Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội năm 2001, Phạm Vân Anh đầu quân vào bộ đội biên phòng. Suốt quãng đường trưởng thành từ một người lính cho đến một sĩ quan cấp tá, chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn lấy bằng thạc sĩ về quản lý hoạt động tư tưởng - văn hóa, giữ những vị trí như Phó giám đốc Điện ảnh - Truyền hình Biên phòng, Trợ lý Tuyên huấn - Cục Chính trị Bộ đội biên phòng.
Trái tim ấm áp với đồng bào
Làm việc trong lực lượng biên phòng nên trung tá Phạm Vân Anh có điều kiện tiếp xúc với đồng bào các dân tộc ở vùng biên cương Tổ quốc. Chứng kiến những nỗi khổ cực của đồng bào, chị luôn cảm thấy day dứt, trĩu nặng tâm tư. Được mách bảo từ trái tim nhân hậu của người phụ nữ, chị vừa kết hợp công tác đồng thời thực hiện các hoạt động thiện nguyện giúp đồng bào miền biên cương.
Suốt 15 năm nay, chị tham gia tích cực các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội hướng về biên giới và đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ năm 2014, cùng với Chi hội phụ nữ Báo Biên phòng, chị tổ chức chương trình "Trung thu biên cương" cho các em học sinh trên địa bàn biên giới. Năm 2017, chị là thành viên đồng sáng lập nhóm thiện nguyện "Biên cương trong tôi", hằng năm vận động, quyên góp, tổ chức từ 2 - 5 đợt tặng quà cho các hộ gia đình người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, học sinh các trường dân tộc nội trú trên địa bàn biên giới với tổng giá trị quà tặng lên đến hàng tỉ đồng. Ngoài ra, nhóm của chị đã vận động tặng 3 bể bơi, phối hợp với Bộ đội biên phòng Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, tổ chức các khóa học bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em khu vực biên giới.
Trung tá Phạm Vân Anh đặc biệt dành yêu thương và tình cảm tri ân đối với vùng đất, con người A Lưới (Thừa Thiên-Huế). Chị chia sẻ: "Ngày trước, đồng bào nơi đây đã hy sinh rất nhiều cho kháng chiến, chở che bộ đội, đóng góp lương thực, thực phẩm, không tiếc nhà cửa, tuổi trẻ, tính mạng. Chiến tranh đã lùi xa nhưng đến bây giờ, mảnh đất và người dân A Lưới vẫn còn phải chịu nhiều di họa...". Từ năm 2020, chị đồng hành với Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân đỡ đầu hai chị em Tường Vân - Tường Vy, mồ côi bố, còn mẹ bị tàn tật ở xã Trung Sơn. Trung thu hằng năm, chị cùng nhóm "Biên cương trong tôi", từ thủ đô Hà Nội đến mảnh đất biên giới A Lưới, chuẩn bị Tết Trung thu đầy yêu thương cho học trò vùng Hồng Thủy.
Trong đợt lũ lịch sử ở miền Trung tháng 10.2020, nhóm "Biên cương trong tôi" của chị đã tổ chức 6 đợt tặng quà cho nhân dân vùng biên ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, trị giá gần 3 tỉ đồng. Đồng thời vận động tặng 500 "Vườn rau vượt lũ" và 200 "Đàn gà vượt lũ" cho đồng bào thiểu số bị ảnh hưởng bởi lũ. Trong đại dịch Covid-19 giai đoạn 2020 - 2021, chị cùng nhóm "Biên cương trong tôi" đã vận động các nhà hảo tâm, tổ chức tặng quà, vật phẩm y tế, khẩu trang cho các tỉnh thành như Bắc Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đắk Nông, Đà Nẵng, TP.HCM...
Ngoài việc ủng hộ kinh phí cá nhân và vận động quà tặng cho các hoạt động chung của nhóm, riêng chị hiện trực tiếp nhận đỡ đầu 5 em học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn người dân tộc Stiêng, Vân Kiều, Pa Kô, Tà Ôi, ở Bình Phước, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, từ năm 2020 cho đến khi các em trưởng thành theo chương trình "Nâng bước em tới trường". Hỏi chị sao nhận nhiều "con" thế, liệu có đủ nguồn tài chính chu cấp? Chị vui vẻ cho biết: "Mình có hai con nhỏ, nên thấy trẻ con mồ côi thương lắm. Nhận nuôi, cũng có chút đắn đo cân đối tài chính trong nhà. May là chồng và cả gia đình nội ngoại đều ủng hộ công việc thiện nguyện này…".
Cũng từ năm 2020 đến nay, chị và đồng đội còn có sáng kiến, tài trợ kinh phí trồng được 4 "Vườn cây khăn quàng đỏ" tại các trường ở Quảng Trị, Hà Giang, Lạng Sơn, hiện đã trồng trên 6.000 cây. Tiếp theo là mô hình "Đàn ngan khăn quàng đỏ", trao tặng trên 10.000 con ngan giống các loại cho các hộ gia đình khó khăn có con trong độ tuổi đến trường để giúp họ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cùng hàng ngàn áo ấm cho các em học sinh các tỉnh Quảng Trị, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế… trong chương trình "Nâng bước em tới trường" và "Con nuôi đồn biên phòng".
Chị và các bạn mình cũng vận động và tặng 2.000 áo thun in cờ đỏ sao vàng cho trẻ em các xã biên giới mặc tham gia các buổi học về biên giới và chủ quyền lãnh thổ quốc gia trong năm 2023. Bên cạnh đó, chị còn trực tiếp tham gia Chương trình "Sách nói cho người khiếm thị", thường xuyên đọc, thu âm truyện ngắn, tiểu thuyết để xây dựng thư viện sách nói nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người khiếm thị.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Khi xác định là một quân nhân, với tinh thần cống hiến, Phạm Vân Anh luôn hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, nhiều nội dung hoàn thành xuất sắc, phục vụ tốt công tác giáo dục truyền thống, tuyên truyền, làm sáng đẹp thêm vai trò, cống hiến của quân dân các dân tộc vùng biên giới trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Từ những chuyến đi công tác xâm nhập thực tế vùng biên, trong vòng 5 năm trở lại đây chị đã có 5 tác phẩm văn học được xuất bản: Trường ca Sa Mộc và các bút ký Đường biên cương dệt mùa xuân, Binh pháp chống dịch, Theo dấu phù sa, Những người anh em trong lòng dân tộc, Những người phất cờ hồng. Đồng thời, chị còn là tác giả kịch bản loạt phim tài liệu lịch sử 30 tập Những trang sử biên thùy, sáng tác phần lời một số ca khúc về Đảng, Bác Hồ, quân đội và đồng bào các dân tộc thiểu số...
Đến nay, trung tá Phạm Vân Anh đã có cả trăm giải thưởng báo chí, tác phẩm điện ảnh, chương trình truyền hình nghệ thuật, kịch bản… về bộ đội biên phòng và đồng bào các dân tộc thiểu số nơi biên giới, là chiến sĩ thi đua, chiến sĩ tiên tiến nhiều năm liền. Tính đến năm 2023, chị được trao 6 giải thưởng các loại hình âm nhạc, văn học, báo chí, điện ảnh về đề tài "Học tập đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" cấp toàn quân.
Năm 2021, Hội Liên hiệp phụ nữ TP.Hà Nội trao tặng chị giải thưởng "Nét đẹp phụ nữ thủ đô". Năm 2022, chị được trao giải thưởng Vừ A Dính cho những cống hiến nổi bật trong công tác chuyên môn, những hoạt động ý nghĩa và hiệu quả vì cộng đồng, cũng như những tác phẩm tiêu biểu góp phần đóng góp vào sự nghiệp phát triển miền núi và dân tộc của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Có thể nói trung tá Phạm Vân Anh là một nữ quân nhân đầy lòng nhân ái, một hoa hồng xanh miền biên cương luôn tỏa hương, một gương sống đẹp.
Bình luận (0)