Khắp phố phường Sài Gòn những ngày này sặc sỡ sắc màu của hoa. Những chợ hoa nhỏ hiện diện khắp phố phường đem cái Tết đến muôn nhà. Ít ai biết, đằng sau vẻ đẹp màu sắc ấy là những phận người cả đời "sớm nở, tối tàn" cùng hoa Tết.
Người dân phải chịu cảnh hứng nước xa hoặc mua nước để tưới cây ngày 1 cử có khi cả 30 chục thùng - Ảnh: Bùi Thư |
Cứ mỗi mùa tết đến, nhiều người làm nghề trồng cây, trồng hoa ở khắp các nơi, đặc biệt là các vùng lân cận thành phố lại đổ về Sài Gòn để buôn bán, khoe sắc hoa. Với chiếc ghe chở vài trăm chậu kiểng và một vài thước đất tại vỉa hè, nhiều chủ vườn đã có ‘cửa hàng’ của mình ngay trên đất Sài Gòn. Từ lâu, trồng hoa Tết không chỉ là cái nghề mà đã thành thành cái nghiệp của bao người.
Trồng mai thôi, không đủ sống
Với một mùa bán cây mai, người nông dân có thể ‘trúng’ được vài trăm triệu, đủ cho một năm sinh sống. Thế nhưng, hầu hết các hộ dân trồng mai đều phải làm thêm nhiều nghề, trồng xen kẽ nhiều loại hoa quả hoặc chăn nuôi để kiếm thêm thu nhập, ‘lấy ngắn nuôi dài’.
|
Ông Út, quê ở Tiền Giang, đã 60 tuổi nhưng vẫn khệ nệ bưng từng chậu hoa kiểng lên xe cho khách. Ông cho hay năm nay thời tiết ấm nên mai đẹp, không cực khổ như năm ngoái.
“Già này theo nghề độ mấy chục năm rồi, lúc đầu là đời sống khó khăn mà thấy trồng mai có nguồn thu nên làm. Gắn bó lâu thành ra mình yêu, mình mê nó. Năm nào mai không nở, cụp cánh là mình buồn, đói cả năm” – ông Út chia sẻ.
Hầu hết những người bán ở khu Bình Đông này đều là chủ vườn, đem cây bỏ mối cho các thương lái nhưng năm nay dù đã 22, 23 âm lịch nhưng chẳng thấy người nào đến đặt số lượng lớn. Ông Út lắc đầu khi nhắc đến.
Ông Út đã 60 tuổi nhưng vẫn tự nấu cơm trên ghe, tối ngủ lại lô mai của mình để canh không bị mất trộm - Ảnh: Bùi Thư
|
Kế bên lô ông Út, chị Huỳnh Ngọc Thanh, từ Bình Chánh lên cũng rầu rĩ: “Bình thường thời gian này các thương lái hay mua chứ khách chỉ bán lai rai. Giờ thì chưa nhiều khách nhưng tới 25 tháng chạp trở đi mới biết khóc hay cười”.
“Mướn ở đây nhiều tiền: tiền bến bãi, công cán bứng, di chuyển rồi tiền nước, tiền ăn uống nữa. Đủ thứ tiền. Bến bãi khó kiếm, bến rộng thì mắc, mướn 3 mét trải được có chục cây thì không đẹp mắt, làm sao mà bán. Còn mướn rộng như tôi cỡ 7 mét thì tới 8,4 triệu đồng, tính ra cũng không có đồng lời. Nên tôi làm có mình thôi, làm nhiều người không dư mà chia. Nghề này cực lắm, quanh năm trồng mai mà chỉ đổ dồn trong ba ngày tết. Mai ngày thường bán cây gốc không bao nhiêu tiền mà tết bán không được là không đủ tiền xoay sở cả năm” – chị Thanh thở dài.
Vườn mai của ông Út còn nhiều vì thương lái không lấy hoa như mọi năm - Ảnh: Bùi Thư
|
Còng lưng tưới cây
Theo những người bán hoa Tết ở bến Bình Đông, mọi năm từ 20 tháng chạp, chỗ cho thuê mặt bằng để bán sẽ cho xe bồn hằng ngay đi ngang để tưới cây. Nhưng năm nay, chuyện tưới nước bị... cúp, thay vào đó, bà con phải tự thân đi hứng nước về tưới.
Muốn có nước tưới cây, tất cả mọi người đều phải đến một trạm hứng nước bên kia lộ, cách cả mấy trăm thước để hứng đem về. Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc bán buôn của mọi người. Từ đó, xuất hiện những người nhận chở nước với giá 6.000đ/thùng, trung bình nhiều chủ vườn phải tốn thêm một khoản tiền mua nước tưới cây cho kịp Tết.
Bà Em, dù than thương lái không ghé đặt nhưng vẫn hy vọng từ 25 trở đi sẽ sẽ bán ‘vô mánh’ hơn năm ngoái - Ảnh: Bùi Thư
|
Ông Triệu, 62 tuổi, quê ở Bến Tre có thâm niên 20 năm trồng hoa Tết cho biết với số lượng mai ông bán khoảng 400 chậu, phải tưới một ngày khoảng hơn một chục thùng.
“Tui già, xách nổi thùng nhưng xách hơn chục thùng 30 lít nhiều khi cũng đuối. Quan trọng là bán một mình mà lo đi xách thì không ai canh hàng, lỡ có khách không ai bán. Gặp qua lộ nguy hiểm nữa, giờ cao điểm là coi như thua. Nên tui lấy nước dưới ghe mà tui mang theo để tưới, tạm thời thiếu thì mua của người dân”.
Nhắc tới chuyện phải đi hứng nước về tưới cho cây, ông Út bức xúc: “Tới giờ vô chợ là đặc nghẹt hà, không thể xách đi hứng được vì chỗ tui cách ba bốn trăm thước mới tới mà khoảng 30 thùng ai mà đi. Nhiều khi tui nghĩ giống y chang thời bao cấp đứng xếp hàng để mua gạo vậy. Vì có ống nước chảy ra hà, người này kê vô hết rồi mới tới người khác. Mấy ổng phải có biện pháp chứ như vậy tụi tui phải mướn người chở nước, hóa ra lại thêm tiền mua nước chứ không miễn phí như hợp đồng. Thay vì khi họp khách hàng thì phải nói rõ ra, nếu biết vậy bà con sẽ phản ánh ngay lúc đó. Đằng này làm vậy là khó cho bà con quá”.
Ông năm bị trộm bứng cây mai 5 triệu đồng, giờ cái chậu được trưng dụng làm chỗ để đồ - Ảnh: Bùi Thư
|
Bà Lê Thị Em, bán hoa giấy cũng phản ánh chuyện còn bị chèn ép "cát cứ" để xuống hàng. Theo bà Em, khi ghe chở hàng lên thì có vài người đến ép cho họ vận chuyển cây xuống bãi với giá 200 ngàn đồng. Nếu không chịu, phải "bồi dưỡng" họ 100 ngàn đồng, họ mới chịu bỏ đi.
“Năm sau tui phải phản ánh chuyện này. Tui đã mướn người từ dưới quê chở cây lên, tới nơi lại có người xông đến bắt ép phải mướn họ xuống cây, nếu không họ đập phá. Còn chuyện nước bỏ mười mấy triệu mướn mặt bằng, lấy nước dưới sông lên là cây chết hết”.
Ngoài công chăm bón, cực khổ tưới tiêu, vật vờ ngày đêm với những chậu cây mang Tết đến muôn nhà, những người trồng hoa Tết còn phải đối mặt với nạn giang hồ, trộm cắp bủa vây khắp nơi. Ông Năm bán mai trong khu vực này vừa bị mất trộm cây mai trị giá 5 triệu đồng. Mọi người ở đây cho biết có những thành phần nghiện ngập tối khuya hay rình trộm.
“Tối tui ngủ quên, có cột dây kĩ càng hết mà có người bứng gốc mai đem đi. Mình mất do mình không thức canh thì chịu chứ giờ báo ai, buôn bán mà lên xuống trình bày việc thì còn bán được gì nên thôi, không có báo” – ông Năm thở dài.
(còn tiếp)
Bình luận (0)