Họa sĩ Lê Sa Long bức xúc trước lùm xùm với đạo diễn phim 'Phượng Khấu'

17/10/2021 10:54 GMT+7

Khi dự án phim Bản mệnh thiên thần (Shipper) của đạo diễn phim Phượng Khấu vừa công bố mới đây, họa sĩ Lê Sa Long ngỡ ngàng khi thấy có tên mình. Ông khẳng định không hề cộng tác hay vẽ poster film cũng như cho phép sử dụng tranh của mình.

Vẫn còn bức xúc trước sự việc lùm xùm vừa xảy ra với đạo diễn phim Phượng Khấu - Huỳnh Tuấn Anh, họa sĩ Lê Sa Long cho biết: “Đọc nhiều thông tin về dự án phim này (Bản mệnh thiên thần), tôi thấy họ qua mặt mình. Nào là họ giới thiệu: ‘Thời gian qua, êkíp của Huỳnh Tuấn Anh trao đổi công việc trực tuyến. Hiện tại, phim đang hoàn thiện kịch bản, viết nhạc và chọn bối cảnh. Thay vì mời diễn viên đến studio chụp poster, anh quyết định mời ba họa sĩ Nguyễn Định, Đoàn Quốc và Lê Sa Long vẽ tay tạo hình của từng diễn viên trong phim'. Rồi họ còn nói: ‘Trong nhóm này, họa sĩ Lê Sa Long là người đã ghi lại TP.HCM mùa giãn cách qua bộ tranh ấn tượng hồi đầu đợt dịch thứ tư... Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, ê-kíp Bản mệnh thiên thần thay đổi kế hoạch chụp poster tại studio bằng poster theo tranh vẽ tay do họa sĩ Nguyễn Định, Đoàn Quốc và Lê Sa Long thực hiện”.

Thậm chí dự án phim còn công bố nhiều lời có cánh khác như “họa sĩ Lê Sa Long đặc biệt rung cảm với những thứ cảm tình bình dị anh cảm nhận từ những con người bình thường ở Sài Gòn - thành phố anh yêu từng ấy năm nay. Những bức tranh của Lê Sa Long không theo trường phái bay bổng, mà nó hiện thực, khắc họa rõ nét đặc trưng riêng nhân vật, nó phản chiếu những tâm hồn và cảm xúc mang tính thời điểm cao. Điều này rất phù hợp với những gì đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh tìm kiếm trong ý tưởng poster tranh lần này”.

Một số tác phẩm của bộ tranh Sài Gòn trong thời giãn cách của họa sĩ Lê Sa Long

Nvcc

Được biết, trải qua gần 30 năm trong nghề, họa sĩ Lê Sa Long (hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM) là một "tay cọ" lão luyện. Anh từng đoạt nhiều giải thưởng mỹ thuật uy tín: giải nhì cuộc thi Vẽ về đất nước, con người Romania (2019), giải nhất cuộc thi Chân dung ký họa màu nước do Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức (1999), giải khuyến khích Cúp Rồng Tre 2012 do Bộ VH-TT-DL tổ chức và nhận bằng khen danh dự Mỹ thuật Bình Định 20 năm vào năm 2015.

Lê Sa Long có nguyên quán ở Quy Nhơn (Bình Định) và được sinh ra tại Sa Đéc (Đồng Tháp). Chính vì đam mê hội họa từ nhỏ nên đến khi rời quân ngũ, anh theo học Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Ra trường, anh gắn bó với sự nghiệp trồng người và hiện là giảng viên Trường đại học Mở TP.HCM.

Chân dung họa sĩ Lê Sa Long

NVCC

Trở lại câu chuyện lùm xùm với đạo diễn phim Phượng Khấu, họa sĩ Lê Sa Long kể: “Số là đầu tháng 8.2021, Huỳnh Tuấn Anh có lời mời tôi vẽ poster và xin sử dụng một số tranh về Sài Gòn - TP.HCM thời giãn cách của tôi vào dự án phim Bản mệnh thiên thần (Shipper), tôi cũng vui vẻ ghi nhận nhưng lúc đó do đang lo cho má tôi bị bệnh trong bệnh viện nên cũng để từ từ tính…”.

Theo họa sĩ Lê Sa Long: “Chắc nhiều người chơi thân đều biết tôi là một họa sĩ, một giảng viên sống làm việc lặng lẽ, nhất là không muốn dính dáng đến những lùm xùm. Tôi muốn tập trung cho việc sáng tác và truyền kiến thức cho thế hệ sau. Trước đây cũng có nhiều fan hay đặt tôi vẽ thần tượng của họ, tôi đều khéo léo từ chối vì không muốn dính đến những nhân vật có đời tư khá phức tạp. Bộ tranh Sài Gòn trong thời giãn cách (gần 80 tranh) tôi vẽ miệt mài trong hơn 4 tháng đại dịch như một lời tri ân, một cách thể hiện tình cảm của tôi đến với Sài Gòn thân thương, như một cách thực hiện lời hứa với người cha họa sĩ quá cố của tôi. Vì vậy tôi không muốn dính đến những sản phẩm của ai hết”.

Dự án phim Bản mệnh thiên thần (Shipper)

NVCC

Chính vì thế mà họa sĩ Lê Sa Long rất bức xúc khi tên tuổi và loạt tranh ý nghĩa của mình lại vướng vào chuyện không hay với đạo diễn phim Phượng Khấu. “Tại sao Huỳnh Tuấn Anh mặc nhiên áp tên tôi cùng việc ông ta làm? Tôi đã trao đổi với luật sư của mình và luật sư nói trước mắt nên báo tin cho đạo diễn biết và yêu cầu gỡ dùm tên tôi ra khỏi dự án phim này và chờ sự phản hồi từ phía ê kíp Bản mệnh thiên thần".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.