Hoa tiên trở lại

07/02/2021 07:00 GMT+7

Ôm bó hoa lay ơn trắng với dây hoa hồng trắng kết lá măng bàn tay, ông Nguyễn Văn Thành trao cho bà Trần Thị Quản. Ngày kỷ niệm 50 năm đám cưới của cặp vợ chồng Hà Nội đã giống, rất giống với đám cưới năm xưa. Vẫn bó hoa của thập niên 70 thế kỷ trước.

Bó hoa cưới trở về từ ký ức

Sau 50 năm, ông Nguyễn Văn Thành vẫn cười vui như năm xưa ôm hoa đi đón cô dâu. Tóc của bà Trần Thị Quản dù đã mỏng hơn cũng được sấy mái bồng như ngày trọng đại năm ấy. Tấm phông có chữ hỷ kiểu xưa cũ. Thời đó, còn chưa có mốt cắt dán tên cô dâu chú rể lên phông. Nhưng điều khó nhất, bó hoa cưới giống như ngày cưới năm nào, là do chính con gái của bà Quản ông Thành chuẩn bị cho bố mẹ. “Lúc đầu đám cưới vàng của ông bà, con cháu chúng tôi định tổ chức ở Hạ Long nhưng Covid-19 khiến kế hoạch thay đổi. Thế là chúng tôi quyết định chụp lại bộ ảnh cưới như xưa, đúng như Hà Nội xưa vì cả hai ông bà đều là người Hà Nội. Tôi đã tỉa lại bó hoa đó”, nghệ nhân tỉa hoa Bình An Nguyễn Thu nói.
Những bó hoa lay ơn có dây hoa hồng như thế vốn đã là của hiếm. Hoa được tỉa bằng đu đủ lại càng hiếm. Ngay cả người có nghề tỉa hoa trong tay như bà Nguyễn Thu cũng không phải lúc nào cũng làm. Lần gần nhất bà Thu tỉa một bó hoa cưới như vậy cũng đã 2 năm, vào Hội chợ ẩm thực Hà Nội. Sở VH-TT Hà Nội khi đó sắp riêng một không gian để bà khoe tài khéo, cũng là vén màn phần quá khứ tài hoa của người Hà Nội. “Đã lâu lắm tôi mới thấy bó hoa cưới của những năm 70 thế kỷ trước thế này”, bà Ngọc Minh, một người Hà Nội đã ngoài 70, nói khi ấy.
“Bó hoa cưới xưa luôn làm tôi xúc động. Nhớ Hà Nội và nhớ cả lớp học hoa xưa hồi mới học cấp 2 ở Trường Nữ công tinh hoa. Nhớ đến mức giờ tôi vẫn thấy những xô nước phèn để ngâm hoa đu đủ, những xô nước nhuộm phẩm xếp cạnh nhau thế nào”, bà Thu chia sẻ. Để có được bó hoa cưới này, bà dùng đu đủ để tỉa thành những bông lay ơn trắng mỏng tang. Hoa tỉa được uốn cánh cho mềm rồi đính lên những cành lay ơn còn chưa ra nụ. Hồng trắng cũng được tỉa bằng đu đủ, sau khi uống mềm như vừa nở ban sáng được kết lẫn với lá măng bàn tay. Dây hoa hồng cuối cùng được đính vào bó hoa lay ơn để trở thành bó hoa của ký ức Hà Nội xưa. Một ký ức mà giờ muốn tái hiện là rất khó.

Nghệ nhân Bình An Nguyễn Thu đang uốn cánh hoa tỉa từ đu đủ

Ảnh: Quân Nguyễn

Hoa tiên

Không chỉ có lay ơn trắng, bà Thu còn tỉa những bông cúc đại đóa to như một chiếc bát tô cỡ đại. Những cánh hoa dài tới mười mấy phân nhưng chỉ rộng chưa đến một phân. Không ai có thể đếm hết số cánh trên bông cúc đại đóa ấy. “Cánh hoa chẻ càng nhỏ càng đẹp. Vì thế, chính chúng tôi là người tỉa hoa cũng không thể đếm hết được. Những lúc như thế, tôi lại nhớ đến câu chuyện người làm hoa vẫn kể cho nhau nghe. Chuyện kể có một người xin Phật giúp khi mẹ bị ốm. Phật hiện lên cho một bông hoa và nói hoa có bao nhiêu cánh thì mẹ thêm ngần ấy tuổi. Người con bèn ngồi chẻ nhỏ cánh để mong mẹ thêm tuổi. Vì thế, chuyện tỉa hoa thôi nhưng là nói về lòng hiếu thảo”, bà Thu tâm sự.
Nếu hoa cúc mang câu chuyện lòng hiếu thảo thì hoa tiên - một loại hoa không có thật vừa giống phù dung vừa giống cúc - lại là câu chuyện về sự ham học, đỗ đạt. Chị Đặng Anh Vân, cán bộ Phòng Giáo dục truyền thông của Văn Miếu, cho biết trên bia tiến sĩ của Văn Miếu - Quốc Tử Giám có một loại hoa là hoa Bảo Tiên. Được chạm trên trán bia, hoa cũng có ý nghĩa liên quan đến việc học hành. Đây cũng là một loại hoa bà Thu hay tỉa. “Tôi nghĩ đằng sau bông hoa tỉa đều là câu chuyện về đức tính tốt. Bản thân chúng tôi cũng học được sự kiên trì, tập trung khi đeo đuổi việc tỉa hoa. Đó là những bài học về tính cách, về nữ tính của người Hà Nội xưa”, bà Thu nói.
Trước đây, hoa đu đủ tỉa là niềm tự hào trong các dịp lễ trọng trong mỗi gia đình Hà Nội. “Những năm 80, chúng tôi tỉa hoa đu đủ để bàn này, thượng thọ bà này, sinh nhật này, đám cưới này. Các bát hoa đu đủ lúc đó rất nhiều loại, kể cả hoa tulip. Hoa tulip tỉa xong gắn vào lá nếp. Nhưng sau này, ít người học hoa hơn, hoa nhập cũng nhiều hơn nên dần dần mất mốt đó”, bà Thu nói.

Ảnh đám cưới vàng của ông Nguyễn Văn Thành và bà Trần Thị Quản

Ảnh: nhân vật cung cấp

Nghệ thuật tỉa hoa của người Việt

Dù tài khéo, bà Thu dường như tránh xa các cuộc đua tài. Chỉ có một lần bà mang hoa đi thi thố. Liên hoan tỉa hoa năm đó có cả Trung Quốc, Thái Lan - những anh tài có tiếng trong làng tỉa hoa. Nhưng hoa của bà lại được chú ý. “Tôi nghĩ hoa của tôi được khen vì đó là loại hoa duy nhất trong liên hoa sử dụng cách tỉa khối. Trong khi các nước khác họ tỉa từng cánh và gắn vào thành hoa”, nữ nghệ nhân nhớ lại.
Ban giám khảo năm đó cũng ngạc nhiên vì bộ dao tỉa hoa Việt đơn giản đến bất ngờ. “Chúng ta chỉ cần duy nhất một con dao bổ cau và một cái kéo. Chỉ vậy mà có thể làm ra toàn bộ loại hoa. Trong khi các bộ dao tỉa, nhất là của Trung Quốc thì đồ sộ hơn rất nhiều, đủ loại dao nhỏ, dao to, xúc tròn, xúc dẹt”, bà Thu nói. Để bù lại, cách chẻ cánh, uốn cánh của kỹ thuật tỉa hoa Việt lại linh hoạt, tạo dáng đa dạng. Sau này, khi đi sâu vào việc nghiên cứu tỉa hoa, bà Thu còn có những kỹ thuật tỉa chẻ mới.
Việc tạo hình hoa của cách tỉa hoa Việt cũng thong thả. “Ví dụ như hoa Thái nhé, đặt dao vào chạm khắc đến đâu là hoa nhìn ra đến đấy. Nó gây cảm hứng ngay lập tức. Nhưng hoa của mình thì khác hẳn. Tỉa cánh xong vẫn còn có người bảo trông hoa chưa ra đâu vào đâu. Tới lúc dùng kéo cắt sửa xong vẫn thấy chưa đẹp. Nhưng uốn cánh nhộm màu rồi thì đẹp hơn hẳn. Đẹp từ từ kiểu đấy nó giống như kiểu con gái Hà Nội ngày xưa, càng tìm hiểu kỹ càng thấy nó đẹp”, bà Thu vừa nói vừa mỉm cười.
Vì thế, tuy tỉa hoa hồng trong vòng 15 phút, vẫn có những bông hoa bà mất 7 tiếng đồng hồ. Với những đóa sen lớn, ngoài việc chẻ cánh và uốn, bà Thu còn vẽ vân cho cánh. “Mình dùng cái que xiên tre vẫn dùng để xiên thịt xiên tôm để cứa vào cánh. Như thế sẽ tạo thành rãnh. Sau nhuộm màu nó trở thành gân của cánh hoa. Hoặc tôi cũng dùng thêm bút để tô cánh hoa. Ngày xưa nhuộm màu các cụ chỉ thả vào màu thôi chứ không dùng bút để tô từng cánh hoa như mình”, bà cho biết.

Đón người thiện tâm

Nhưng nghệ nhân Nguyễn Thu cũng không nói không với những kỹ thuật hoa khác. Với hoa sen, bà dần dần áp dụng cách tỉa khối của người Thái. Kỹ thuật này vốn quen thuộc với người Việt qua các quả dưa hấu tỉa. Với kỹ thuật này, bà tạo đài sen với những khối nổi của gạo sen. Điều này khiến bông sen trở nên thuyết phục hơn rất nhiều.
Việc cắm những bông hoa tỉa được bà trao cho nghệ nhân Ikebana Vy Anh. Ông Vy Anh cho biết: “Thực ra, Ikebana trước kia vẫn không chấp nhận những gì không thuộc về tự nhiên. Họ chỉ cắm hoa lá tự nhiên, cũng theo cách tự nhiên nhất”. Vì thế, việc cắm hoa tỉa đu đủ của bà Nguyễn Thu có nghĩa là ông Vy Anh đã coi những bông hoa này có vẻ đẹp hoàn toàn thuyết phục của tự nhiên rồi. Ông Vy Anh cũng là người đảm nhận việc kết bó hoa cưới tỉa từ đu đủ từ thập niên 1970 cùng bà Thu.
Ông Vy Anh còn cho biết: “Tôi cũng giới thiệu hoa của chị Thu với thầy dạy của tôi ở Nhật, ở Pháp. Họ đều khen ngợi và chấp nhận việc tôi cắm hoa tỉa đu đủ với phong cách Ikebana”.
Những bông hoa tiên - theo cách gọi của nghệ nhân Bình An Nguyễn Thu - vẫn được tỉa dâng trong những dịp lễ trọng. Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội, cho biết ban cũng dùng hoa tiên để dâng ở các đình trong phố cổ nhân dịp đầu năm. “Đó là cách chúng tôi giới thiệu tinh hoa, giới thiệu Công Dung Ngôn Hạnh của những cô gái Hà Nội xưa”, bà Lan nói.
Còn với nghệ nhân Bình An Nguyễn Thu, giờ đây, những đóa hoa không chỉ là niềm vui được tỉa hoa, được nhớ về quá khứ. Hằng năm, bà đều tổ chức vài lớp dạy tỉa hoa từ đơn giản tới nâng cao. Học phí thu về được quyên góp hoàn toàn cho các chương trình thiện nguyện ủng hộ người khó khăn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.