ thể dịch vụ KBCB đối với người bệnh không có thẻ BHYT sử dụng các dịch vụ thuộc danh mục do Quỹ BHYT chi trả mà không phải là dịch vụ KBCB theo yêu cầu; quyết định giá dịch vụ KBCB theo yêu cầu. Các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định và phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ KBCB. Các sở KBCB được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư quyết định giá dịch vụ KBCB theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.
Đặc biệt, về tự chủ bệnh viện, luật cũng quy định cụ thể các nội dung tự chủ về tài chính của các cơ sở KBCB bao gồm: quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động KBCB, phục vụ người bệnh, thân nhân của người bệnh theo quy định của pháp luật, trừ dịch vụ, hàng hóa do nhà nước định giá; quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động KBCB...
Về quy định xã hội hóa trong KBCB, luật cũng quy định cụ thể hình thức xã hội hóa trong hoạt động KBCB với các hình thức, gồm: đầu tư thành lập cơ sở KBCB tư nhân; đầu tư theo phương thức đối tác công - tư để thành lập cơ sở KBCB; vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở KBCB; mua trả chậm, trả dần; thuê, mượn thiết bị y tế; tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)