'Hòa Sọ Dừa' thơm như đóa hướng dương

22/06/2024 06:15 GMT+7

Không phải ngẫu nhiên mà bạn bè đặt cho chị Hòa biệt danh "Sọ Dừa". Do bị bệnh xương thủy tinh bẩm sinh nên tuy đã 45 tuổi, thân hình chị vẫn chỉ như một em bé cùng cái đầu to tướng. Song, chị Hòa mang trong mình những ước mơ thật đẹp và khát khao cống hiến cho cộng đồng.

19 tuổi mới bắt đầu hòa nhập cộng đồng

Ngôi nhà nhỏ của chị Nguyễn Thị Hòa nằm sâu trong thôn 5, xã Kiến Quốc (H.Kiến Thụy, TP.Hải Phòng) nhưng chỉ cần hỏi "chị Hòa siêu nhân đầu to" thì từ già đến trẻ trong làng ai cũng biết. Trên chiếc giường cũ kỹ đã ọp ẹp theo dòng thời gian, đôi bàn tay bé nhỏ của chị Hòa thoăn thoắt làm việc, từ thêu tranh đính đá, tranh kẹo, thú vải đến bán hàng trên các nền tảng xã hội.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, các anh chị em của Hòa đều lành lặn, chỉ riêng Hòa mang trong mình căn bệnh quái ác, bố mẹ nuôi mãi mà chưa bao giờ quá được 20 kg. Trớ trêu hơn, chị không có khả năng đi lại, đôi bàn tay co quắp với chút sức lực từ các đầu ngón tay. Dĩ nhiên khao khát đến trường của Hòa đã không thể trở thành hiện thực.

'Hòa Sọ Dừa' thơm như đóa hướng dương- Ảnh 1.

Sản phẩm đan móc của chị Hòa làm ra

Tác giả cung cấp

Năm 19 tuổi, chị gặp cơn bạo bệnh tưởng chừng sẽ rời xa trần thế, song không những thoát bệnh, chị Hòa bỗng nhiên biết đọc chữ. Chị mày mò kiến thức qua sách vở, "đòi" bố mẹ cho ra đường nhiều hơn để hiểu về cuộc sống. Từ đó, chị Hòa thấy cuộc đời thật nhiều màu sắc, chị quyết sống có ý nghĩa cho bản thân và xã hội.

Tuy cơ thể khiếm khuyết nhưng chị Hòa rất thông minh và cá tính. Không chỉ tự học chữ, tự viết được mà chị còn học cách làm đồ thủ công như hoa giấy, hoa đá, hoa bằng kẹo... để bán và kiếm thêm thu nhập, tự lo cho bản thân, giảm gánh nặng trên đôi vai gầy của cha mẹ. Thế giới quan của chị không còn vỏn vẹn trên bậu cửa sổ chỗ chị nằm mà đã được rộng mở hơn khi chị tiếp xúc với nhiều người và chị hiểu rằng lao động là cách tốt nhất giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng.

Để làm ra những sản phẩm như bình hoa, tranh bốn mùa, đài sen bằng kẹo... chị Hòa phải đánh đổi bằng những vết xước, đứt tay hay những đêm trắng làm việc, nghĩ mẫu mã mới. Những sản phẩm chị làm ra ban đầu được khách hàng mua ủng hộ vì muốn giúp đỡ. Song, không vì thế mà chị "lợi dụng", trông chờ vào lòng tốt của khách hàng. Chị không ngừng nâng cao tay nghề rồi rủ thêm một số bạn khuyết tật về làm cùng, lập nên tiệm "Gấu bông Nguyễn" và duy trì được một lượng khách cố định. Không chỉ có thu nhập nuôi sống bản thân, chị Hòa còn dạy nghề cho hàng chục bạn khuyết tật khác ở địa phương.

Đôi tay yếu ớt, co quắp tỉ mỉ làm từng sản phẩm, mồ hôi rơi nhễ nhại vào ngày hè nắng nóng, chị vẫn cười tươi và tâm huyết với từng sản phẩm làm ra. Năm 2019, chị Hòa còn tổ chức triển lãm hoa đính đá tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng. Sau dịch Covid-19 cũng như sức khỏe đi xuống, chị chủ yếu bán hàng trên mạng hoặc hỗ trợ dạy nghề cho các bạn khuyết tật.

Vươn về phía mặt trời

Đối với một người khuyết tật nặng như chị Hòa, có thể tự lo liệu cho bản thân đã là một nỗ lực tuyệt vời huống chi nghĩ tới lo cho người khác. Đó cũng là những lời nói ái ngại và cả mỉa mai mà chị nhận từ người đời khi bắt đầu nghĩ đến chuyện làm thiện nguyện năm 2015.

'Hòa Sọ Dừa' thơm như đóa hướng dương- Ảnh 2.

Chị Hòa trong lễ khởi công xây nhà tình thương cho gia đình anh Hà

Tác giả cung cấp

Chị Hòa nhớ lại đợt tết năm 2015, chị tình cờ gặp một cô bé 13 tuổi bị bại não và phải sống thực vật ở xã Kiến An. Chị ngẫm lại bản thân vẫn còn rất may mắn khi có thể di chuyển bằng xe lăn, biết cảm nhận cuộc sống. Hình ảnh cô bé cứ thấp thoáng trong tâm trí, khiến chị nghĩ phải làm điều gì đó giúp đỡ các bạn.

Chị Hòa cho biết trên địa bàn xã chị có gần trăm người khuyết tật, trong đó khoảng gần một nửa không có khả năng đi lại, lao động. Tranh thủ những lúc bạn bè rảnh, chị nhờ chở đi tìm hiểu hoàn cảnh của những mảnh đời bất hạnh, cẩn thận ghi chép lại thông tin rồi tìm cách kêu gọi hỗ trợ họ. Dĩ nhiên ban đầu cũng ít người "dám tin" vào việc làm của chị, vì chị làm thiện nguyện một mình, chưa tạo được uy tín, song chị vẫn cố làm hết sức với suy nghĩ "tiếng gọi từ trái tim sẽ đi đến trái tim".

Các trường hợp người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được chị Hòa kết nối cứ tăng dần lên, nhà hảo tâm xa gần biết đến chị thông qua các bài đăng trên mạng xã hội. Dần dần, chị Hòa trở thành địa chỉ để những người cần trợ giúp nhờ đến. Chị Hòa nhớ nhất trường hợp của gia đình anh Hoàng Xuân Hà (xã Kiến Quốc), bản thân anh gặp nhiều bệnh tật và còn phải một mình "gà trống nuôi con" trong ngôi nhà dột nát. Thấy vậy, chị Hòa đứng ra vận động quyên góp được 146 triệu đồng cùng tiền hỗ trợ xa gần để giúp anh dựng được ngôi nhà vững chãi, sạch sẽ.

Đến nay, số trường hợp chị giúp đỡ lên đến cả trăm người, số tiền khá lớn mà chị cũng không thống kê được. Với chị, giúp người là xuất phát từ tâm chứ không vì thành tích hay đánh bóng tên tuổi, miễn sao người được giúp có cuộc sống tốt hơn là chị cảm thấy hạnh phúc.

Để tạo ra một mái nhà chung cho người khuyết tật, chị Hòa còn thành lập câu lạc bộ Khát vọng cỏ dại với hơn 50 thành viên là người khuyết tật đến từ các xã trong H.Kiến Thụy. Tên gọi của CLB thể hiện ý nghĩa rằng tuy các bạn sinh ra không được lành lặn, thân phận như những cây cỏ dại song có sức sống mãnh liệt, dù gặp hoàn cảnh nào cũng vươn lên về phía mặt trời. CLB duy trì sinh hoạt và tặng quà hằng tháng cho người già neo đơn, trẻ mồ côi hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo... Hình ảnh chị Hòa lọt thỏm trong tay người khác hoặc một mình trên xe lăn điện đi khắp Kiến Thụy đã trở nên quá đỗi thân thương với người dân địa phương.

'Hòa Sọ Dừa' thơm như đóa hướng dương- Ảnh 3.

CLB Khát vọng cỏ dại của chị Hòa duy trì tặng quà một tháng một lần cho hội viên và người nghèo

Tác giả cung cấp

Người khuyết tật, hãy cứ yêu đi !

Có một câu chuyện mà trước nay chị Hòa chưa chia sẻ với ai, đó là tình yêu. Đôi lúc chị cũng ngại vì sợ thiên hạ bàn tán, mỉa mai về tình yêu của người khuyết tật. Song, khi tình yêu đủ chín thì chị tin đây sẽ là động lực để các bạn khuyết tật mạnh mẽ bước ra khỏi vùng an toàn theo chỉ hướng của trái tim tìm đến tình yêu đích thực.

Chị kể 3 năm trước chị tình cờ quen một người đàn ông lành lặn đã qua 2 lần đò. Sau một thời gian nói chuyện, chị bỗng dưng yêu anh từ khi nào không hay. Mỗi lần anh ấy nói chuyện với người phụ nữ khác, bỗng trong chị Hòa cảm thấy khó chịu và chị biết ghen chính là biểu hiện của tình yêu. Người đàn ông kia cũng thổ lộ anh chưa từng có được cảm giác bình yên như lúc ở gần chị. Hai người đã cùng hẹn ước chuyện trăm năm nhưng do anh đang lao động ở nước ngoài nên kế hoạch vẫn chưa thể thực hiện. "Gia đình anh ấy đã có ý sang xin chị làm con dâu, một ngày nào đó chị sẽ lên xe hoa", chị Hòa cười hạnh phúc.

Qua câu chuyện tình yêu của mình, chị muốn nhắn gửi tới những người khuyết tật hãy tự tin thể hiện tình cảm của mình, dù là người bình thường hay khuyết tật thì ai cũng có trái tim rung động, có quyền yêu và được yêu.

Chia sẻ về dự định nhiều như vậy nhưng chị Hòa cũng ít nhiều lo lắng vì sức khỏe chị giờ đã yếu hơn vài năm trước rất nhiều. Chị mong muốn dựng được một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật, phát triển CLB Khát vọng cỏ dại và đang dần mơ về một đám cưới. "Mong bệnh teo tim, hẹp phổi đừng trở chứng, để tôi có thể làm được nhiều hơn cho những phận đời thiệt thòi hơn mình", chị Hòa rạng rỡ nói.

'Hòa Sọ Dừa' thơm như đóa hướng dương- Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.