Ngày hội “Tóc xanh - Vạt Áo" năm 2024 diễn ra tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM vào ngày 24.3. Chương trình được tổ chức trong thời điểm kỷ niệm 280 năm ngày Võ vương Nguyễn Phúc Khoát định chế áo dài (1744 - 2024), tiền thân của chiếc áo dài hiện đại.
Ngày hội cũng mong muốn góp phần khẳng định vị thế và vẻ đẹp của áo dài truyền thống trong dòng chảy thời trang đương đại. Chương trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, quy tụ 25 đơn vị làm văn hóa với 30 gian hàng trải nghiệm. Một số gian triển lãm long bào, áo ngũ thân, áo dài Nhật Bình và cho phép khách tham quan mặc thử.
Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2023 Bùi Thị Xuân Hạnh (trái) cùng á hậu hoàn vũ Hoàng Thị Nhung trình diễn trang phục truyền thống
PHÚC KHA
Những cô gái xinh đẹp thướt tha trong bộ đồ Việt phục biểu diễn tại đêm gala của chương trình
PHÚC KHA
Bên cạnh hoạt động triển lãm, trưng bày áo dài, ngày hội còn có nhiều chương trình đặc sắc khác như: Tọa đàm Thú chơi cổ ngoạn và cổ vật, trình diễn Việt phục của các thương hiệu nổi tiếng; trình diễn trang phục cổ truyền và nghệ thuật truyền thống Chămpa; trình diễn các loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống VN như dân ca quan họ, cải lương, nhã nhạc cung đình Huế...
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhận định: “Giữa thế kỷ XIX, trang phục áo ngũ thân đã trở thành loại lễ phục và thường phục phổ biến trong toàn cõi Việt Nam, trở thành quốc phục của người Việt với cả hai giới, nam và nữ. Từ đầu thế kỷ XX, âu phục từng bước trở thành trang phục phổ biến trong xã hội, tuy nhiên, áo dài vẫn luôn được xem là quốc phục của người Việt Nam. Như vậy, áo dài đã góp phần quan trọng tạo nên một hình ảnh riêng, bản sắc riêng, là thương hiệu và phương tiện nhận diện của người Việt Nam trong suốt mấy trăm năm qua”.
Tại ngày hội, bạn trẻ đã khoác lên mình chiếc áo truyền thống, gặp gỡ nhiều bạn bè cùng sở thích, có thêm kiến thức trang phục dân tộc và lưu lại nhiều khoảnh khắc đẹp
PHÚC KHA
Bạn trẻ tìm hiểu trang phục, mô hình nhân vật lịch sử
PHÚC KHA
Tiến sĩ Lưu Văn Quyết, Trưởng khoa lịch sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Đây là cơ hội để người trẻ tham gia tìm hiểu, trải nghiệm những di sản văn hóa về vật chất và tinh thần, khoác lên mình trang phục truyền thống đầy tự hào. Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn lan tỏa nhiều hơn điều tích cực, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về các giá trị văn hóa của dân tộc”.
Anh Tôn Thất Minh Khôi, đồng Trưởng ban tổ chức chương trình, cho biết ngày hội là nơi để những người trẻ yêu mến Việt phục giao lưu, trải nghiệm di sản vật chất, tinh thần của tiền nhân, lắng nghe câu chuyện về quốc phục của Việt Nam. Chương trình cũng là lời khẳng định của thế hệ trẻ về việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Trong bộ quần áo Nhật Bình thời Nguyễn, Nguyễn Khánh Linh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, hào hứng tạo dáng chụp ảnh bên những cổ vật xưa. Khánh Linh nói: “Ngày hội là dịp để mình có thể diện những trang phục truyền thống mình yêu thích. Tại đây, mình không chỉ tìm hiểu thêm kiến thức về trang phục truyền thống mà còn gặp được những người chung sở thích”.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Liên (26 tuổi), ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ: “Là những người yêu văn hóa lịch sử, mình và bạn trai dự định sử dụng cổ phục Việt cho ảnh cưới. Vì thế, hôm nay tụi mình đến đây để tìm hiểu những trang phục truyền thống nào phù hợp để chụp ảnh”.
Bình luận (0)