Hóa thạch cuốn chiếu 425 triệu năm

26/06/2020 09:16 GMT+7

Phát hiện đem lại bằng chứng mới về nguồn gốc và sự tiến hóa của các loài động vật không xương sống và thực vật

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Texas ở Austin (Mỹ) vừa kết luận rằng hóa thạch của một con cuốn chiếu tìm thấy ở Scotland có niên đại 425 triệu năm, lâu đời hơn bất cứ hóa thạch côn trùng, động vật lớp hình nhện hay chân rết từng được tìm thấy.
Theo chuyên san Science Daily, loài cuốn chiếu có tên Kampearis được tìm thấy tại đảo Kerrera (Scotland), nơi từng phát hiện hóa thạch của thực vật cổ xưa nhất. Kampearis có chiều dài khoảng 2,5 cm và không giống với loài cuốn chiếu ngày nay. Để xác định niên đại, các nhà nghiên cứu dùng kỹ thuật đồng hồ phân tử dựa trên nhịp độ đột biến và kết quả cho thấy hóa thạch này đã tồn tại 425 triệu năm.
Hóa thạch của nhiều loài động vật không xương sống khác từng được tìm thấy có niên đại chỉ 20 triệu năm sau đó. Và có bằng chứng cho thấy các khu rừng phát triển nhanh chóng với nhện, côn trùng và các cây cao vào thời điểm 40 triệu năm sau đó. Phát hiện đem lại bằng chứng mới về nguồn gốc và sự tiến hóa của các loài động vật không xương sống và thực vật, cho thấy chúng tiến hóa nhanh hơn nhiều so với những gì giới khoa học đã biết. “Đó là cú nhảy vọt lớn từ những sinh vật nhỏ bé này thành một cộng đồng rừng phức tạp nhưng trong thời gian không quá dài. Dường như sự tiến hóa lan tỏa nhanh chóng từ các thung lũng thuộc vùng núi này xuống vùng đất thấp và ra khắp thế giới”, theo chuyên gia Michael Brookfield dẫn đầu nhóm nghiên cứu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.