Họa sĩ 'đạo' tranh của chính mình?

20/07/2020 06:50 GMT+7

Ba bức tranh Ngựa hoa của họa sĩ Lê Trí Dũng được cho là giống nhau. Một nhà sưu tập thậm chí còn cho rằng đó là việc họa sĩ tự 'đạo' tranh của mình.

Ngựa… trùng dáng

Bức Ngựa hoa được đưa ra đấu giá ở nhà đấu giá Chọn hồi cuối năm 2019 với mức giá khởi điểm 1.000 USD. Tác phẩm này sau đó thuộc về nhà sưu tập Nguyễn Phan Huy Khôi và đã mở ra một cuộc tranh luận khi nhà sưu tập Thái Thanh Sơn đưa ra một bức tranh được cho là rất giống bức Ngựa hoa này. Sau đó, câu chuyện kịch tính hơn khi một bức Ngựa hoa khác lại được ông Sơn đưa ra thêm. Như vậy, có tới 3 bức Ngựa hoa được đưa hình ảnh lên mạng để công chúng thưởng lãm và phân tích xem giống nhau đến đâu.

Cái khác của tác phẩm là tính độc bản. Cha đẻ của nó mà còn không tôn trọng tính độc bản, không giữ nguyên tắc về tính độc bản thì chính họ tự hạ giá mình, hạ thấp giá trị tác phẩm của mình đi

Ông Vi Kiến Thành

Ông Nguyễn Phan Huy Khôi cũng đưa ý kiến của mình về các tác phẩm này lên Facebook. Những tác phẩm này được cho là trùng nhau về chất liệu, bố cục, tạo dáng, chi tiết trong nội dung tranh (hoa đào, trăng, bụi mù, dây cương, họa tiết của dải lụa trên yên ngựa…). Ông Khôi chia sẻ mình buồn vì hiện tượng họa sĩ tự “đạo” tranh. Trong khi đó, ông Lê Trí Dũng lý giải việc dường như 3 bức Ngựa hoa giống nhau là do “trùng dáng”. Ông Dũng vẽ ngựa bằng một mẫu ngựa theo đúng giải phẫu. Mẫu này được xoay từ từ để ông vẽ các dáng ngựa khác nhau. Cứ xoay như thế và có thể có vài chục dáng vẽ ngựa nhất định. Vì thế, nó có thể dẫn đến “trùng dáng”. Cũng phải nói thêm, ông Dũng được mệnh danh là họa sĩ chuyên vẽ ngựa với hàng ngàn tác phẩm về đề tài này.
Còn nhà sưu tập Thái Thanh Sơn nhận xét: “Nếu nói là 3 bức đó có giống nhau không thì có, nếu nhìn vào con ngựa. Nhưng nó cũng có cái khác nhau, kiểu như con ngựa buổi sáng, con buổi chiều, con buổi tối”. Cũng theo ông Sơn, khi mua bức Ngựa hoa của họa sĩ Lê Trí Dũng, ông hoàn toàn không đặt ra yêu cầu đó là tranh độc bản. Ông đã mua cả lố tranh cùng lúc, sau này khi bán ra, ông bán 10 triệu đồng/bức. “Lúc mua tôi không quan tâm tranh đó có độc bản hay không. Vì thực ra lúc tôi mua là giá như thế, bức tranh như thế thì tôi chẳng cần nó độc bản”, ông Sơn chia sẻ. Ông nói thêm: “Các họa sĩ khác bán tranh thường có một giấy chứng nhận “đây là bức tranh do tôi vẽ ngày nào, nó là độc bản”. Ông Dũng không có và cũng không nói tranh của ông ấy là độc bản”.
Trong khi đó, họa sĩ Lê Trí Dũng cho biết mỗi bức Ngựa hoa đó của ông đều là độc bản. Nếu có vẽ lại ông cũng không thể vẽ được đúng như thế, từ cái đuôi ngựa, chùm hoa đào, đám bụi mờ… Mặc dù vậy, ông Dũng từ chối không bàn luận về việc tự “đạo” tranh trên báo chí để tránh ầm ĩ.

Hai bức Ngựa hoa của nhà sưu tập Thái Thanh Sơn

Ảnh: NVCC

Tự “đạo” tranh hay “thâm canh” ?

Về những bức tranh ngựa này, ông Vi Kiến Thành, người nhiều năm từng làm Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), đánh giá: “Đúng là “thâm canh”. Nhưng không phạm luật vì đây là tác phẩm của một tác giả và có thay đổi chút ít. Vấn đề là người sưu tầm phải cố gắng trở thành người tiêu dùng thông thái đối với những tác phẩm mà giá trị của nó đi kèm yếu tố độc bản”.
Thay vì dùng từ “đạo” tranh hay tự “đạo” tranh, ông Thành cung cấp từ mà giới họa sĩ hay dùng hơn, đó là “thâm canh”. “Vẽ một bức rồi lại vẽ một bức khác gần giống như thế. Cái này gọi là “thâm canh” 2 - 3 bản gần giống nhau. Hiện tượng “thâm canh” này cũng có kha khá trong giới mỹ thuật Việt Nam”, ông Thành nhận định.
Cũng theo ông Thành, việc có “thâm canh” hay không thuộc về đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của họa sĩ. Nếu theo nhu cầu kinh tế, thấy bán được tranh, họ có thể lại tiếp tục bán thêm. Tranh mới có thể y hệt, cũng có thể thay đổi chút ít. “Cái khác của tác phẩm là tính độc bản. Cha đẻ của nó mà còn không tôn trọng tính độc bản, không giữ nguyên tắc về tính độc bản thì chính họ tự hạ giá mình, hạ thấp giá trị tác phẩm của mình đi”, ông Thành nói.
Đối với trường hợp tranh in, các họa sĩ có thể in số lượng hạn chế và đánh số tác phẩm. “Tranh in sẽ có những tác phẩm họa sĩ nói luôn tôi in cái này 10 bản, đánh số. Công khai như vậy lại được, thông lệ quốc tế là như vậy. Tất nhiên không phải họa sĩ đồ họa nào cũng làm nghiêm túc như vậy”, ông Thành cho biết.
Trong khi đó, với tư cách một nhà sưu tập, ông Nguyễn Phan Huy Khôi cho rằng công chúng có quyền thể hiện quan điểm bằng cách mua hay không mua tác phẩm. “Một khi các nhà sưu tập biết sử dụng quyền mua hoặc không mua tranh thì họa sĩ nghèo ý tưởng hay “đạo nhái” sẽ không tồn tại được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.