Sơn mài, bộ môn nghệ thuật kết hợp từ hai nghề: Thợ và Họa sĩ. Về kỹ thuật cần chất thợ, còn biểu hiện (tạo hình) cần chất họa sĩ. Nhìn chung các làng nghề sơn mài từ bắc chí nam, có thể thấy kỹ thuật dễ bị đóng khung vào một quy chuẩn, bắt chước nhau, hoặc bị dẫn dắt bởi thị trường, khó tạo được sắc thái mới. Bù lại, kỹ thuật làng nghề được duy trì, những người thợ gắn trứng, tỉa lá tre… có thể gọi là siêu hạng, họ làm rất đúng, rất nhanh, rất bài bản. Những họa sĩ sơn mài như Trần Tuấn Long là phối hợp giữa thợ và nghệ sĩ, để tạo nên các tác phẩm sơn mài có mảng miếng, có xa gần, khối nét, dày mỏng, tỷ lệ… được chăm chút trong không gian mang bố cục hoàn chỉnh. Là truyền nhân của cố họa sĩ sơn mài Trần Tuấn Lân (Quảng Ninh) - người đào tạo phong trào họa sĩ cho công nhân mỏ - từ nhỏ, họa sĩ Trần Tuấn Long đã được tiếp cận với sơn mài, nối nghiệp cha, và nay thành danh đặc biệt ở mảng đề tài hầu đồng và thể hiện chân dung.
Theo đuổi bộ môn sơn mài trong giai đoạn đất nước còn khó khăn (những năm 1990), giai đoạn sáng tác của anh thời ấy thế nào?
Tôi đi làm thuê, làm đủ việc cho các thầy dạy mình, các họa sĩ đàn anh, để lấy tiền mua vật liệu và trang trải cuộc sống. Thu nhập của tôi khi ấy dựa vào làm thuê, rồi dành thời gian, ví dụ ngày làm, tối tranh thủ sáng tác, làm những cái mình yêu thích, theo đuổi đề tài mình chọn mà không lệ thuộc ai.
Đề tài anh yêu thích trong sơn mài là gì?
Tôi vẽ về nghi lễ lên đồng, các giá hầu thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu.
Việc thực hành nghi lễ hầu đồng ngày trước chưa được phổ biến, bị cấm cản, điều gì khiến anh theo đuổi đề tài… nhạy cảm ấy?
Tín ngưỡng thờ Mẫu tôn vinh các bậc nhân thần, những nhân vật lịch sử, đều là anh hùng giữ nước, hướng thiện, cũng tổng hòa nhiều lĩnh vực nghệ thuật trong đó, có thơ văn, nhạc, có thưởng thức rượu, thuốc, cau trầu… đều là thú vui tao nhã cho đến múa hát, thời trang, thậm chí là nghệ thuật sắp đặt. Thời ấy các tác phẩm của tôi không được thừa nhận, đem tranh tham dự triển lãm là bị loại từ vòng ngoài vì bị xem là tuyên truyền mê tín. Nhưng tôi tự thôi thúc trong lòng có muốn ra sao thì ra, bất kể cuộc sống khó khăn thế nào, vẫn muốn chuyển tải nét đẹp tín ngưỡng thờ Mẫu thông qua nghệ thuật sơn mài. Mỗi năm, bên cạnh vẽ các đề tài kiếm sống, tôi dành thời gian vẽ hầu đồng, có năm chỉ được một bức, vẽ rồi để đó, cất đi.
Theo chất liệu sơn ta rất tốn kém, giữa đam mê và cơm áo, có bao giờ thực tại khiến anh nản?
Tôi chưa bao giờ nản, dù khổ mấy cũng không bỏ. Thị trường nhiều nơi chuyển sơn Nhật cho nhanh, bán được nhiều, đề tài phổ biến, kiểu cô gái đội nón, thiếu nữ, mục đồng chăn trâu… bán chạy lắm. Tôi không theo vòng xoáy ấy, cũng không bị giằng xé nội tâm hay quá bức xúc chuyện phải làm giàu, phải kiếm tiền. Tranh tôi thỉnh thoảng cũng bán được, chỉ hơi buồn là đề tài mình thích chưa được công nhận. Nhưng tôi coi đó là trải nghiệm, và cái cớ giúp tôi tập hợp thành bộ sưu tập 26 bức, mở ra một triển lãm cá nhân đầu tiên sau 19 năm sáng tác (bắt đầu từ 1998). Triển lãm đầu tay ấy của tôi có tên là Giá Thánh.
Trong lịch sử mỹ thuật, khi làm nghệ thuật phục vụ tín ngưỡng, người thực hiện thường làm với tâm thế dành trọn lòng mình với đấng tôn thờ, anh thì thế nào?
Tôi là người theo nghệ thuật, tôi dùng nghệ thuật biểu đạt nét đẹp tổng hòa, từ sắc diện, thần thái, tinh thần, cả tính linh thiêng vào tác phẩm.
Giữa hoạt động nghệ thuật và vấn đề tâm linh, có bao giờ anh nghĩ mình được "độ"?
Không, tôi không nghĩ gì cả! Tôi làm theo mách bảo của bản thân, không kỳ vọng, không mong đợi. Từ việc UNESCO công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, cho đến việc được phép triển lãm và thành công, tôi đón nhận tất cả trong bình thản và nhẹ nhàng.
Khi vẽ đề tài hầu thánh, có đến 36 giá đồng, vậy anh thường (yêu thích) chọn ai trong các giá thánh để đưa vào tác phẩm?
Các vị trong tác phẩm đều do ngẫu hứng cả, nhưng phần nhiều là những giá chầu. Bởi các giá chầu thường trang phục sặc sỡ, thời trang, họa tiết đẹp, khăn áo nhiều thứ, tầng tầng lớp lớp, hàng chầu tôi vẽ nhiều nhất. Hàng quan ít hơn. Trong vấn hầu luôn có khăn, áo, nữ trang, hoa văn trang trí… tôi cũng thích các chi tiết trên đó và khai thác tối đa vào hội họa sơn mài.
Sáng tác hiện nay có nhiều người "thần thánh" hóa sơn ta, quan trọng hóa sơn ta cách quá mức. Còn quan điểm của anh về sơn ta thế nào?
Tôi coi đó là chất liệu sở trường của mình, chất liệu nào cũng có cái hay, có đặc thù, vì tôi dùng nó nhiều, và hợp khả năng của tôi. Tôi yêu thích sơn ta từ nhỏ, nên chẳng thích chất liệu gì khác. Tôi coi đó là cơ duyên thôi. Sơn ta đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mẩn, không nóng vội, phóng bút, bay bổng như các chất liệu nhanh, gọn, rẻ, dễ ra tác phẩm hàng loạt. Sơn ta làm sai quy trình một chi tiết là phải phá bỏ thành quả trước đó, càng làm càng không cho phép mình được sai, vì sai là trả giá bằng công sức, tiền bạc, thời gian và cảm xúc.
Anh vừa có một triển lãm cá nhân thứ 2, cũng với đề tài hầu đồng, cách thể hiện trong sáng tác mới của anh có điều gì khác biệt?
Triển lãm lần 2 này tôi lấy tên là Vân Du, các vị tiên thánh thường đi mây về gió, và từ Vân Du trong văn hầu cũng khá nhiều. Triển lãm này khác nhiều so với triển lãm Giá Thánh, ở đây tôi giải quyết vấn đề không gian, tạo sự hòa quyện giữa nhân vật - chủ thể thanh đồng và tổng hòa nhang khói, hình tượng tín ngưỡng, những nét cổ trong tranh dân gian về hầu thánh… Tôi muốn xóa đi ranh giới, bắt khoảnh khắc không gian đan xen giữa thực hư, hòa quyện, bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Tôi dùng thủ pháp hương khói tạo nên miền hư ảo.
Được biết anh cũng là người hiếm hoi thành công ở mảng sơn mài chân dung, một kỹ thuật khó. Anh có thể chia sẻ về đề tài này?
Thời mới vào nghề tôi cũng thỉnh thoảng vẽ sơn mài chân dung, rồi có thời gian tôi vẽ truyền thần rất nhiều để kiếm sống. Đến khi nghiên cứu về đề tài hầu đồng, tôi chăm chút cho việc tả sắc diện, thần thái thật tinh kỹ sao cho toát lên phong thái các vị thánh khi giáng đồng. Những trải nghiệm, kinh nghiệm đó là nền tảng nên khi vẽ chân dung, mọi chuyện thật đơn giản vì đã được bổ sung, hỗ trợ cho nhau cả rồi.
Vượt qua được những giai đoạn sóng gió thời cuộc để có thành công như hôm nay, điều gì khiến anh tâm đắc nhất?
Là sự hậu thuẫn toàn tâm toàn ý của vợ. Thời đói khổ, vợ là người nuôi tôi và lo cho cả gia đình, vợ phát tiền cho tôi chi tiêu hằng ngày, và vẫn ủng hộ tôi sáng tác. Lúc khó khăn, mỗi sáng tôi được 20.000 đồng ăn sáng, tôi lén nhịn ăn, dành tiền mua đĩa nhạc, vì tôi mê rock, thần tượng Pink Floyd. Ốm yếu sụt sùi nhưng hễ nghe Pink Floyd và uống trà là lại khỏe. Vợ tôi là người ngoại đạo, nhưng mỗi sáng tác đều góp ý cho tôi về cảm nhận cái đẹp, giúp tôi tĩnh lại và điều chỉnh cho tác phẩm tốt hơn, vợ là người cùng vẽ với tôi trong tâm ý.
Bình luận (0)