Hóa giải nỗi lo bị robot 'cướp' mất việc

11/03/2024 06:06 GMT+7

Nếu như một con robot có thể làm việc bằng 10 người, vậy một trong 10 người được giao công việc điều khiển robot này, thì 9 người còn lại sẽ đi đâu? Liệu có phải sẽ thất nghiệp không?

Đó là băn khoăn rất thiết thực mà một học sinh (HS) tham dự chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức tại Trường THPT Trương Định (Tiền Giang) sáng 10.3. Hầu hết những câu hỏi còn lại đều đề cập vấn đề chọn ngành học như thế nào để sau này không bị thất nghiệp, thậm chí không bị robot "cướp" mất việc.

Hóa giải nỗi lo bị robot 'cướp' mất việc- Ảnh 1.

Hơn 2.000 học sinh tham gia nghiêm túc, đặt câu hỏi chất lượng trong chương trình Tư vấn mùa thi tại Trường THPT Trương Định (Tiền Giang) sáng qua

ĐÀO NGỌC THẠCH

Chương trình được truyền hình trực tuyến trên các nền tảng: website thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, kênh YouTube và TikTok của Báo Thanh Niên, thu hút hơn 2.000 HS và phụ huynh các trường THPT Trương Định, THPT Gò Công, THPT Bình Đông (đều của TX.Gò Công) và Trường THPT Gò Công Đông (thuộc H.Gò Công Đông) tham gia trực tiếp.

VIỆC LÀM CÓ PHỤ THUỘC VÀO NGÀNH HỌC ?

Ngay đầu chương trình, Nguyễn Duy Thịnh, HS lớp 12/2 Trường THPT Trương Định, đặt câu hỏi: "Em nghe nói kinh tế đang bị khủng hoảng, vậy học các ngành kinh tế thì có cơ hội việc làm và có thể phát triển nghề nghiệp hay không?".

Cũng liên quan đến việc làm, Lê Hồng Thắm, HS lớp 12/1 Trường THPT Gò Công, lại thắc mắc: "Một phần ý kiến cho rằng ngôn ngữ Anh đang có tỷ lệ thất nghiệp cao, chương trình học nặng, em đang rất băn khoăn không biết có nên chọn ngành này?".

Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, khẳng định cho dù xã hội luôn biến động và kinh tế toàn cầu có rơi vào khủng hoảng thì con người vẫn phải làm việc để tồn tại và phát triển. "Trong đó, khối ngành kinh tế vẫn luôn có vai trò quan trọng. Các ngành học như tài chính ngân hàng, kinh doanh quốc tế, thương mại quốc tế, kế toán, kiểm toán, quản trị kinh doanh, logistics... đều rất cần thiết. Vì thế các em không nên lo lắng", tiến sĩ Đạo chia sẻ.

Nhận định vấn đề việc làm luôn được quan tâm hàng đầu, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho hay: "Các em hãy xác định tố chất, năng lực của mình. Khi có tố chất và có sự nỗ lực thì học bất cứ ngành nào, trường ĐH nào, khi tốt nghiệp các em cũng đều có việc làm. Còn nếu không đủ năng lực thì dù học trường nào, ngành nào cũng khó tìm được công việc phù hợp".

PGS-TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng Truyền thông và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng nhắn nhủ HS hãy phân tích lợi thế của mình, tìm điểm mạnh và xác định môi trường, điều kiện học tập của ngành nghề mình yêu thích, từ đó phát huy thế mạnh, tạo lợi thế cạnh tranh trong môi trường việc làm luôn biến động, chuyên sâu chuyên ngành trong bối cảnh công nghệ phát triển.

Hóa giải nỗi lo bị robot 'cướp' mất việc- Ảnh 2.

Học sinh chăm chú lắng nghe phần tư vấn của các thầy cô

ĐÀO NGỌC THẠCH

ROBOT KHÔNG THỂ THAY THẾ CON NGƯỜI

Trần Quốc Dương, HS lớp 12/1 Trường THPT Gò Công, lại lo lắng liệu robot có thể "cướp" mất việc làm của con người, khi đặt câu hỏi: "Một con robot có thể làm việc bằng 10 người, vậy nếu một trong 10 người làm công việc điều khiển con robot thì 9 người còn lại sẽ đi đâu, có bị thất nghiệp không?".

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, phân tích: "Lịch sử các cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra, lần nào chúng ta cũng lo lắng về công việc khi càng về sau, công nghệ càng hiện đại, liệu chúng ta có mất đi việc làm? Nhưng không, nhu cầu việc làm thậm chí còn cao hơn. Nhưng để làm việc được trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc bởi trí tuệ nhân tạo như hiện nay, thì chúng ta phải học. Không học thì không thể đảm nhận được các vị trí công việc quan trọng".

Theo tiến sĩ Nhân, sẽ không có chuyện "9 người còn lại bị cướp mất việc". Tuy nhiên, tất cả những người còn lại phải được đào tạo, phải tự học hỏi để thích nghi và tham gia thị trường lao động chất lượng cao. "Robot thì cũng do con người tạo ra. Nó chỉ giúp chúng ta tăng hiệu suất làm việc, hỗ trợ hiệu quả công việc, tiết kiệm thời gian, giải phóng sức lao động chứ không thay thế hoàn toàn con người", tiến sĩ Nhân cho hay.

Hóa giải nỗi lo bị robot 'cướp' mất việc- Ảnh 3.

Các giáo viên tham gia tư vấn tại TX.Gò Công (Tiền Giang)

ĐÀO NGỌC THẠCH

Thạc sĩ Trần Việt Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Cao Thắng, cũng khẳng định công việc chỉ mất đi đối với người lao động không được đào tạo. "Nếu các em đã được đào tạo và luôn nỗ lực học hỏi thì không bao giờ lo thất nghiệp, quan trọng là nắm bắt cơ hội để phát triển nghề nghiệp", thạc sĩ Dũng chia sẻ.

Thạc sĩ Hoàng Thanh Tú, Phó phòng phụ trách phòng Thông tin - Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nhận định có những ngành học đang là xu hướng, giúp chúng ta có thể làm chủ được công nghệ, không lo bị robot "cướp" mất việc. "Đó chính là trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, kỹ thuật máy tính... Công nghệ 5G cũng đang phát triển mạnh mẽ, bên cạnh đó là internet vạn vật, mạng điện tử viễn thông, thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn, tiếp đến là thực tế ảo và thực tế tăng cường, bảo mật thông tin, an toàn thông tin", thạc sĩ Tú đưa ra lời khuyên.

Nông dân ngưng làm vườn, thẩm phán vượt trăm cây số cùng con tham gia tư vấn mùa thi

Báo Thanh Niên xin cảm ơn các đơn vị đã phối hợp tổ chức thành công chương trình: Trường THPT Trương Định (Tiền Giang); Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và Trường ĐH Công thương TP.HCM trao học bổng; Nhà Quốc Gia N.H.O JSC trao quà cho HS giỏi; Công ty vận tải Phương Trang hỗ trợ đưa đón đoàn.

Sáng nay chương trình đến với HS Trường THPT Marie Curie (TP.HCM)

Lúc 7 giờ 15 sáng nay (11.3) chương trình Tư vấn mùa thi 2024 sẽ tiếp tục đến với HS Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) với những nội dung liên quan đến kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, kỳ thi riêng của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường ĐH Sài Gòn.

Hóa giải nỗi lo bị robot 'cướp' mất việc- Ảnh 4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.