Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm...

22/03/2022 06:34 GMT+7

Những cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Hồng Đăng của gia đình, người thân, bạn bè ông giờ đây chỉ là “những kỷ niệm xưa vẫn còn đâu đó... ”. Nhạc sĩ đã nhẹ bước rời cõi tạm sáng 21.3 tại Hà Nội ở tuổi 86.

Lênh đênh Hoa sữa

Hoa sữa - ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hồng Đăng, theo nhạc sĩ Thụy Kha, có điểm độc đáo là đã bước ra khỏi khung hình điện ảnh để trở thành một trong số những ca khúc hay nhất về Hà Nội dù không hề có một chữ Hà Nội nào trong lời ca. Độc đáo hơn có lẽ còn ở chỗ nhạc sĩ Hồng Đăng còn chưa từng nhìn thấy hay ngửi hương hoa sữa khi viết ca khúc này.

Sinh thời, nhạc sĩ Hồng Đăng nhiều lần kể về sự ra đời của Hoa sữa. Đó là khi nữ đạo diễn Đức Hoàn đặt ông viết ca khúc cho bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ của bà mà ông thì vẫn “bí” chủ đề. “Một nhà thơ ở Hà Nội nói với tôi về loài hoa sữa quyến rũ mọc ở hồ Hale, dọc đường Nguyễn Du. Tôi nghe vậy lấy ý viết bài hát, mấy phút là xong”, nhạc sĩ từng chia sẻ. Ông cũng không giấu việc nhiều ca khúc nổi tiếng của mình được sáng tác rất nhanh, chỉ trong khoảng… hai ba chục phút.

Nhạc sĩ Hồng Đăng

Nguyễn Đình Toán

“Hoa sữa vừa mang tính trữ tình, vừa cho thấy sự sâu lắng, nồng nàn, gần gũi, vừa cho thấy tính nội tâm… phù hợp với đặc trưng của Hà Nội, hay người Hà Nội”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận. Nhưng thú vị là, theo lời kể của nhạc sĩ Hồng Đăng, ca khúc dù viết cho bộ phim ra mắt công chúng vào năm 1978, nhưng mãi sau này, năm 1986, chỉ khi Nhã Phương, một giọng ca được yêu thích tại TP.HCM hát Hoa sữa, thì ca khúc mới được nhiều người biết tới rồi được nhiều ca sĩ miền Bắc thể hiện…

Cùng với Hà Nội, biển là một trong hai chủ đề lớn trong sáng tác của nhạc sĩ Hồng Đăng, trong đó không thể không nhắc đến ca khúc Biển hát chiều nay. Sinh thời, nhạc sĩ Hồng Đăng kể, ông viết ca khúc với những rung động trước vẻ đẹp của biển đảo Tổ quốc trong chuyến đi thực tế ở các vùng biển từ Quảng Ninh tới Cà Mau trong khoảng thời gian 1979 - 1980.

Nhạc sĩ lớn của nền âm nhạc mới Việt Nam

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, Biển hát chiều nay ra đời vào giai đoạn mà nhiều ca khúc về quê hương, đất nước ra đời mang âm hưởng hùng tráng. “Điều đặc biệt của nhạc sĩ Hồng Đăng là ông viết ca khúc vẫn đặt mình trong cái nhìn tổng thể về đất nước, lòng tự hào về quê hương, nhưng lại rất gần gũi khi cho thấy tâm sự của cá nhân. Và tình cảm của ông ở đây với quê hương dạt dào, tràn ngập niềm tin yêu như tình yêu đôi lứa, dù trong bài ông không nói câu hát nào là anh yêu em”, ông Long nói.

Một ca khúc khác của nhạc sĩ Hồng Đăng là Kỷ niệm thành phố tuổi thơ có những giai điệu theo nhạc sĩ Thụy Kha là đã làm “thổn thức những con tim trai trẻ” của những chàng trai lên đường tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc. Ca khúc này cho thấy sự tươi trẻ, lạc quan trong âm nhạc của Hồng Đăng khác với chất trữ tình tự sự trong những ca khúc khác của ông.

Nhạc sĩ Hồng Đăng sáng tác ở nhiều thể loại: ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu... “Ông là một nhạc sĩ lớn của nền âm nhạc mới Việt Nam”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long khẳng định và bày tỏ: “Những sáng tác của ông tình cảm nhưng mang tính khuôn thước, bố cục gọn gàng, âm thanh giai điệu chuẩn mực”. Ngoài sáng tác, nhạc sĩ Hồng Đăng còn có nhiều đóng góp trong việc giáo dục, đào tạo âm nhạc, nâng cao thẩm mỹ âm nhạc tại Việt Nam ở vai trò nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà báo. Không nhiều người biết, nhạc sĩ Hồng Đăng là người viết giáo trình về hợp xướng, tính năng nhạc cụ, là một trong những tác giả của những giáo trình “gối đầu giường” của những người học sáng tác, lý luận, chỉ huy âm nhạc. Ông cũng là người thầy của nhiều lớp thế hệ nhạc sĩ, trong đó có những nhạc sĩ nổi tiếng như Nguyễn Cường, Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, Thuận Yến, Phú Quang...

Người nhạc sĩ đã đi xa, nhưng có lẽ, khi ngửi thấy hương hoa sữa, nhiều người sẽ lại văng vẳng câu hát: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm...” và chẳng ai có thể quên người nhạc sĩ hóm hỉnh và hiền hậu ấy...

Nhạc sĩ Hồng Đăng (tên đầy đủ là Phan Hồng Đăng) quê gốc ở H.Yên Thành, Nghệ An. Ông ra Hà Nội và học Khoa sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam khóa 1 năm 1956 cùng với các lứa nhạc sĩ như Hoàng Việt, Huy Thục, Vĩnh Cát… Ông đã sáng tác hơn 700 tác phẩm ở nhiều thể loại, trong đó, nhiều tác phẩm ông viết được sử dụng cho hơn 70 bộ phim.

Vào tháng 10.2021, nhạc sĩ Hồng Đăng đã được vinh danh với giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội (giải thưởng Bùi Xuân Phái) với những cống hiến cho âm nhạc thủ đô. Tác phẩm sớm nhất ông trình làng với thủ đô là thanh xướng kịch Sông hồng ngàn năm (kịch bản Dương Viết Á) được Đoàn ca múa Hà Nội trình diễn năm 1964. Tiếp đó, nhiều sáng tác của ông gắn liền với Hà Nội như Duyên Hà Nội, Tiếng hát trên pháo đài thành phố, Hoa sữa...

Năm 2001, nhạc sĩ Hồng Đăng được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho 4 ca khúc Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng Năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ và hợp xướng Lửa rực cháy.

Nhạc sĩ Hồng Đăng từng là Phó tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc và thế giới âm nhạc.

Vĩnh biệt nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ

TL

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ (ảnh), biên kịch của nhiều tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam, đã qua đời vào ngày 20.3, hưởng thọ 90 tuổi.

Ông là một trong những nhà biên kịch thuộc thế hệ đầu của điện ảnh cách mạng Việt Nam và là nhà biên kịch phim đầu tiên được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012 với các tác phẩm: Trên vĩ tuyến 17, Biển gọi, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Mối tình đầu, Thành phố lúc rạng đông.

Ông sinh năm 1932 tại Từ Sơn, Bắc Ninh, trong gia đình có nhiều người hoạt động nghệ thuật: anh trai ông là họa sĩ Hoàng Tích Chù, nhà báo Hoàng Tích Chu, nhà viết kịch Hoàng Tích Linh.

Từ năm 1964, ông là trưởng phòng biên tập của Hãng phim truyện Việt Nam và sau đó giữ chức Giám đốc Hãng phim Truyện 1.

Ngọc An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.