Họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm (50 tuổi) sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ông say mê và biết vẽ từ nhỏ, nhưng khi lớn lên lại chọn "ngã rẽ" kiến trúc, nội thất. Tuy nhiên, niềm đam mê hội họa cứ đeo bám không dứt, nên sau triển lãm cá nhân đầu tiên: Nghiễm (tại TP.Huế, ngày 21.6.2020), Hoàng Đăng Nghiễm tiếp tục đến với người yêu mỹ thuật qua triển lãm Đường kim mũi chỉ.
Xem tranh của Hoàng Đăng Nghiễm, người xem có cảm tưởng họa sĩ may các mảnh vải cũ và mới theo bố cục ông mong muốn, sau đó may thêm các chi tiết, xịt các dòng chữ, nhuộm màu vải. Các đường chỉ nổi có thể là sẵn có hoặc may thêm, đều có chủ ý riêng của tác giả. Ông còn sử dụng thêm kỹ thuật khảm, chạm và kết dính nhiều vật liệu khác để tạo bề mặt kiểu phù điêu chìm cho tác phẩm. "Gọi đây là tác phẩm chất liệu tổng hợp cũng tạm được, nhưng thật ra thì Hoàng Đăng Nghiễm tìm kiếm một ý niệm liên thông giữa vật liệu và chất liệu. Điều này quan trọng hơn rất nhiều", giám tuyển Lý Đợi chia sẻ.
Đối với các mảng màu, Hoàng Đăng Nghiễm chọn màu nhuộm lên toan lấy từ nhiều nguồn, nhưng chủ yếu từ màu của các loại rễ cây rừng của người H'mông ở Sa Pa, Ba-na và Cơ-tu (Tây nguyên)… Ông cũng lấy thêm từ người dân tộc ít người thiểu số ở Lào. Nói về các tác phẩm mới, Hoàng Đăng Nghiễm cho biết: "Mỗi mũi khâu là một kết nối, một chữa lành, là nhịp tim, là hơi thở. Vá khâu những đứt gãy của các sợi dệt chữ thập. Hàn gắn những rạn nứt tâm hồn. Trân trọng những giá trị còn sót lại".
Triển lãm được chia thành 4 chủ đề chính: Đường kim mũi chỉ, Cát bụi vẫn còn, Hàn gắn, Vá khâu những tàn tích, diễn ra tại Blanc de Blancs (83 - 85 Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM), kéo dài đến hết ngày 31.5.
Bình luận (0)